Tài chính

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (22/2): SCS, HPG và VPB

(VNF) - Các công ty chứng khoán vừa đưa ra khuyến nghị đối với một số cổ phiếu trước phiên giao dịch ngày 22/2, bao gồm: SCS, HPG và VPB.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (22/2): SCS, HPG và VPB

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (22/2): SCS, HPG và VPB

VCSC: Khuyến nghị mua dành cho SCS với giá mục tiêu 155.100 đồng/cổ phiếu

Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) tiếp tục duy trì khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu SCS của Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn và tăng giá mục tiêu thêm 2% lên mức 155.100 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng gần 26%, bao gồm lợi suất cổ tức 6,9%.

VCSC cho biết, giá mục tiêu cao hơn phản ánh mức tăng trong dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số của VCSC cho SCS trong năm 2021-2022. Công ty chứng khoán này kỳ vọng mức giá dịch vụ trung bình (ASP) ước tính sẽ cao hơn trong giai đoạn 2021-2022 nhờ đóng góp từ xử lý hàng hoá nhập khẩu vắc-xin Covid-19 vào Việt Nam.

Ngoài ra, VCSC cũng tăng dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số trong giai đoạn 2023-2025 thêm tổng cộng 2,8%, chủ yếu phản ánh vị thế tài chính cải thiện của SCS.

Trong năm 2021, VCSC dự báo doanh thu của SCS đạt 806 tỷ đồng (tăng 16,3% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 568 tỷ đồng (tăng trưởng 22,2%).

Dự báo doanh thu năm 2021 chủ yếu được dẫn dắt bởi giả định tăng trưởng sản lượng hàng hóa đạt 9,2% và tăng trưởng ASP ước tính đạt 7,5% trong năm 2021.

Trên cơ sở đó, VCSC duy trì quan điểm tích cực cho SCS nhờ năng lực tài chính của công ty tốt và vị thế thị trường chỉ có 2 công ty cạnh tranh bền vững cũng như định giá hấp dẫn của SCS với PEG dự phóng giai đoạn 2020-2023 là 0,9 lần.

"SCS có vị thế tốt để duy trì năng lực tài chính và ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận tích cực dù gián đoạn do dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài hơn kỳ vọng của chúng tôi. Ngoài ra, chúng tôi kỳ vọng việc nhập khẩu vắc-xin Covid-19 vào Việt Nam sẽ giúp SCS hưởng lợi ở một mức độ nhất định", báo cáo của VCSC nhấn mạnh.

MBS: Khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiếu HPG

Công ty Chứng khoán MB (MBS) vừa đưa ra khuyến nghị nắm giữ với cổ phiếu HPG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát. Phía MBS cho biết, hiện nay HPG là công ty dẫn đầu thị trường thép tại Việt Nam với sức khỏe tài chính và khả năng cạnh tranh mạnh mẽ với giá thành sản xuất thấp hơn hẳn so với các DN trong ngành.

Thêm vào đó, MBS dự đoán HPG sẽ có mức tăng trưởng ổn định trong 2 - 3 năm tới từ dự án Dung Quất và những năm sau sẽ có hiệu quả và biên lợi nhuận ngày càng cao do giảm dần sức ép từ chi phí vay và khấu hao.

Ngoài ra HPG còn có tiềm năng tăng trưởng dài hạn từ kinh tế vĩ mô thuận lợi, như tăng trưởng GDP cao, lãi suất duy trì thấp và ổn định, đầu tư công tăng trưởng trong những năm tới và tỷ lệ sử dụng thép trên đầu người của Việt Nam vẫn ở mức tương đối thấp.

VCSC: Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VPB

Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) vừa nâng giá mục tiêu thêm 59% và duy trì khuyến nghị mua dành cho Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (HoSE: VPB). Bên cạnh đó, VCSC nâng dự báo thu nhập ròng giai đoạn 2021-2025 thêm 26% so với dự báo trước đây và nâng định giá P/B mục tiêu lên 2,1 lần so với 1,35 lần trước đó.

VCSC dự phóng tăng trưởng cho vay tại FE Credit (FEC) và ngân hàng mẹ đạt lần lượt 11,5% và 17,0% và kỳ vọng NIM hợp nhất sẽ phục hồi trong năm 2021 sau mức giảm trong năm 2020. NIM phục hồi được hỗ trợ bởi mức tăng trong lợi suất cho vay tại FEC và chi phí huy động ổn định.

Mặt khác, dự phóng các khoản vay tái cơ cấu theo TT01 sẽ giảm còn 3% dư nợ vay vào cuối 2021. VCSC nâng giả định phần trăm các khoản vay tái cơ cấu sẽ giữ nhóm nợ tại ngân hàng mẹ/FEC đạt lần lượt 75%/60% so với 60%/50% trước đây.

VCSC cho rằng diễn biến hoàn thành bán cố phần tại FEC sẽ là yếu tố hỗ trợ định giá P/B của ngân hàng hợp nhất. Giá mục tiêu mà công ty chứng khoán này đưa ra tương ứng P/B dự phóng 2021 đạt 1,92 lần.

Tuy nhiên, VCSC cũng đề cập đến các rủi ro dành cho khuyến nghị mua này, bao gồm diễn biến bán cổ phần tại FEC không hoàn thành như dự kiến; rủi ro thực hiện trong gia tăng cho vay và kiểm soát chi phí tín dụng; dịch Covid-19 kéo dài có thể dẫn đến tỷ lệ nợ xấu cao hơn kiến.

Tin mới lên