Tài chính

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (26/11): PLX, SHB và VCB

(VNF) - Các công ty chứng khoán vừa đưa ra khuyến nghị đối với một số cổ phiếu trước phiên giao dịch ngày 26/11, bao gồm PLX, SHB và VCB.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (26/11): PLX, SHB và VCB

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (26/11): PLX, SHB và VCB

SSI: Khuyến nghị khả quan đối với PLX

Quý III, sản lượng kinh doanh xăng dầu của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, HoSE: PLX) chỉ bằng 77% so với cùng kỳ năm ngoái, do ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 thứ tư và quãng thời gian phong tỏa nghiêm ngặt ở nhiều địa phương.

Hơn nữa, các công ty con của Petrolimex trong lĩnh vực vận tải, nhiên liệu bay, kho bãi, hóa dầu... cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, nhờ mặt bằng giá xăng dầu trong quý cao hơn cùng kỳ, doanh thu của PLX vẫn ghi nhận tăng trưởng 26% lên 34.625 tỷ đồng; do biên lãi gộp giảm mạnh, lợi nhuận sau thuế của PLX chỉ đạt 80 tỷ đồng, giảm tới 91% so với cùng kỳ.

Lũy kế cùng giai đoạn bán niên thăng hoa, PLX ghi nhận doanh thu đạt gần 120.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 2.950 tỷ đồng, lần lượt tăng 30% và tăng gấp 15 lần cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, PLX đã hoàn thành gần 90% chỉ tiêu doanh thu và 88% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Bước sang quý IV, Công ty Chứng khoán SSI kỳ vọng kết quả kinh doanh của PLX sẽ hồi phục trước nhu cầu và giá dầu tăng trở lại. SSI ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2021 của PLX đạt 4.200 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần cùng kỳ với giả định sản lượng tiêu thụ xăng dầu trong nước chỉ giảm 7% so với năm 2020, về còn 8,4 triệu m3/tấn.

Năm 2022, SSI ước tính doanh thu và lợi nhuận trước thuế của "ông lớn" bán lẻ xăng dầu tiếp tục tăng trưởng lần lượt 10% và 30% so với cùng kỳ, đạt 177.000 tỷ đồng và 5.400 tỷ đồng nhờ sản lượng tiêu thụ xăng dầu tăng 9% và các mảng khác phục hồi.

Chính vì vậy, SSI lặp lại khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu PLX, giá mục tiêu đưa ra là 67.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 15,5% giá đóng cửa phiên 25/11.

Yuanta: Khuyến nghị mua dành cho SHB

Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (HoSE: SHB) đã công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm với nhiều chỉ tiêu tài chính tăng trưởng bứt phá. Trong đó, lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 5.055 tỷ đồng, tăng trưởng 94% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 86% kế hoạch cả năm.

Tổng tài sản của ngân hàng cũng tăng 12,5% lên mức 464.000 tỷ đồng sau 3 quý đầu năm. Sau nhiều quý liên tục tình hình kinh doanh được cải thiện, ROA và ROE của SHB hiện đang đạt mức lần lượt là 1,5% và 25,6% - tỷ suất tương đương với các ngân hàng TMCP hàng đầu.

Bên cạnh đó, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) của ngân hàng trong 9 tháng đã tiết giảm còn 30%, trong khi cùng kỳ năm ngoái ở trên ngưỡng 40%.

Trong tháng 8 vừa qua, SHB đã thoái vốn SHB Finance (công ty tài chính tiêu dùng) cho Krungsri – thành viên thuộc Tập đoàn Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG), với giá khoảng 3.600 tỷ cho 100% vốn điều lệ, dự kiến ghi nhận khoảng 1.500 tỷ trong năm 2021 (tương đương nhận chuyển nhượng 50% vốn điều lệ) và thanh toán số cổ phần còn lại sau 3 năm kế tiếp.

Liên quan đến hoạt động M&A, SHB cũng đang thực hiện việc thoái vốn tại SHB Lào và SHB Campuchia trong quý IV/2021.

Kết thúc quý III, tỷ lệ nợ xấu của SHB đang là 2,1%. SHB cũng đã được Ngân hàng Nhà Nước duyệt mức tăng trưởng tín dụng mới là 10,5% (hiện tổng dư nợ cho vay của SHB đã tăng 8,5% tính tới ngày 30/6/2021).

Tuy dự báo SHB sẽ ghi nhận nhiều khoản thu nhập đột biến, nhưng lưu ý rằng SHB sẽ phải trích lập dự phòng khá lớn vào cuối năm để có thể duy trì tỷ lệ nợ xấu ở quanh mức 2% cũng như tỷ lệ nợ xấu bao gồm trái phiếu VAMC ở quanh mức 3% như mục tiêu đã đề ra.

Gần đây, SHB đã khóa tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức 10% để chuẩn bị cho công tác chào bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư chiến lược. Theo thông lệ thị trường các năm gần đây, mức giá phát hành sẽ rơi vào khoảng 2,5 – 3 lần giá trị sổ sách đối với các ngân hàng có ROE lớn hơn 30%.

Định giá cổ phiếu SHB, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) vừa duy trì đánh giá trung tính mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này, do mức stock rating của SHB đang ở mức 70 điểm.

Bên cạnh đó, đồ thị giá của SHB đóng cửa tăng 4,8% với khối lượng giao dịch tăng mạnh trên mức trung bình 20 phiên. Đồng thời, vượt xa hoàn toàn đường trung bình 20 phiên, nhưng đồ thị giá vẫn đang trong giai đoạn tích lũy cho nên đồ thị giá có thể sẽ còn xuất hiện các nhịp điều chỉnh trong những phiên giao dịch tới.

Ngoài ra, xu hướng ngắn hạn của SHB cũng được nâng lên mức tăng. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét mua mới cổ phiếu SHB với mức kỳ vọng ngắn hạn là 31.090 đồng/cổ phiếu, tương ứng kỳ vọng sinh lời 24%.

Yuanta cũng cho rằng trong ngắn hạn, các nhà đầu tư chỉ nên xem xét ở tỷ trọng thấp dưới 5% và tăng dần tỷ trọng cổ phiếu SHB khi stock rating trên mức 80 điểm.

MASVN: Khuyến nghị tăng tỷ trọng đối với VCB

9 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HoSE: VCB) đã tăng trưởng ấn tượng, đạt 936.300 tỷ (tăng 11,5% so với đầu năm và 1,6% so với quý II).

Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) nhận định, đó là mức tăng khá cao xét theo quy mô ngân hàng, đặt trong bối cảnh dịch bệnh, giãn cách triền miên suốt 9 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, mức tăng trưởng 11,5% này hiện đã vượt chỉ tiêu kế hoạch 2021 đề ra là 10,5%.

Tính riêng quý III, tiền gửi khách hàng đã tăng mạnh (tăng 5,4% so với quý trước và tăng 7,4% so với đầu năm). MASVN cho rằng, dường như tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp (khiến việc kinh doanh trở nên rủi ro hơn) đã giúp một lượng tiền lớn từ nền kinh tế đã rút về kênh gửi tiết kiệm. Hiện lượng tiền gửi khách hàng cuối quý III đã vượt mức dự phóng cả năm 2021 của MASVN trong báo cáo trước, đạt 1.108.500 tỷ đồng (tăng 7,4% so với đầu năm và vượt mức 7% theo kế hoạch 2021).

Trong khi đó, kết quả kinh doanh quý III của VCB tương đối khả quan với thu nhập lãi thuần tăng 19,5% cùng kỳ, đạt 10.428 tỷ đồng. Theo MASVN, con số này thể hiện tác động vào biên lãi ròng (NIM) của việc hỗ trợ lãi suất cho khách hàng của VCB là khá ít so với một số ngân hàng khác.

Lũy kế 9 tháng, NIM bình quân đạt khoảng 3,3% và khả năng cao sẽ duy trì được mức này cho cả năm 2021 (cao hơn mức 2,96% MASVN dự phóng trong báo cáo trước). Giai đoạn này, VCB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 19.311 tỷ đồng, hoàn thành 77% chỉ tiêu cả năm, mặc dù ngân hàng đã tiến hành trích lập lớn.

MASVN ước tính EPS và giá trị sổ sách của VCB sẽ đạt lần lượt 5.546 đồng và 30.428 đồng/cổ phiếu trong năm 2021 (trước khi chia cổ tức bằng cổ phiếu 27%). Với giá giao dịch hiện tại, cổ phiếu VCB đang được giao dịch dưới mức trung bình của P/E và P/B trong 4 năm gần đây.

Vì vậy, MASVN khuyến nghị nhà đầu tư tăng tỷ trọng cổ phiếu VCB với giá mục tiêu 112.600 đồng/cổ phiếu, tăng 5,2% so với thị giá hiện tại, được xác định dựa trên phương pháp so sánh.

Tin mới lên