Tài chính

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (24/8): REE, VPB và CSV

(VNF) - Các công ty chứng khoán vừa đưa ra khuyến nghị đối với một số cổ phiếu trước phiên giao dịch ngày 24/8, bao gồm REE, VPB và CSV.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (24/8): REE, VPB và CSV

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (24/8): REE, VPB và CSV

MBS: Khuyến nghị mua dành cho REE

Công ty Chứng khoán MB (MBS) vừa đưa ra khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu REE (Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh) với giá mục tiêu 71.500 đồng/cổ phiếu, cao hơn 23% so với giá đóng cửa phiên 23/8.

Khuyến nghị này dựa trên phương pháp định giá từng phần SOTP kết hợp với chiết khấu dòng tiền FCFF, phản ánh kỳ vọng về triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ của ngành thủy điện sau khi sát nhập Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (HoSE: VSH) và dòng tiền lớn về dài hạn đến cho thuê văn phòng E.Town 6, dự kiến hoàn thành vào tháng 4/2023.

Nhìn lại quý II, REE đã bứt phá trong kết quả kinh doanh với doanh thu hợp nhất tăng 14% so với cùng kỳ, đạt 2.819 tỷ đồng; lợi nhuận cũng tăng mạnh gần 27%, đạt gần 800 tỷ đồng nhờ hợp nhất báo cáo tài chính với VSH và Công ty TNHH TK Cộng.

MBS dự báo doanh thu REE sẽ đạt mức 5.640 tỷ đồng cho năm 2021 (tăng 18% so với năm ngoái) dựa trên giả định tình hình thủy văn khả quan cho tới cuối năm.

Bên cạnh đó, bất chấp tình hình dịch bệnh, tỷ lệ lấp đầy của tất cả các tòa nhà cho thuê của REE (tổng diện tích hơn 150.000 m2) vẫn duy trì trên 99%. Trong đó, tòa E.Town và tòa REE (2 tòa nhà với mức giá cho thuê cao nhất của REE) có tỷ lệ lấp đầy ở mức 100%.

Mảng điện mặt trời khá tích cực, REE SE đã ký hợp đồng tăng tổng công suất vận hành thương mại năng lượng pin mặt trời lên 102 MWp. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu từ mảng kinh doanh này đạt trên 41 tỷ đồng, tăng 1,8 lần cùng kỳ.

Đến hết quý II, tổng nợ vay từ các ngân hàng trong nước của REE đang ở mức hơn 5.500 tỷ đồng. Với chính sách giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, mức trung bình giảm 1% sẽ tác động tích cực tới chi phí lãi vay của REE trong thời gian tới.

MBS nhận định, nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum đi vào vận hành từ tháng 4/2021 đã đẩy sản lượng điện thương phẩm của mảng thủy điện nửa đầu năm tăng 71% so với cùng kỳ. Trước tình hình thủy văn thuận lợi, và EVN vẫn đang ưu tiên huy động nguồn thủy điện sẽ là nhân tố thúc đẩy doanh thu thủy điện tiếp tục khởi sắc trong quý III tới.

Cũng trong quý III, REE đang đàm phán lại với EVN về giá hợp đồng mua bán điện PPA cho dự án Thượng Kon Tum. Nếu thỏa thuận thành công và mức giá đạt được là 1.200 – 1.300 đồng/kWh, giá mục tiêu có thể tăng lên 72.000 đồng/cổ phiếu - MBS nhấn mạnh.

Mặt khác, dòng tiền ổn định đến từ mảng cho thuê văn phòng và việc không chi trả cổ tức năm 2020 sẽ là nguồn lực REE đầu tư thêm cho mảng năng lượng tái tạo.

Thời gian tới, việc E.Town 6 đã được khởi công vào đầu năm 2021 và dự kiến sẽ doanh thu vào nửa sau 2023. Theo dự phóng của MBS, E.Town 6 có thể đóng góp trên 200 tỷ đồng vào doanh thu của REE mỗi năm.

Dự án Thượng Kon Tum và các dự án phong điện và điện mặt trời sẽ được nhận mức ưu đãi về thuế 10% trong 15 năm.

Mảng sản xuất và cấp nước của REE có lợi nhuận ổn định qua các năm. Thêm vào đó, việc đa dạng danh mục đầu tư vào các công ty/dự án ở mảng năng lượng: thủy điện, nhiệt điện, phong điện và điện mặt trời giúp duy trì nhuận trong những thời kỳ thời tiết không thuận lợi cho thủy điện và điện mặt trời.

SSI: Khuyến nghị khả quan VPB với giá mục tiêu 1 năm là 70.700 đồng/cổ phiếu

Công ty Chứng khoán SSI (SSI) cho biết, mặc dù FECredit đang trải qua giai đoạn khó khăn khi đẩy mạnh xóa nợ xấu và lợi nhuận thấp trong năm 2021, nhưng khả năng phục hồi dần dần được kỳ vọng trong năm 2022.

SSI nhận thấy khả năng tạo lợi nhuận tại ngân hàng mẹ Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (HoSE: VPB) có thể tốt hơn kỳ vọng trong năm 2022 nhờ vào những nguồn vốn sắp tới.

Khoản lợi nhuận ròng từ việc thoái vốn FECredit và tiền thu được từ kế hoạch phát hành riêng lẻ sẽ hỗ trợ kế hoạch tăng trưởng dài hạn đầy tham vọng của ngân hàng.

SSI dự báo, lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2021 và 2022 của VPB được dự báo lần lượt đạt 16.800 tỷ đồng (tăng 29% so với cùng kỳ) và 21.400 tỷ đồng (tăng 27% so với cùng kỳ).

Trong thời gian tới, nếu việc đàm phán lại hợp đồng bancassurance thuận lợi sẽ bổ sung một khoản phí trả trước cho VPB. Bên cạnh đó, hoạt động phát hành cho nhà đầu tư chiến lược với giá ưu đãi cũng là yếu tố hỗ trợ tăng trưởng cho ngân hàng.

Hiện SSI khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu VPB với giá mục tiêu 1 năm là 70.700 đồng/cổ phiếu.

Về kết quả kinh doanh, mới đây VPB đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II và lũy kế 6 tháng đầu năm 2021. Theo đó, kết thúc nửa đầu năm, VPB ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 7.200 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ và đạt 48% dự báo năm 2020 của VCSC.

Thu nhập lãi ròng (NII) giai đoạn này tăng 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái, với NIM hợp nhất đạt 8,8%, tăng 40 điểm cơ bản; tỷ lệ CIR (thu nhập/chi phí) 6 tháng đầu năm giảm 7,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái còn 23,4%; tỷ lệ nợ xấu hợp nhất ở mức 3,47%.

Tăng trưởng cho vay hợp nhất 6 tháng đầu năm của VPB đạt 6,9%, đến từ mức tăng trưởng cho vay 13% và giảm 12% tại ngân hàng mẹ và FECredit (FEC). Tăng trưởng tín dụng giai đoạn này tại ngân hàng mẹ là 4,5% khi số dư trái phiếu doanh nghiệp giảm 14,2% sau nửa đầu năm, xuống 26.300 tỷ đồng.

Dư nợ vay của FEC giảm trong 6 tháng đầu năm, với số dư 61.300 tỷ đồng. Tỷ lệ xử lý nợ trên khoản vay gộp 6 tháng đầu năm 2021 tại FEC là 27,16% (tăng 14,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ) - mức cao nhất mà VCSC có dữ liệu - dẫn đến tỷ lệ nợ xấu là 9,05% (+410 điểm cơ bản cùng kỳ).

Tỷ lệ xử lý nợ hiện khá ổn định ở ngân hàng mẹ với tỷ lệ xử lý nợ được ghi nhận trong 6 tháng đầu năm 2021 đối với các khoản vay gộp ở mức 2,27% (giảm 2 điểm cơ bản so với cùng kỳ); tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng mẹ cũng giảm 54 điểm cơ bản, xuống 2,11%.

Thu nhập từ thu hồi nợ xử lý hợp nhất 6 tháng đầu năm đạt 1.380 tỷ đồng (tăng 34,5% cùng kỳ), được đóng góp bởi thu nhập phục hồi mạnh mẽ ở cả FEC (tăng 51% cùng kỳ) và ngân hàng mẹ (tăng 22,2% cùng kỳ).

MASVN: Khuyến nghị mua dành cho CSV

Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) cho biết, Công ty Cổ phần Hóa chất Cơ bản miền Nam (HoSE: CSV) là doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất hóa chất cơ bản, với nhiều dòng sản phẩm như Axit Sunfuric (H2SO4), Xút (NaOH), Axit Photphoruc (H2PO4), Axit Clohydric (HCl)…

Đây cũng là nguyên liệu đầu vào các ngành công nghiệp khác như lọc, xử lý nước, giấy, dệt nhuộm, ắc quy, bột ngọt, thép.

CSV còn là doanh nghiệp thứ 2 ở Việt Nam sau Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HoSE: DGC) sản xuất thành công Cloramine B, nguyên liệu dùng để phun khử khuẩn phòng chống dịch Covid-19.

Về kết quả kinh doanh, 6 tháng đầu năm, CSV ghi nhận doanh thu thuần đạt 697 tỷ đồng, lãi ròng đạt 95 tỷ đồng, lần lượt tăng 4,1% và giảm 4,3% so với cùng giai đoạn năm trước. Trong kỳ, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 28,9% xuống còn 26,4%, doanh thu tài chính giảm 18% so với cùng kỳ.

CSV có cấu trúc nguồn vốn khá tốt, tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu liên tục điều chỉnh giảm, chỉ ở mức 8,4% vào cuối quý II. Điều này giúp hoạt động CSV luôn ổn định ngay cả trong những lúc thị trường khó khăn và có thể đẩy mạnh hoạt động đầu tư khi cần thiết.

Năm 2021, MASVN dự phóng doanh thu thuần và lãi ròng của CSV ước đạt 1.501 tỷ đồng và 214 tỷ đồng, tăng 12,1% và 18% so với thực hiện năm ngoái.

Trong đó, mảng hóa chất kỳ vọng phục hồi nhờ nhu cầu sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh trở lại sau năm 2020 khó khăn, đặc biệt phốt pho vàng và sản phẩm mới Cloramine B. Tương ứng, EPS dự phóng 2021 ở mức 4.848 đồng/cổ phiếu, P/E dự phóng 2021 ở mức 8,3 lần.

Cùng với kỳ vọng nhu cầu nguyên liệu hóa chất sẽ phục hồi với giá bán tích cực, nền tảng tài chính lành mạnh, hoạt động ổn định với thương hiệu mạnh là cơ sở để MASVN đưa ra đánh giá tích cực đối với CSV trong ngắn hạn.

Hiện công ty chứng khoán này khuyến nghị mua cổ phiếu CSV với giá mục tiêu 12 tháng là 48.500 đồng/đơn vị. 

Tin mới lên