Tài chính

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (19/5): PVS, OCB và STB

(VNF) - Các công ty chứng khoán vừa đưa ra khuyến nghị đối với một số cổ phiếu trước phiên giao dịch ngày 19/5, bao gồm PVS, OCB và STB.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (19/5): PVS, OCB và STB

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (19/5): PVS, OCB và STB

MBS: Khuyến nghị nắm giữ dành cho PVS

Công ty Chứng khoán MB (MBS) vừa khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu PVS của Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam, với giá mục tiêu là 22.700 đồng/cổ phiếu.

MBS cho rằng, PVS là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật dầu khí trong nước và khu vực với các lĩnh vực hoạt động trải rộng từ khâu thượng nguồn đến hạ nguồn dầu khí. Thêm vào đó, doanh nghiệp có triển vọng phát triển sáng sủa trong giai đoạn 2021-2025 với các dự án dầu khí lớn khi giá dầu đang tăng mạnh.

Năm 2021, PVS đặt kế hoạch kinh doanh khá thận trọng, với tổng doanh thu hợp nhất là 10.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 700 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 560 tỷ đồng, lần lượt bằng 50% và 68% so với thực hiện của năm 2020.

Kết thúc quý I vừa qua, PVS ghi nhận doanh thu đạt 2.614 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 221 tỷ đồng, bằng 81% và 126% so với cùng kỳ năm 2020, hoàn thành lần lượt 26% và 32% kế hoạch năm.

MBS nhận định, doanh thu đạt thấp trong khi lợi nhuận khả quan nhờ lợi nhuận gộp trong kỳ tốt hơn (biên lợi nhuận gộp đạt 6,8% so với mức 5,9% cùng kỳ và 3,9% của năm 2020) và đặc biệt lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết tăng mạnh 391% lên 157 tỷ đồng.

Ngược lại, chi phí quản lý doanh nghiệp là yếu tố góp phần làm giảm lợi nhuận khi tăng 54% so với cùng kỳ lên 191 tỷ đồng.

Đối với tình hình chung toàn ngành, hiện giá dầu tiếp tục hồi phục và tăng lên mức 65-70 usd/thùng (dầu Brent) tạo điều kiện hết sức thuận lợi, kích hoạt và đẩy nhanh tiến độ trở lại các dự án dầu khí lớn, hứa hẹn làm cơ sở cho sự phát triển của các doanh nghiệp trong ngành dầu khí trong giai đoạn 2021-2025.

Đối với PVS, các lĩnh vực hoạt động cốt lõi vẫn tiếp tục cơ bản ổn định, lĩnh vực tàu chuyên dụng ngoài phục vụ các hoạt động dầu khí, sẽ mở rộng sang thị trường năng lượng điện gió ngoài khơi. PVS đã tham gia ký kết MOU với Công ty Cổ phần Phát triển Điện gió La Gàn công suất 3,5GW, mở ra một thị trường dịch vụ năng lượng mới trong tương lai (PVS cũng đã cung cấp một số dịch vụ tàu chuyên dụng cho dự án Hải Long-Đài Loan với giá trị nhỏ).

Đáng chú ý, lĩnh vực kho nổi được cho là điểm sáng nhất trong hoạt động của doanh nghiệp trong năm 2021. Các kho nổi Lam Sơn, Ruby hoạt động ổn định trở lại nhờ các hợp đồng kinh doanh đã được ký kết chính thức, MV12 đã khắc phục hoàn toàn sự số từ tháng 10/2020 và đặc biệt có sự đóng góp mới của FSO Sao Vàng từ tháng 11/2020.

Đối với lĩnh vực cơ khí dầu khí, xác định là điểm trũng trong năm 2021 khi các dự án mới quy mô lớn (Nam du U minh, Lô B) là chưa có, nhưng các dự án đang thực hiện vẫn cơ bản đảm bảo để doanh nghiệp hoạt động ổn định và tiếp tục tìm kiếm các dự án đầu tư mới trong nước và quốc tế. Triển vọng đầy tiềm năng trong năm 2022-2024 khi các dự án lớn được thực hiện.

SSI: Khuyến nghị khả quan OCB, giá mục tiêu 1 năm là 29.000 đồng/cổ phiếu

Công ty Chứng khoán SSI (SSI) nhận định, căn cứ thuần vào kết quả định giá, đơn vị đã điều chỉnh giảm khuyến nghị Ngân hàng TMCP Phương Đông (HoSE: OCB) từ mua xuống khả quan, do cổ phiếu đã tăng 27% kể từ khuyến nghị mua hồi tháng 2/2021.

Chuyển cơ sở định giá sang giữa năm 2022, SSI điều chỉnh tăng giá mục tiêu 1 năm lên 29.000 đồng/cổ phiếu (từ 25.300 đồng/cổ phiếu), tiềm năng tăng giá 21%.

Được biết, trong quý I/2021, tổng thu nhập hoạt động và lợi nhuận trước thuế của OCB đạt 2.000 tỷ đồng (tăng 2% so với cùng kỳ ) và 1.280 tỷ đồng (tăng 15,2% so với cùng kỳ).

Mức tăng trưởng này thấp hơn đáng kể so với trung bình các ngân hàng thương mại trong nước là 28,9% và 82,4% so với cùng kỳ. Điều này đã được kỳ vọng trước do giao dịch trái phiếu Chính phủ có thể không có nhiều thuận lợi như trong năm 2020.

Nếu không tính hoạt động này, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế quý I của OCB ở mức 86,6% so với cùng kỳ, đạt được nhờ kiểm soát tốt chi phí hoạt động (tăng 10% so với cùng kỳ) và chi phí tín dụng giảm (0,8% so với 2% trong quý I/2020).

SSI cho rằng, yếu tố chính khiến kết quả kinh doanh quý vừa qua giảm là do NIM giảm mạnh (3,79% so với 4,85% trong quý IV/2020 và 4,23% trong quý I/2020). Điều này là do tỷ trọng cho vay khách hàng doanh nghiệp tiếp tục mở rộng và nợ nhóm 2 tăng (32% so với đầu năm hoặc 3,8% tổng dư nợ cho vay).

Tuy nhiên, chất lượng tài sản nhìn chung khá ổn định, với tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu ở mức 1,69% và 63,2% (so với 1,69% và 62,1% vào cuối 2020). Nợ tái cơ cấu cũng giảm còn 945 tỷ đồng (giảm 37% so với đầu năm).

SSI điều chỉnh tăng ước tính 2021 từ 5.100 tỷ đồng lên 5.500 tỷ đồng để phản ánh việc kiểm soát CIR tốt hơn so với ước tính. Mức CIR không bao gồm lãi kinh doanh Trái phiếu Chính phủ được điều chỉnh giảm từ 41% còn 36,2%.

VCSC: Khuyến nghị mua STB, giá mục tiêu 32.400 đồng/cổ phiếu

Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nâng khuyến nghị từ khả quan lên mua dành cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (HoSE: STB), đồng thời nâng giá mục tiêu thêm 54% lên 32.400 đồng/cổ phiếu.

VCSC cho biết, giá mục tiêu cao hơn đến từ các yếu tố như mức tăng tổng cộng 9,6% trong dự báo lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2021-2025, do đơn vị này giả định tiến độ xử lý tài sản tồn đọng nhanh hơn và giảm giả định về khoản lỗ dự kiến từ tài sản tồn đọng dựa trên kỳ vọng về việc bán tài sản thế chấp thành công ở mức giá cao.

Thêm vào đó, mức định giá cao hơn của VCSC đến từ phương thức giá trị vốn hóa thị trường trên tiền gửi do giá trị vốn hóa thị trường tương ứng cao hơn khi giá cổ phiếu tăng mạnh trong quý I/2021 và mức chiết khấu định giá thấp hơn khi thay đổi giả định về khoản lỗ dự kiến từ tài sản tồn đọng.

Mặt khác, VCSC không còn áp dụng phương thức giá trị vốn hóa trên khoản vay để áp dụng phương thức P/B mục tiêu vì phương pháp giá trị vốn hóa/cho vay bị ảnh hưởng bởi tỷ lệ cho vay/huy động (LDR) thấp hiện tại của STB.

Chi phí vốn chủ sở hữu của VCSC cũng giảm 50 điểm cơ bản từ 13% trước đây xuống 12,5% và tác động tích cực từ việc cập nhật mô hình định giá đến giữa năm 2022.

Hiện nay, VCSC tăng dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2021 của STB lên 10,5%, chủ yếu do dự phóng chi phí dự phòng năm 2021 giảm 24,5% sau khi thay đổi giả định về tỷ lệ nợ VAMC xử lý thông qua trích lập dự phòng.

VCSC duy trì giả định, rằng nợ gốc hiện tại từ việc bán quỹ đất Cần Đước sẽ được nhận vào năm 2023; quỹ đất Phong Phú sẽ được xử lý vào năm 2021 và toàn bộ số dư nợ ròng của VAMC sẽ được xử lý và được dự phóng vào cuối năm 2022.

Tuy nhiên, VCSC thay đổi giả định rằng tất cả lãi dự thu tồn đọng kế thừa sẽ được xử lý vào năm 2022 (so với năm 2024 trước đây).

Tin mới lên