Tài chính

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (24/6): GMD, MIG và FPT

(VNF) - Trong năm 2022, VCSC dự báo doanh thu của GMD đạt 3.500 tỷ đồng (tăng 8,3% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 790 tỷ đồng (tăng 29%), dựa trên giả định lợi nhuận tăng trưởng mạnh chủ yếu nhờ đóng góp lợi nhuận cả năm từ Gemalink.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (24/6): GMD, MIG và FPT

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (24/6): GMD, MIG và FPT

VCSC: Khuyến nghị mua cho cổ phiếu GMD

Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) vừa nâng khuyến nghị đối với cổ phiếu GMD của Công ty Cổ phần Gemadept từ khả quan lên mua và tăng giá mục tiêu thêm 9,1% lên 62.600 đồng/cổ phiếu, cao hơn 18,11% so với thị giá hiện tại.

VCSC cho biết, mức giá mục tiêu mới phản ánh hiệu ứng tích cực từ việc cập nhật giá mục tiêu đến giữa năm 2023 so với trước đó là cuối năm 2022 và giả định công suất cao hơn cho cảng nước sâu Gemalink - giai đoạn 2 theo kế hoạch công suất mới của ban lãnh đạo.

Những yếu tố này bị ảnh hưởng một phần bởi tác động pha loãng từ đợt phát hành quyền sắp tới gồm tổng cộng khoảng 100,5 triệu cổ phiếu với giá phát hành 20.000 đồng/cổ phiếu, đã được cổ đông thông qua tại đại hội cổ đông của GMD diễn ra ngày 25/4.

Đồng thời, VCSC nhìn chung giữ nguyên dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số cho năm 2022 và nâng dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số cho giai đoạn 2023-2024 thêm 4,3% nhờ tỷ lệ đòn bẩy của GMD giảm sau khi công ty thực hiện phát hành quyền cũng như tăng dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2025-2030 thêm 13%, chủ yếu phản ánh giả định công suất cao hơn của VCSC cho giai đoạn 2 của Gemalink.

Trong năm 2022, VCSC dự báo doanh thu của GMD đạt 3.500 tỷ đồng (tăng 8,3% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 790 tỷ đồng (tăng 29%). Công ty chứng khoán này giả định lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong năm 2022 chủ yếu nhờ đóng góp lợi nhuận cả năm từ Gemalink.

Bên cạnh đó, VCSC có lưu ý rằng Gemalink được ghi nhận là công ty liên kết của GMD dù GMD sở hữu 65% cổ phần của Gemalink. Do đó, dự báo doanh thu tăng trưởng 1 chữ số của VCSC cho năm 2022 không bao gồm đóng góp doanh thu từ Gemalink trong năm. Đồng thời cũng kỳ vọng GMD sẽ hưởng lợi chính từ hoạt động sản xuất đang gia tăng tại Việt Nam.

Mặc dù GMD được giao dịch với định giá cao hơn so với trung vị của các công ty cùng ngành, công ty vận hành cảng này có kế hoạch mở rộng công suất lớn và tăng trưởng lợi nhuận vượt trội trong 3 năm tới nhờ Gemalink và rủi ro theo quan điểm của VCSC đối với GMD là tăng trưởng sản lượng và/hoặc cước phí thấp hơn; mạng lưới cơ sở hạ tầng giao thông vận tải của Việt Nam phát triển chậm hơn.

Kết thúc quý I, GMD ghi nhận doanh thu đạt 879,9 tỷ đồng, tăng trưởng 28% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận trước thuế đạt 350,24 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 319,16 tỷ đồng, tăng 85,7%.

Năm 2022, GMD dự kiến doanh thu hợp nhất đạt 3.800 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 1.000 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 19% và 24% so với thực hiện năm 2021. Như vậy, hết quý 1/2022, GMD đã hoàn thành 35% kế hoạch lợi nhuận năm.

BSC: Khuyến nghị theo dõi đối với cổ phiếu MIG

Hết quý I, doanh thu bảo hiểm gốc của Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân Đội (HoSE: MIG)
đạt hơn 1.247 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt hơn 85 tỷ đồng, tăng trưởng 82%; lợi nhuận sau thuế 67,97 tỷ đồng, tăng 81,84%.

Năm 2022, MIG đặt mục tiêu tổng doanh thu khoảng 5.800 tỷ đồng, tăng khoảng 40% so với kết quả năm ngoái; lợi nhuận trước thuế tăng 35%, đạt 379,4 tỷ đồng. Tỷ lệ bồi thường giảm từ 32,9% xuống 32% nhờ vào việc tập trung bồi thường hai đầu và tiết kiệm chi phí bồi thường.

Như vậy, sau ba tháng đầu năm, MIG đã hoàn thành 14,2% mục tiêu doanh thu năm, lợi nhuận trước thuế hoàn thành 17,9% kế hoạch cả năm.

Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) dự báo, doanh thu phí bảo hiểm thuần và lợi nhuận sau thuế năm 2022 của MIG lần lượt đạt 2.585 tỷ đồng (tăng 20% so với cùng kỳ) và 256 tỷ đồng (tăng 14,3%), tương ứng EPS dự phóng là 1.559 đồng.

BSC giả định, doanh thu phí bảo hiểm gốc của MIG sẽ tăng 21,4% cùng kỳ trong năm 2022; tỷ lệ kết hợp tăng lên mức 98,3%; quy mô danh mục đầu tư tăng 20% cùng kỳ và lợi suất đầu tư tăng 30 điểm cơ bản.

Sang năm 2023, BSC dự báo doanh thu phí bảo hiểm thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 2.978 tỷ đồng (tăng 15,2% cùng kỳ) và 291 tỷ đồng (tăng 13,7% cùng kỳ), với EPS đạt 1.767 đồng.

BSC nhìn nhận, doanh thu phí bảo hiểm tăng trưởng nhanh khi MIG lựa chọn chiến lượng mở rộng và được hỗ trợ từ hệ sinh thái của MBBank. Tỷ lệ kết hợp tăng khi tăng thị phần, chủ yếu đến từ gia tăng chi phí hoa hồng.

Trong khi đó, ngành bảo hiểm sẽ hưởng lợi khi lãi suất huy động tăng do tiền gửi ngắn hạn chiếm phần lớn danh mục đầu tư tài chính. Lợi nhuận đầu tư tài chính của MIG tăng khi tăng quy mô danh mục đầu tư và tăng tỷ trọng trái phiếu.

Hiện BSC khuyến nghị theo dõi cổ phiếu MIG với giá mục tiêu 1 năm ở mức 21.700 đồng/cổ phiếu, dựa trên phương pháp định giá P/B với P/B mục tiêu ở mức 1,8 lần.

AGR: Khuyến nghị nắm giữ FPT với giá mục tiêu 115.000 đồng/cổ phiếu

Mới đây, Công ty Cổ phần FPT đã công bố kết quả kinh doanh sơ bộ 5 tháng đầu năm, trong đó doanh thu đạt 16.227 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 3.029 tỷ đồng, lần lượt tăng 22% và 25% so với cùng giai đoạn năm 2021, hoàn thành 38% và 40% kế hoạch năm.

Với kết quả này, lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ và EPS lần lượt đạt 2.095 tỷ đồng và 2.306 đồng, tăng 33,6% và 32,9%.

Công ty Chứng khoán Agribank (AGR) cho biết, mảng xuất khẩu phần mềm của doanh nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng bền vững, đạt mức doanh thu 7.006 tỷ đồng, tương đương với mức tăng 29%.

"Đóng góp lớn cho mảng xuất khẩu phần mềm đến từ thị trường Mỹ (tăng 55,6%) và APAC (tăng 57%). Thị trường Nhật Bản cũng chứng kiến sức phục hồi tốt với mức tăng trưởng doanh thu nội tệ đạt gần 20% (tuy nhiên do đồng Yên Nhật mất giá, tăng trưởng doanh thu VND chỉ đạt 5,2%)", đại diện FPT nói.

Khối lượng đơn hàng ký mới tại thị trường nước ngoài của FPT cũng giữ vững mức tăng trưởng 36,6% đạt mức 10.168 tỷ đồng. Doanh thu và lợi nhuận trước thuế mảng công nghệ lần lượt đạt 9.159 tỷ đồng và 1.342 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 23,5% và 23,4%.

Tăng trưởng doanh thu dịch vụ chuyển đổi số của FPT cũng đạt 78%, trong đó doanh thu đến từ dịch vụ điện toán đám mây (Cloud) vẫn tiếp tục đà tăng trưởng mạnh đạt mức 70 triệu USD, chiếm 56% doanh thu từ chuyển đổi số.

Cũng theo đại diện FPT, nhờ lợi nhuận từ PayTV tăng trưởng tốt, biên lợi nhuận của khối viễn thông được cải thiện từ 19,6% lên 20,3%. Lợi nhuận trước thuế của khối viễn thông từ đó đạt 1.181 tỷ đồng, tăng trưởng 19,2% so với cùng kỳ năm trước.

AGR nhận định, đà tăng trưởng bền vững của FPT là nền tảng tiếp tục tạo nền tảng tăng trưởng 30% về mặt lợi nhuận trong năm 2022. Với mức tăng trưởng trên 20%/năm và tỷ lệ trả cổ tức tiền mặt đều đặn, AGR đánh giá FPT sẽ vẫn là cơ hội đầu tư hấp dẫn trong trung và dài hạn, đặc biệt là trong môi trường lạm phát.

Với mặt bằng định giá mới và thông thường giá cổ phiếu sẽ trở lại vùng giá trước chia. Bên cạnh đó, FPT hiện đang được giao dịch ở P/Ef ở mức 16,4 lần, cao hơn so với trung bình 3 năm.

Tuy nhiên với tiềm năng tăng trưởng dài hạn của FPT, AGR khuyến nghị duy trì nắm giữ cổ phiếu FPT với giá mục tiêu 115.000 đồng/cổ phiếu trong vòng 1 năm (triển vọng tăng giá 24% từ thị giá hiện tại). Tỷ lệ cắt lỗ là 10%.

Tin mới lên