Tài chính

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (26/8): PVS, MSN và DGW

(VNF) - Các công ty chứng khoán vừa đưa ra khuyến nghị đối với một số cổ phiếu trước phiên giao dịch ngày 26/8, bao gồm PVS, MSN và DGW.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (26/8): PVS, MSN và DGW

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (26/8): PVS, MSN và DGW

MBS: Khuyến nghị nắm giữ đối với PVS

Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận định, trong 6 tháng đầu năm, các lĩnh vực hoạt động của Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS) cơ bản ổn định hơn do giá dầu tăng trở lại hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngành dầu khí. Hoạt động cung cấp tàu chuyên dụng, khai thác vận hành kho nổi FSO/FPSO đảm bảo nhu cầu phát triển của các chủ thầu.

Trong đó, lĩnh vực cơ khí dầu khí tuy có những khó khăn nhất định trong giai đoạn thấp điểm, các dự án hiện tại vẫn được thực hiện đúng tiến độ.

PVS cũng đã trúng thầu gói chế tạo chân đế giàn công nghệ trung tâm cho dự án tại Myanmar và tổng thầu EPCIC 2 giàn đầu giếng dự án Gallaf Batch3 với khối lượng chế tạo 18.000 tấn, thực hiện từ quý II/2021 đến quý IV/2023. Doanh nghiệp cũng ký kết hợp đồng mới cung cấp và vận hành kho lạnh LPG với PVGas tại miền Bắc.

Về tình hình kinh doanh, doanh thu 6 tháng đầu năm của PVS đạt 5.677 tỷ đồng, bằng 65% cùng kỳ 2020 và đạt 57% kế hoạch năm. Điểm trũng hoạt động chế tạo cơ khí và doanh thu FPSO giảm so với cùng kỳ là nguyên nhân chính dẫn đến doanh thu giảm mạnh (cùng kỳ năm 2020 lĩnh vực FPSO có doanh thu hồi tố từ FPSO Cá rồng đỏ và FPSO Lam Sơn).

Mặc dù giá vốn được kiểm soát tốt và các công ty liên doanh, liên kết đem về khoản lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng do khuyết khoản thu nhập từ hoàn nhập dự phòng bảo hành công trình, lợi nhuận trước thuế của PVS giảm 29% còn 428 tỷ đồng, hoàn thành 61% kế hoạch năm.

Trong nửa cuối năm 2021, MBS đánh giá các lĩnh vực hoạt động cốt lõi của PVS vẫn đảm bảo ổn định, trong đó hoạt động FSO/FPSO tiếp tục là điểm sáng mang lại kết quả kinh doanh tốt cho doanh nghiệp nhờ các liên doanh hoạt động ổn định.

Lĩnh vực tàu chuyên dụng, khảo sát địa vật lý cũng được thực mở rộng với các hợp đồng mới cho năng lượng gió ngoài khơi và vận hành kho LPG trên biển. Hoạt động chế tạo cơ khí có thêm hợp đồng mới, bên cạnh đó vẫn tập trung vào các dự án lớn như giàn Đại Nguyệt, dự án Gallaf, dự án Vopak-Galaxy Expansion Phase III, LNG Thị Vải, Tổ hợp hóa dầu miền Nam- gói A1...

Hoạt động đấu thầu dự án mới vẫn tiếp tục thực hiện và chờ đợi kết quả dự thầu các dự án lớn khác như NT3&4 dự kiến tổ chức đầu thầu EPC vào cuối năm 2021 hay các dự án Nam Du U Minh, Lô B- Ô môn…cho kỳ trung và dài hạn. MBS dự báo doanh thu năm 2021 có thể đạt mức 14.600 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 920 tỷ đồng, lần lượt bằng 82% và 90% của năm 2020.

Định giá cổ phiếu theo phương pháp chiết khấu dòng tiền vốn chủ sở hữu - FCFE, so sánh P/E, P/B ngành, MBS cho rằng giá trị cổ phiếu của PVS được xác định là 25.600 đồng/đơn vị. Từ đó khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu này.

PHS: Khuyến nghị mua MSN, giá mục tiêu 171.800 đồng/cổ phiếu

Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho biết, lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (HoSE: MSN) đạt gần 41.200 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 16% so với cùng giai đoạn năm ngoái.

Tuy nhiên, nhờ chi phí vận hành được giảm tải, cùng với kết quả tích cực của nhóm công ty liên doanh, liên kết, doanh nghiệp báo lãi trước thuế gấp 3,6 lần, lên 1.630 tỷ đồng. So với kế hoạch cả năm, MSN đã hoàn thành 44,7% chỉ tiêu doanh thu và gần 40% chỉ tiêu lợi nhuận.

Theo PHS, mức tăng trưởng 2 chữ số của doanh thu đến từ mảng kinh doanh thịt mát, hàng tiêu dùng có thương hiệu và việc hợp nhất các mảng kinh doanh mới sáp nhập. Lợi nhuận hợp nhất tăng cao là nhờ lợi nhuận của Vincommerce (VCM) được cải thiện, tỷ lệ sở hữu cao hơn của MSN tại Masan Consumer Holding (MCH) - doanh nghiệp có lãi khá tốt thời gian qua.

Các yếu tố trên đã bù đắp được khoản chi phí lãi vay do MSN tăng các khoản vay để tăng tỷ lệ sở hữu tại The CrownX và Vincommerce.

Trong quý III, PHS ước tính doanh thu thuần của MCH tăng khoảng 40% so với cùng kỳ, hưởng lợi từ tăng nhu cầu tiêu dùng tại nhà đối với thực phẩm tiện lợi, gia vị và thịt chế biến. Tuy nhiên biên lãi gộp sụt giảm do giá cả hàng hóa đầu vào tăng mạnh.

MCH được kỳ vọng là động lực tăng trưởng chính của MSN với mức tăng trưởng hơn 20% trong năm 2022, nhờ vào các phát kiến mới và chiến lược cao cấp hóa danh mục.

Bên cạnh đó, Masan MEAT Life (MML) được dự báo tăng tốc phát triển mảng thịt mát. Masan đặt mục tiêu nâng công suất các nhà máy chế biến thịt lên gần 30% trong quý IV/2021 so với hiện tại là 11%. Ước tính doanh thu từ thịt mát sẽ đạt khoảng 220 triệu USD trong năm 2021.

Mặt khác, mảng thức ăn chăn nuôi tăng trưởng trở lại nhờ quá trình tái đàn vẫn đang diễn ra ổn định. MML có thể đạt tăng trưởng 30% doanh thu trong 2022 nhờ khả năng thâm nhập thị trường sâu hơn của mảng thịt mát.

Trong khi đó, doanh thu tại VCM được dự báo giảm 8,5% so với cùng quý III/2020, do số lượng điểm bán giảm và ảnh hưởng tiêu cực từ Covid-19 đến hệ thống siêu thị Vinmart. Tuy nhiên, biên EBITDA đã dương trong 3 quý liên tiếp, đạt 2,1% trong 6 tháng đầu năm 2021 nhờ cải thiện biên lợi nhuận thương mại, tối ưu hóa chi phí vận hành cửa hàng và cải thiện hiệu quả chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, VCM cũng tăng tốc đẩy mạnh hợp tác với Lazada để thúc đẩy nhu yếu phẩm trở thành mặt hàng được mua sắm với tần suất hàng ngày trên kênh online.

Với việc sáp nhập mảng kinh doanh vonfram của H.C. Starck (HCS), các sản phẩm chế biến sâu như hóa chất vonfram và vonfram cacbua có vai trò quan trọng trong các tiến bộ công nghệ mới nhất trên thế giới, hiện chiếm 68% doanh thu. Masan High-Tech Materials (MHT) tiếp tục đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm có giá trị cao trong năm 2022, ước tính doanh thu tăng 40% so với cùng kỳ năm trước.

PHS dự phóng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của MSN trong 2022 lần lượt đạt 122.051 tỷ đồng (tăng 32% cùng kỳ) và 7.375 tỷ đồng (tăng đến 141% cùng kỳ), nhờ tăng trưởng đến từ các hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Bằng phương pháp SOTP (Sum-of the-part) đối với giá trị vốn chủ sở hữu đóng góp của các công ty con: MCH, MML, MHT, VCM và công ty liên kết Techcombank, PHS đưa ra giá trị hợp lý của MSN khoảng 171.800 đồng/cổ phiếu, cao hơn 27% so với giá đóng cửa ngày 25/8.

Yuanta: Khuyến nghị nắm giữ dành cho DGW

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) cho biết, kết thúc quý II, Công ty Cổ phần Thế Giới Số (HoSE: DGW) ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.217 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh nghiệp báo lãi ròng kỷ lục với hơn 116 tỷ đồng, tăng trưởng 140% cùng kỳ.

Hỗ trợ cho tăng trưởng kinh doanh của DGW đến từ các mảng sản phẩm công nghệ (laptop, điện thoại di động và thiết bị văn phòng...). Ngoài ra là ngành hàng tiêu dùng, do khách hàng có xu hướng tích lũy sản phẩm này trong giai đoạn giãn cách xã hội.

Mặc dù doanh thu quý II thực tế thấp hơn dự báo, song tăng trưởng lợi nhuận của DGW đã vượt xa dự báo, chủ yếu nhờ biên lợi nhuận cải thiện tốt.

Năm 2021, DGW được dự báo doanh thu thuần ước đạt 19.988 tỷ (tăng trưởng 59,5%) và lợi nhuận ròng là 421,9 tỷ (tăng 57,9% so với thực hiện năm ngoái). Sang năm 2022, dự báo doanh thu thuần của DGW là 24.468 tỷ (tăng 22,4%) và lợi nhuận ròng là 519,9 tỷ (tăng 23,2% cùng kỳ).

Trên thị trường, mức Stock Rating của DGW ở mức 97 điểm, cho nên Yuanta duy trì đánh giá tích cực mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này.

Nhờ vào kết quả kinh doanh quý II tăng trưởng mạnh, DGW duy trì mức điểm cơ bản gần 100 điểm. Đồng thời, nhu cầu laptop, điện thoại tăng mạnh trong bối cảnh làm việc và học online sẽ tiếp tục tạo động lực tăng trưởng mạnh cho DGW trong trung hạn.

Đồ thị giá của DGW đã xác lập mức cao nhất 52 tuần với khối lượng giao dịch tăng đột biến so với khối lượng giao dịch trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực và xu hướng ngắn và trung hạn vẫn duy trì ở mức tăng cho thấy đồ thị giá có thể sẽ tiếp tục mở rộng về các mức cao hơn.

Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu DGW.

Tin mới lên