Tài chính

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (23/3): REE, HPG và KBC

(VNF) - Các công ty chứng khoán vừa đưa ra khuyến nghị đối với một số cổ phiếu trước phiên giao dịch 23/3, bao gồm REE, HPG và KBC.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (23/3): REE, HPG và KBC

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (23/3): REE, HPG và KBC

BSC: Khuyến nghị mua REE với giá mục tiêu 68.500 đồng/cổ phiếu

Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) nhận định, trong năm 2020, Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (HoSE: REE) ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.640 tỷ đồng (tăng 15,3% so với năm trước).

Kết quả này có được nhờ doanh thu mảng điện tăng trưởng 49,2% do La Nina quay trở lại và doanh thu mảng các dự án cơ điện công trình (M&E) tăng 9,5% nhờ các dự án EPC điện mặt trời áp mái.

Cùng với đó, lợi nhuận sau thuế của REE đạt 1.714 tỷ (giảm 0,3% so với năm 2019) do doanh thu tài chính đạt 221 tỷ đồng (giảm 49%) và chi phí tài chính đạt 475 tỷ đồng (tăng 23%) do tăng lỗ chênh lệch tỷ giá trong năm.

REE không chi trả cổ tức cho năm 2020 để sử dụng cho nguồn vốn đầu tư cho các dự án điện, nước và bất động sản trong năm 2021.

Năm nay, BSC dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của REE lần lượt đạt 6.591 tỷ đồng (tăng 16,9% so với năm trước) và 2.045 tỷ đồng (tăng trưởng 19,4%), EPS đạt 6.289 đồng/cổ phiếu với giả định M&E ký mới tăng trưởng 20%; giá cho thuê văn phòng tại các tòa nhà cho thuê tăng 5% so với năm 2020 và sản lượng mảng thủy điện đạt 4.8 tỷ kWh (tăng trưởng 34%) nhờ hiện tượng La Nina.

Hiện BSC khuyến nghị mua cổ phiếu REE với giá mục tiêu 68.500 đồng/cổ phiếu cho năm 2021 (tương ứng tỷ lệ sinh lời 21.9% so với thị giá) dựa trên phương pháp định giá từng phần (SOTP).

PHS: Khuyến nghị mua HPG với tiềm năng tăng giá 13,5%

Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho biết, trong năm vừa qua, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) đã có kết quả kinh doanh đầy ấn tượng với doanh thu đạt 90.100 tỷ đồng (tăng 42% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế đạt 13.500 tỷ đồng (tăng 78%).

Chỉ tính riêng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng tăng 21% so với cùng kỳ, đạt 3,4 triệu tấn và sản lượng thép ống tăng 10%. HPG bắt đầu đưa sản phẩm HRC ra thị trường vào tháng 10/2020 và đến tháng 12, sản lượng bán hàng chiếm gần 22% thị phần theo tháng của toàn thị trường.

Mảng kinh doanh thép và nông nghiệp là 2 mảng kinh doanh chính của doanh nghiệp trong năm 2020. Doanh thu và lợi nhuận từ 2 mảng này đóng góp 96% tổng số. Trong đó, doanh thu mảng thép tăng trưởng 49% so với cùng kỳ và mảng nông nghiệp tăng trưởng 32%.

Bước sang năm 2021, PHS dự phóng doanh thu của HPG sẽ đạt 113.200 tỷ đồng (tăng 26% so với năm 2020) nhờ đóng góp từ mảng thép, cụ thể là HRC và sản phẩm tôn mạ; lợi nhuận sau thuế ước đạt 16.800 tỷ đồng (tăng 24%).

Bên cạnh đó, tăng trưởng của mảng nông nghiệp sẽ không duy trì đà ấn tượng trong năm 2020 và PHS đánh giá rằng mức giá của các sản phẩm nông nghiệp sẽ trở nên ổn định trong năm 2021 và HPG cũng đã đạt gần hết công suất sản xuất.

Năm nay, HPG có một số động lực tăng trưởng đáng kể, đơn cử như sản phẩm HRC - bước đệm để HPG sản xuất các sản phẩm tôn mạ trong tương lai.

HPG cũng đang nghiên cứu đầu tư vào khai khoáng tại Australia và điều này cho thấy sự chủ động của doanh nghiệp trong việc tự chủ nguyên liệu. Hiện tại, An Thông là công ty con của HPG hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng.

HPG có kế hoạch sản xuất container với công suất đạt 500.000 TEU/năm. Doanh nghiệp còn có kế hoạch bắt đầu sản xuất trong 2Q21 và nhà máy sẽ được đặt gần nhóm cảng Cái Mép – Thị Vải. Sản xuất container sẽ dùng nguyên liệu đầu vào là HRC. Kế hoạch này sẽ hoàn thiện “hệ sinh thái sản xuất thép” của HPG.

Sử dụng EV/EBITDA, P/E và DCF như báo cáo lần trước, PHS nâng giá mục tiêu từ 46.700 VND/cổ phiếu lên 52.900 VND/cổ phiếu cho HPG, vì những tín hiệu tích cực từ việc tiêu thụ HRC của thị trường.

Vì vậy PHS đưa ra khuyến nghị mua cùng với tiềm năng tăng giá 13.5%.

VCSC: Khuyến nghị khả quan KBC với giá mục tiêu 43.500 đồng/cổ phiếu

Theo Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HoSE: KBC) đã công bố tài liệu đại hội đồng cổ đông với một số điểm chính, bao gồm kế hoạch kinh doanh, kế hoạch trọng điểm, kế hoạch tăng vốn điều lệ, kế hoạch phát hành riêng lẻ trong năm 2021.

Theo đó, KBC đặt kế hoạch cho năm 2021 với doanh thu đạt 6.600 tỷ đồng (tăng đến 207% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế đạt 2.000 tỷ đồng (tăng 525%), tương ứng lần lượt 135% và 130% dự báo cả năm của VCSC.

Chênh lệch giữa dự báo của VCSC và kế hoạch của KBC chủ yếu đến từ quan điểm thận trọng hơn trong dự báo ghi nhận doanh số bán đất khu công nghiệp (KCN) của KBC trong năm 2021.

Bởi lẽ, kế hoạch của KBC bao gồm doanh số bán đất KCN đạt 195ha và doanh số bán đất khu đô thị (KĐT) đạt 8,4ha trong năm 2021, so với dự báo của VCSC lần lượt là 135 ha và 8,4 ha.

Trong năm 2021, các dự án dẫn dắt lợi nhuận của KBC có thể kể đến KĐT Phúc Ninh và KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh ở Bắc Ninh, KCN Quang Châu ở Bắc Giang, KĐT Tràng Duệ ở Hải Phòng và KCN Tân Phú Trung ở TP. HCM.

Cùng với đó, KBC lên kế hoạch tiếp tục đẩy nhanh quá trình giải phóng mặt bằng cũng như ghi nhận doanh số bán đất cho các dự án hiện hữu kể trên, trong khi đó doanh nghiệp dự kiến triển khai xây dựng hạ tầng cơ bản cho dự án KĐT Tràng Cát trong năm 2021.

Bên cạnh đó, KBC có kế hoạch triển khai đầu tư và phát triển kinh doanh tại tỉnh Long An (với khoảng 220ha đất KCN) và KCN Tràng Duệ 3 tại Hải Phòng (với tổng diện tích 687 ha).

Ngoài ra, KBC kỳ vọng hoàn thiện thủ tục pháp lý cho các đại dự án ở tỉnh Hưng Yên, Hải Dương (miền Bắc) và Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu (miền Nam). VCSC cũng lưu ý rằng, KBC đã thành lập 3 công ty con tính từ đầu năm 2021 đến nay để đầu tư vào tỉnh Hưng Yên, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu. Tỷ lệ sở hữu hiệu dụng của KBC tại 3 công ty con này dao động từ 65% đến 75%. Tổng vốn điều lệ của 3 công ty con này là 4.300 tỷ đồng.

Mặt khác, KBC trình đại hội cổ đông kế hoạch tăng vốn điều lệ bằng phương án phát hành cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận giữ lại chưa phân phối tính đến cuối năm 2020 của công ty mẹ KBC, với số dư lợi nhuận giữ lại cuối năm 2020 là 1.680 ngìn tỷ đồng.

Theo tờ trình, đại hội cổ đông sẽ thảo luận cụ thể và quyết định kế hoạch tăng vốn điều lệ tại đại hội cổ đông sắp tới của KBC. KBC cũng có tờ trình kế hoạch phát hành riêng lẻ, nhưng thông tin chi tiết chưa được công bố.

VCSC cho rằng số tiền từ đợt phát hành riêng lẻ này được sử dụng để tài trợ cho các kế hoạch mở rộng lớn của KBC tại các tỉnh thành khác.

Hội đồng quản trị (HĐQT) của KBC cũng xin phê duyệt của đại hội cổ đông ủy quyền cho HĐQT quyết định một số công việc vượt thẩm quyền hiện tại của HĐQT và HĐQT sẽ báo cáo công việc trọng yếu tại đại hội cổ đông gần nhất. Các công việc trọng yếu này bao gồm liên quan đến việc đầu tư, bảo lãnh, sử dụng tài sản thế chấp, thu xếp vốn cho các dự án của KBC; mua bán liên quan đến các dự án lớn, vốn góp của KBC tại các công ty con và công ty liên kết.

Đáng chú ý, KBC đề xuất không chi trả cổ tức tiền mặt năm 2019 khi ban lãnh đạo có kế hoạch giữ lại lợi nhuận để chuẩn bị cho các dự án mở rộng lớn trong tương lai - phù hợp với kỳ vọng hiện tại của VCSC; trong khi đó, doanh nghiệp chưa đề xuất kế hoạch cổ tức tiền mặt cho năm 2020.

Hiện VCSC có khuyến nghị khả quan cho KBC với giá mục tiêu 43.500 đồng/cổ phiếu.

Tin mới lên