Tài chính

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (21/6): HSG, TNG và FRT

(VNF) - MBS kỳ vọng sự phục hồi từ nền kinh tế trong nước, cũng như nền kinh tế toàn cầu sẽ thúc đẩy khả năng tiêu thụ của HSG giai đoạn 2022-2023. Hiện HSG đang thực hiện từng bước kế hoạch nâng hệ thống Hoa Sen Home lên 600 cửa hàng, khẳng định rõ chiến lược dài hạn là chuyển dần sang phân phối sản phẩm, hạn chế đầu tư sản xuất nhằm giữ ổn định dòng tiền, đồng thời tiết chế các khoản vay.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (21/6): HSG, TNG và FRT

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (21/6): HSG, TNG và FRT

MBS: Khuyến nghị mua HSG với giá mục tiêu 30.000 đồng/cổ phiếu

Trong báo cáo mới nhất, Công ty Chứng khoán MB (MBS) kỳ vọng sự phục hồi từ nền kinh tế trong nước cũng như nền kinh tế toàn cầu sẽ thúc đẩy khả năng tiêu thụ của Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) trong giai đoạn năm 2022-2023.

Tính đến tháng 4/2022, hệ thống Hoa Sen Home đã có 92 của hàng và mục tiêu dài hạn là lên đến 600 cửa hàng, đây là kế hoạch khẳng định rất rõ chiến lược dài hạn là chuyển dần sang phân phối sản phẩm, hạn chế đầu tư sản xuất sẽ giúp HSG ổn định được dòng tiền cũng như hạn chế các khoản vay. Với chiến lược này trong dài hạn, doanh nghiệp sẽ đạt được mức biên lợi nhuận gộp ổn định đồng thời cải thiện khi quy mô hệ thống cửa hàng được nâng cao.

MBS kết hợp đồng thời 2 phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do DCF và phương pháp so sánh P/E để đưa ra mức giá mục tiêu là 30.000 đồng/cổ phiếu với khả năng tăng giá là 60% so với thị giá hiện tại. Từ đó, khuyến nghị các nhà đầu tư có thể mua vào cổ phiếu này.

Thực tế, hoạt động tiêu thụ của HSG đã bình ổn trong giai đoạn khó khăn. Theo đó, kết thúc quý II và lũy kế bán niên niên độ tài chính 2021-2022, tổng sản lượng tiêu thụ của HSG đạt lần lượt là hơn 461.000 tấn và hơn 1 triệu tấn, có suy giảm nhẹ so với cùng kỳ nhưng vẫn dẫn đầu thị phần về tiêu thụ tôn mạ và đứng thứ 2 thị phần tiêu thụ ống thép.

Lưu ý rằng, khoảng thời gian vừa qua ngành thép tại khu vực châu Âu đã phải chịu áp lực do chi phí năng lượng tăng cao bởi chiến dịch từ Nga đã khiến cho giá dầu và khí đốt tăng cao đột biến. Với sản lượng sản xuất thấp nên phần lớn thép sử dụng trong khu vực này phải nhập khẩu mà trong đó từ Nga và Ukraine chiếm đến 20% tổng lượng nhập khẩu vào khu vực này.

Các cuộc xung đột cũng khiến cho hoạt động sản xuất thép của khu vực châu Âu suy giảm đáng kể, trong khi tháng 1 và 2 đầu năm 2022 sản lượng sản xuất tại khu vực này đạt 12 triệu tấn/tháng thì sản lượng sản xuất trong tháng 3/2022 chỉ còn 4 triệu tấn. Mặt khác, khu vực châu Á và châu Đại dương lại gia tăng sản xuất đáng kể trong tháng này đạt mức tăng tưởng gần 13% so với tháng liền kề, tuy nhiên vẫn tiếp tục ghi nhận con số suy giảm so với cùng kỳ năm trước bởi sự suy giảm sản xuất từ Trung Quốc.

Trong khi đó, doanh thu quý II và giai đoạn bán niên niên độ tài chính 2021-2022 chứng kiến mức tăng trưởng là 17% và 48% so với cùng kỳ năm trước, đạt trên 12.600 tỷ đồng và 29.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, đối diện tình hình chung của toàn ngành với nguyên vật liệu có xu hướng tăng cao trong thời gian qua đã ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận gộp cũng như lợi nhuận ròng của doanh nghiệp.

Dù vậy, MBS cũng lưu ý rủi ro căng thẳng chính trị và chiến tranh giữa Nga và Ukraine vẫn chưa đến hồi kết, bên cạnh đó các chính sách sản xuất và tiêu thụ thép từ Trung Quốc sẽ ảnh hưởng lớn đến sự biến động của giá thép và nguyên vật liệu đầu vào.

Yuanta: Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu TNG

Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) vừa công bố doanh thu 5 tháng đầu năm 2022 với 2.480 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ, hoàn thành 41% kế hoạch cả năm. Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) cho biết, xét theo từng tháng, doanh thu tháng 5 tiếp tục tăng trưởng là một điểm tích cực cho TNG. Yuanta cho rằng, doanh thu TNG vẫn ít chịu ảnh hưởng do lạm phát trong ngắn hạn vì các đơn hàng sản xuất hầu như đã được ký kết tới cuối năm.

Trước đó ở báo cáo tài chính quý I, biên lợi nhuận gộp của TNG cải thiện từ 12,2% cùng kỳ lên mức 12,5%, nhờ việc chuyển cơ cấu đơn hàng sang loại hình FOB, ít chịu ảnh hưởng lợi nhuận khi chi phí vận tải tăng cao, bất chấp việc các doanh nghiệp cùng ngành đang chịu ảnh hưởng lớn từ chi phí vận tải và chi phí sợi tăng cao.

Đối với mảng dệt may, TNG liên tục đầu tư vào số lượng dây chuyền sản xuất từ 236 dây chuyền năm 2018 sang 319 dây chuyền cuối 2021. Theo kế hoạch, TNG sẽ đưa vào vận hành dự án nhà máy Đồng Hỷ 2 với 50 chuyền may từ 2022 và dự án Đại Từ 2 với 32 chuyền may từ 2023. Đây sẽ là động lực tăng trưởng ngắn và trung hạn cho TNG, theo Yuanta.

Đối với mảng bất động sản, cụm công nghiệp Sơn Cẩm 1 (tổng diện tích 70,5ha, đã san lấp 42ha) cũng là động lực tăng trưởng cho TNG. Năm nay, cụm công nghiệp Sơn Cẩm 1 dự kiến được lấp đầy 100% và đem lại doanh thu dự kiến 1.022 tỷ đồng.

Trước những yếu tố trên, Yuanta kỳ vọng doanh thu của TNG sẽ tăng trưởng lần lượt 26% và 20% trong năm 2022 và 2023. Tuy nhiên, công ty chứng khoán này cũng lưu ý rủi ro đến từ việc pha loãng do kế hoạch phát hành cổ phiếu mới.

Trên thị trường, ở mức giá đóng cửa hiện tại, TNG đang được giao dịch tại mức P/E 12 tháng là 11,6 lần (tương ứng EPS là 2.590 đồng). Mức stock rating của TNG ở mức 87 điểm cho nên Yuanta duy trì đánh giá tích cực mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này.

Trong khi đó, đồ thị giá của TNG đóng cửa tăng 6,6% với khối lượng giao dịch tăng đột biến so với mức trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên các nhà đầu tư cần hạn chế mua đuổi tại các nhịp tăng mạnh.

Ngoài ra, xu hướng ngắn hạn của TNG cũng được nâng lên mức tăng. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét mua ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp dưới 5% và tăng dần tỷ trọng cổ phiếu nếu xu hướng ngắn hạn của thị trường tích cực hơn.

ACBS: Khuyến nghị mua FRT, giá mục tiêu 113.365 đồng/cổ phiếu

Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) mới đây đã đưa ra khuyến nghị mua cho cổ phiếu FRT của Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail). Giá mục tiêu đề xuất là 113.365 đồng/cổ phiếu, tương ứng với tổng mức sinh lời kỳ vọng 16,5% dựa trên triển vọng tiềm năng và khả năng sinh lợi cải thiện của chuỗi nhà thuốc Long Châu.

Theo ACBS, bức tranh hoạt động của FRT được làm mới nhờ những tiến bộ trong kết quả kinh doanh. Doanh nghiệp đã ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2021 với doanh thu đạt 22.495 tỷ đồng (tăng 53% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế đạt 444 tỷ đồng, trong khi năm 2020 chỉ đạt 10 tỷ đồng.

Sang năm 2022, diễn biến tích cực vẫn được duy trì sau ba tháng đầu năm, trong đó doanh thu đạt 7.786 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 170 tỷ đồng, lần lượt tăng 67% và 445% so với cùng kỳ.

Động lực tới từ nhu cầu máy tính xách tay và các thiết bị khác phục vụ cho hoạt động làm việc tại nhà, học trực tuyến... gia tăng khi dịch bùng phát và trong các giai đoạn giãn cách. Trong quý I, doanh thu chuỗi FPT Shop đạt 5.646 tỷ đồng (tăng 38,3% cùng kỳ), trong đó doanh thu máy tính xách tay tiếp tục tăng 74% cùng kỳ, chiếm 25% doanh thu của FPT Shop.

Tuy nhiên, ACBS không kỳ vọng mức tăng trưởng này sẽ duy trì trong các quý tiếp theo, do nền cao của năm ngoái và hình thức làm việc và học tập trực tiếp đã được tái lập khi đại dịch hạ nhiệt. Sau ba tháng đầu năm 2022, FPT Shop mở 29 cửa hàng mới, nâng số cửa hàng đang hoạt động lên 676 cửa hàng.

Trong năm 2021, chuỗi này đã đưa thêm các thiết bị gia dụng nhỏ vào kinh doanh tại các cửa hàng có diện tích đủ lớn, theo mô hình cửa hàng trong cửa hàng. Nhóm sản phẩm này hiện đang được bán tại khoảng 100 cửa hàng và dự kiến sẽ có mặt tại ít nhất 160 cửa hàng vào cuối năm nay.

FRT sẽ đánh giá hiệu quả hoạt động của nhóm này trước khi quyết định có mở rộng thêm về danh mục sản phẩm (ví dụ kinh doanh thêm các thiết bị lớn hơn), quy mô, mô hình kinh doanh... Nhưng tỷ trọng đóng góp doanh thu nhóm này hiện vẫn còn rất nhỏ.

Cho cả năm 2022, ACBS dự phóng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của FRT lần lượt là 27.806 tỷ đồng (tăng 23,6% so với năm 2021) và 582 tỷ đồng (tăng 31,1%), khá gần với kế hoạch của doanh nghiệp. Trong đó, chuỗi Long Châu được kỳ vọng đóng góp khoảng 30% doanh thu của FRT (từ mức 17,5% trong 2021) và khoảng 15% lợi nhuận sau thuế.

Về triển vọng dài hạn, ACBS tin rằng chuỗi Long Châu sẽ là động lực tăng trưởng của FRT trong khi mức tăng trưởng của FPT Shop được giả định ở một chữ số. Bên cạnh Long Châu, các chuỗi khác như Pharmacity và gần đây là An Khang cũng có kế hoạch mở rộng nhằm chiếm thị phần đáng kể trên thị trường bán lẻ dược phẩm Việt Nam, vốn vẫn còn rất phân mảnh với vô vàn nhà thuốc nhỏ lẻ.

Mặc dù cạnh tranh có thể gia tăng nhưng thị trường được cho là tiềm năng và còn nhiều cơ hội tăng trưởng cho các chuỗi bởi sự xuất hiện của mô hình chuỗi vẫn là mô hình kinh doanh mới mẻ trên thị trường này.

Tin mới lên