Tài chính

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (19/12): VGC, VNM và ANV

(VNF) - Trong quý IV/2022, SSI cho rằng VGC có thể sẽ cho thuê 10ha đất khu công nghiệp với mức giá cao hơn 10% so với cùng kỳ. Cho cả năm 2022, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế dự kiến lần lượt đạt 13,8 nghìn tỷ đồng (tăng 23,6% so với cùng kỳ) và 2,3 nghìn tỷ đồng (tăng 47,3% so với cùng kỳ), hoàn thành 133% kế hoạch năm 2022.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (19/12): VGC, VNM và ANV

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (19/12): VGC, VNM và ANV

VGC: SSI khuyến nghị trung lập với giá mục tiêu 45.500 đồng/cổ phiếu

Doanh thu thuần quý III/2022 của Tổng Công ty Viglacera (HoSE: VGC) đạt 3,2 nghìn tỷ đồng (hay 134 triệu USD) (tăng 45% so với cùng kỳ), với mảng vật liệu xây dựng (kính xây dựng, sứ vệ sinh, gạch granite & ceramic, gạch ngói - chiếm 79% tổng doanh thu) tăng trưởng mạnh (tăng 72,8% so với cùng kỳ).

Doanh thu từ vật liệu xây dựng tăng trưởng 5,8% so với kết quả trước covid (năm 2019). Đặc biệt, doanh thu từ kính xây dựng tăng 198% so với cùng kỳ do nhu cầu kính xây dựng phục hồi giúp giá kính tăng lên.

Doanh số bán thiết bị vệ sinh và gạch granit & ceramic tăng lần lượt là 59% và 71% so với cùng kỳ trong quý 3 năm 2022. Ngoài ra, VGC đã cho thuê 11 ha tại Khu công nghiệp Yên Phong mở rộng, Đông Hà, Phú Hà và các khu công nghiệp khác, giúp doanh thu hoạt động KCN đạt 406 tỷ đồng (giảm 18% so với cùng kỳ) – chiếm 20,5% tổng doanh thu.

Giá thuê trung bình tăng 11% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 264 tỷ đồng (tăng 26% so với cùng kỳ). Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của công ty lần lượt đạt 11,3 nghìn tỷ đồng (tăng 50,5% so với cùng kỳ) và 1,7 nghìn tỷ đồng (tăng 104% so với cùng kỳ), hoàn thành 120% kế hoạch năm 2022.

Dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế trong quý IV/2022 lần lượt đạt 2,5 nghìn tỷ đồng (giảm 33% so với cùng kỳ) và 211 tỷ đồng (giảm 47% so với cùng kỳ) do nhu cầu vật liệu xây dựng giảm và những thách thức của thị trường bất động sản. Đồng thời, giá kính xây dựng giảm 7-8% so với đầu năm.

Trong quý IV/2022, VGC có thể sẽ cho thuê 10ha đất khu công nghiệp với mức giá cao hơn 10% so với cùng kỳ. Cho cả năm 2022, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế dự kiến lần lượt đạt 13,8 nghìn tỷ đồng (tăng 23,6% so với cùng kỳ) và 2,3 nghìn tỷ đồng (tăng 47,3% so với cùng kỳ), hoàn thành 133% kế hoạch năm 2022.

Công ty Chứng khoán SSI dự báo doanh thu thuần năm 2023 năm VGC là 11,6 nghìn tỷ đồng (hay 487 triệu USD), giảm 16,2% so với cùng kỳ. Doanh thu kính xây dựng dự báo đạt 2,1 nghìn tỷ đồng (hay 89 triệu USD) (giảm 25% so với cùng kỳ) – chiếm 18% tổng doanh thu.

Sự sụt giảm này là do giá bán giảm 16% so với cùng kỳ và nhu cầu yếu hơn, mặc dù nhà máy kính Chu Lai (một trong những đối thủ cạnh tranh của VGC, chiếm 15% thị phần kính xây dựng) vẫn chưa hoạt động trở lại sau khi đóng cửa để sửa chữa vào năm 2022. Biên lợi nhuận gộp dự kiến đạt 18,3% (giảm 16% so với cùng kỳ).

Doanh thu nhà ở thương mại dự kiến đạt 100 tỷ đồng khi phần lớn doanh thu của dự án Đặng Xá 2 đã được ghi nhận với giá trị 1,48 nghìn tỷ đồng vào năm 2022.

Doanh thu thiết bị vệ sinh đạt 1,2 nghìn tỷ đồng (tăng 0,9% so với cùng kỳ) – chiếm 10% tổng doanh thu, do giá bán có thể không thay đổi. Tỷ suất lợi nhuận gộp dự kiến ở mức 30% (giảm 0,4% so với cùng kỳ).

Doanh thu gạch granite & ceramic dự báo đạt 2,9 nghìn tỷ đồng (tăng 3,7% so với cùng kỳ) – chiếm 25,6% tổng doanh thu. Nhu cầu thị trường nhà ở dự kiến sẽ phục hồi vào cuối năm và VGC sẽ có thể duy trì thị phần trong phân khúc trung cấp. Tỷ suất lợi nhuận dự kiến đạt 18,1% (giảm 0,6% so với cùng kỳ).

Doanh thu khu công nghiệp dự báo đạt 2,7 nghìn tỷ đồng (giảm 11,9% so với cùng kỳ) – chiếm 23% tổng doanh thu. Diện tích cho thuê dự kiến đạt 168 ha (giảm 12% so với cùng kỳ), trong đó 35ha đất cho thuê tại Khu công nghiệp IIC Yên Phong và Yên Phong chủ yếu đến từ các khách hàng và nhà cung cấp của Samsung. Bên cạnh đó, 20ha dự kiến sẽ được Gliximco thuê tại Khu công nghiệp Tiền Hải - Thái Bình, với mức giá trung bình dự kiến không đổi vào năm 2023. Tỷ suất lợi nhuận gộp là 54,2%.

Lợi nhuận trước thuế năm 2023 dự kiến đạt 1,6 nghìn tỷ đồng (giảm 27,8% so với cùng kỳ). EPS năm 2023 là 2.780 đồng, tương đương P/E dự phóng là 15,3 lần - cao hơn P/E trung bình ngành là 11,5 lần.

VNM: BSC khuyến nghị theo dõi với giá mục tiêu 87.700 đồng/cổ phiếu

Lợi nhuận của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (HoSE: VNM) tiếp tục suy giảm trong quý III/2022 do áp lực từ giá nguyên vật liệu tăng cao. Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế quý III/2022 lần lượt đạt 16.079 tỷ đồng (giảm 1% so với cùng kỳ) và 2,323 tỷ đồng (giảm 22% so với cùng kỳ).

Mặc dù, nhu cầu nội địa trong quý III/2022 dần phục hồi sau nỗ lực tái cấu trúc kênh phân phối trong quý II/2022, giúp doanh thu tăng 10% so với quý trước – tương đương cùng kì năm 2021, nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn suy giảm giảm 22% so với cùng kỳ do biên lợi nhuận gộp giảm 3,4 điểm cơ bản do mức tăng giá đầu ra 5% so với cùng kỳ chưa đủ bù đắp mức tăng giá nguyên vật liệu đầu vào ước tăng từ 20 -25% so với cùng kỳ và  tác động của chi phí tài chính tăng 125% so với cùng kỳ – mức tăng tương đương 3,4% lợi nhuận sau thuế do chi phí sử dụng vốn tăng 72,6% so với cùng kỳ (tương đường 1% lợi nhuận trước thuế) và lỗ tỷ giá và hoạt động tài chính tăng 6,43 lần so với cùng kì (tương đường 1,6% lợi nhuận trước thuế) .

Lũy kế 9 tháng năm 2022, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế đạt lần lượt 44.888 tỷ đồng (giảm 0,5% so với cùng kỳ) và 2.860 tỷ đồng (giảm 20% so với cùng kỳ). Qua đó, VNM hoàn thành lần lượt 70% kế hoạch doanh thu và 68,3% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.

Đối với kì vọng quý IV/2022, Công ty Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) kì vọng kết quả kinh doanh của VNM sẽ có những tín hiệu tích cực hơn so với quý III. Theo đó, doanh thu thu hẹp đà suy giảm được dẫn dắt bởi doanh thu nội địa nhờ cải tiến sản phẩm và người tiêu dùng thích nghi được với mặt bằng giá mới và kênh truyền thống ghi nhận tăng trưởng từ quý III sau khi tái cấu trúc các chính sách thương mại, cân bằng lợi ích các bên.

Tuy nhiên, doanh thu xuất khẩu tiếp tục giảm 25% so với mức nền cao của cùng kì, do bối cảnh thắt chặt chi tiêu toàn cầu và biến động tỷ giá khiến các sản phẩm xuất khẩu VNM khó cạnh tranh với sản phẩm nội địa.

Biên lợi nhuận ròng dự kiến giảm nhẹ từ 14% (quý IV/2021) xuống còn 13,6%(quý IV/2022). BSC cho rằng VNM sẽ thu hẹp khoảng cách về biên lợi nhuận ròng so với cùng kì từ 3,8 điểm phần trăm (quý III/2022) xuống còn 0,4 điểm phần trăm (quý IV/2022), tín hiệu tích cực chủ yếu nhờ biên lợi nhuận gộp phục hồi bởi giá bán đã tăng 5%  so với cùng kỳ trong nửa đầu năm 2022 và giá nguyên vật liệu kì vọng giảm từ 10-15% so với giai đoạn 9 tháng năm 2022.

BSC kì vọng doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế của VNM năm 2022 lần lượt đạt 60.727 tỷ đồng (giảm 0,3% so với cùng kỳ) và 8.836 tỷ đồng (giảm 16% so với cùng kỳ), tương đương EPS = 3.765 đồng và PE dự phóng đạt 20,6 lần.

BSC điều chỉnh doanh thu và lợi nhuận trước thuế giảm lần lượt 3% và 9% so với dự báo trước đó, do giảm kì vọng về tăng trưởng của thị trường nội địa và doanh thu xuất khẩu do áp lực cạnh tranh cao trong bối cảnh tiêu dùng thắt chặt.

Lợi nhuận ròng thực tế quý III/2022 thấp hơn kì vọng 10% do vẫn chịu áp lực cao từ giá  nguyên vật liệu được chốt vào nửa đầu 2022, ảnh hưởng của tỷ giá và sức mua bị ảnh hưởng bởi lạm phát. Tuy nhiên, BSC lưu ý những thay đổi của chính sách vĩ mô, sức mua vẫn chịu ảnh hưởng bởi xu hướng tiêu dùng bị thắt chặt, trong khi áp lực cạnh tranh và tỷ giá tác động lên hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, sẽ ảnh hưởng tiêu cực biên lợi nhuận gộp của VNM trong giai đoạn quý IV/2022 và đầu 2023.

BSC kỳ vọng doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế năm 2023 của VNM lần lượt đạt 61.883 tỷ đồng (tăng 1,9% so với cùng kỳ) và 10.354 tỷ đồng (tăng 17,6% so với cùng kỳ), tương đương EPS dự phóng năm 2023 là 4.411 đồng, P/E dự phóng năm 2023 đạt 17,6 lần.

Động lực tăng trưởng lợi nhuận chủ yếu đến từ biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 40,6% (dự phóng năm 2022) lên 43,6% (năm 2023) nhờ mức nền giá các sản phẩn sữa trung bình cao hơn từ 1% đến 2% so với giá trung bình của năm 2021 và kì vọng giá nguyên liệu chính tiếp tục giảm từ 15% đến 17% so với cùng kỳ trong 2023.

Ngoài ra, BSC cũng chưa đưa giả định về sự kiện Trung Quốc mở cửa trở lại tác động vào giá sữa bột vào mô hình định giá do chưa đủ dữ kiện. Bởi lẽ, theo dữ liệu của Rabobank, áp lực nhập khẩu sữa bột của Trung Quốc hiện không lớn do sản lượng nhập khẩu của Trung Quốc 6 tháng liên tiếp có xu hướng giảm so với cùng kì và nguồn cung nội địa tăng mạnh, hàng tồn kho dồi dào và nhu cầu tiêu dùng yếu sẽ tiếp tục khiến nhu cầu từ Trung Quốc tiếp tục giảm trong các tháng còn lại của năm 2022 và có thể kéo dài sang năm 2023.

BSC khuyến nghị theo dõi đối với mã cổ phiếu VNM với giá 87.000 đống/cổ phiếu với phương pháp DCF (50%) và P/E (50%), PE mục tiêu cho năm 2023 là 19 lần, thấp hơn PE trung bình 5 năm là 20 lần do những lo ngại về việc chiết khẩu P/E sâu hơn giai đoạn trước do bối cảnh thị trường và kinh tế chung biến động mạnh.

ANV: MASVN khuyến nghị mua với giá mục tiêu 30.000 đồng/cổ phiếu

Công ty Cổ phần Nam Việt (HoSE: ANV) là doanh nghiệp hàng đầu cá tra tại Việt Nam với công nghệ nuôi trồng khép kín hiện tại, cùng chi phí sản xuất cạnh tranh. 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần và lãi ròng của công ty lần lượt đạt 3.752 tỷ đồng và 567 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 54% và 666% so với cùng kỳ.

Biên lợi nhuận gộp tăng từ 14% lên 29% so với cùng kỳ nhờ giá bán cá tra tăng. Cụ thể: tại Mỹ giá bán cá tra phi lê trung bình tăng 53% so với cùng kỳ đạt 4,26 USD/kg. Tại Trung Quốc giá bán cá tra phi lê trung bình tăng 64% so với cùng kỳ đạt 2,45 USD/kg.

Chi phí tài chính tăng 55% so với cùng kỳ do lỗ chênh lệch tỷ giá tăng gần 7 lần so với cùng kỳ. Doanh thu tài chính tăng 33% so với cùng kỳ, do lợi nhuận từ tiền gửi ngân hàng tăng.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản được dự báo sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định trung bình 7% trong những năm tiếp theo, đạt xấp xỉ 12 tỷ USD vào cuối giai đoạn 2021-2025.

Theo thống kê hải quan 9 tháng năm 2022, xuất khẩu cá tra đạt 1,97 tỷ USD, tăng 83% so với cùng kỳ. Trong đó, Trung Quốc chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm 30% kim ngạch. Theo thống kê 6 tháng năm 2022, doanh thu ANV đến từ thị trường này chỉ chiếm 8,1%.

Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) kỳ vọng thị trường Trung quốc là điểm sáng cuối năm 2022 và 2023 nhờ việc dự kiến mở cửa hoàn toàn nền kinh tế của quốc gia này vào quý I/2023, nhu cầu dự báo tăng nhanh sau hai năm giảm là động lực chính.

Theo MASVN, ANV có thể khai thác lợi thế về chi phí logistic so với các đối thủ nước ngoài khác. MASVN dự báo giá bán tại thị trường Trung Quốc duy trì ở mức 2,3- 2,5 USD/kg (Giá xuất khẩu trung bình trong 9 tháng đạt 2,3 USD/kg, riêng tháng 9 đạt 2,73 USD/kg).

Với lợi thế tự chủ nguồn nguyên liệu với giá thành thấp, ANV hiện sở hữu 250ha vùng nuôi truyền thống và 600ha vùng nuôi công nghệ cao Bình Phú. Vùng nuôi cung cấp 370.000 tấn cá/năm. Dự kiến năm 2023, vùng nuôi Bình Phú sẽ tăng sản lượng khai thác giúp ANV nâng tỷ lệ tự chủ lên 100% nguồn con giống để phát triển nuôi cá thương phẩm, phục vụ chế biến xuất khẩu cải thiện biên lợi nhuận.

Năm 2022, MASVN dự phóng doanh thu và lãi ròng đạt 4.810 và 662 tỷ đồng, tăng 38% và 206% so với cùng kỳ. Năm 2023, MASVN dự phóng doanh thu và lãi ròng đạt 5.291 và 675 tỷ đồng, tăng 10% và 2% so với cùng kỳ.

Biên lợi nhuận gộp giảm từ 26% xuống 23% vì giá bán trung bình của ANV giảm sau khi giá cá tra đạt đỉnh vào quý II/2022. Doanh thu thành phẩm đạt 4.901 tỷ tăng 9% so với cùng kỳ.

EPS dự phóng năm 2023 ước đạt 5.315 đồng/cổ phiếu, tương ứng P/E dự phóng ở mức 4,7 lần. MASVN đánh giá tích cực dành cho ANV nhờ vị thế hàng đầu ngành xuất khẩu cá tra, lợi thế tư chủ nguồn nguyên liệu và triển vọng từ thị trường Trung Quốc, sau khi thị trường này mở cửa trở lại.

MASVN kỳ vọng cổ phiếu ANV sẽ tạo vùng cân bằng quanh vùng giá 25.000 đồng trước khi tiếp tục đà tăng ngắn hạn. Mục tiêu ngắn hạn của ANV là mốc kháng cự quanh vùng 30.000 đồng/cổ phiếu. Trường hợp vượt qua được ngưỡng trên, để tiến về kháng cự cao hơn ở 35.000 đồng/cổ phiếu.

Tin mới lên