Tài chính

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (28/11): ACB, KBC và CTG

(VNF) - Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) kì vọng tăng trưởng huy động của CTG sẽ được cải thiện trong 3 tháng cuối năm khi ngân hàng đã có động thái đẩy mạnh lãi suất huy động trong tháng 10-11, qua đó đảm bảo an toàn thanh khoản và có nguồn lực phục vụ tăng trưởng tín dụng.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (28/11): ACB, KBC và CTG

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (28/11): ACB, KBC và CTG

ACB: SSI khuyến nghị mua với giá mục tiêu 26.300 đồng/cổ phiếu

Ngân hàng TMCP Á Châu (HoSE: ACB) đạt lợi nhuận trước thuế 4,5 nghìn tỷ đồng (tăng 71,1% so với cùng kỳ) trong quý III/2022, nhờ vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của: tín dụng (11,1% so với cùng kỳ), thu nhập lãi (33,4% so với cùng kỳ), thu nhập từ phí (36,4% so với cùng kỳ) và dự phòng rủi ro tín dụng giảm mạnh (89% so với cùng kỳ).

Đáng chú ý, NIM vẫn duy trì đà tăng trưởng trong quý III. Mặc dù chất lượng tài có suy giảm nhẹ trong quý III năm 2022, nhưng ACB vẫn duy trì một bộ đệm dự phòng vững chắc, giúp Ngân hàng giảm áp lực chi phí dự phòng tín dụng và tiếp đà cho sự tăng trưởng lợi nhuận cho ACB trong các quý tiếp theo.

Đối với năm 2022, Công ty Chứng khoán SSI điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng tín dụng từ 16% xuống hạn mức hiện tại là 12,7%, trong khi số dư chứng chỉ tiền gửi sẽ tăng 40% so với đầu năm (so với mức tăng 15% ở dự báo trước), làm cho tỷ lệ LDR thuần của ACB về 90%.

Với nỗ lực trích lập dự phòng mạnh mẽ trong năm 2021 và nợ xấu hiện đang được kiểm soát, SSI điều chỉnh giảm 59% chi phí dự phòng xuống 583 tỷ đồng trong năm 2022. Theo đó, công ty chứng khoán này giữ nguyên dự báo lợi nhuận trước thuế ở mức 17 nghìn tỷ đồng (tăng 42% so với cùng kỳ), đồng thời điều chỉnh giảm 7 điểm cơ bản đôi với dự báo NIM, xuống 4,2% (so với 4,27% theo giả định trước đây của SSI).

Năm 2023, SSI dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, ít nhất đến hết tháng 6 năm 2023. Theo đó, lợi nhuận trước thuế của ACB dự báo đạt 19,6 nghìn tỷ đồng (tăng 15,4 so với cùng kỳ.

SSI cho rằng tăng trưởng tín dụng năm 2022 của ACB sẽ đạt 13% so với đầu năm và huy động khách hàng tăng trưởng 11% so với đầu năm. Theo đó, cho vay bán lẻ (đặc biệt là cho vay hộ kinh doanh và doanh nghiệp vừa và nhỏ) sẽ là động lực chính cho tăng trưởng tín dụng, trong khi tiền gửi có kỳ hạn trở nên hấp dẫn hơn trong môi trường lãi suất cao.

SSI dự báo NIM của ACB sẽ đi ngang ở mức 4,2%. Theo quan sát, lãi suất tiền gửi đã quay trở lại mức trước Covid-19 và có thể tăng trong thời gian tới. Điều này sẽ khiến ngân hàng phải chịu chi phí vốn cao hơn vào năm 2023. Tuy nhiên, ACB có 65% dư nợ là từ các khoản cho vay khách hàng cá nhân và với lãi suất cho vay sẽ được điều chỉnh lại sau 3-6 tháng đối với các khoản vay hiện tại do vậy mà lãi suất cho vay sẽ ít bị ảnh hưởng.

Như vậy, áp lực chênh lệch lãi suất sẽ không lớn như tại các ngân hàng khác tập trung vào phân khúc khách hàng doanh nghiệp. SSI dự báo NIM của ACB sẽ đI ngang so với năm 2022.

SSI cho rằng thu nhập phí thuần của ACB sẽ tăng 25,1% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nhập bancassurance là nguồn thu nhập chính cho thu nhập phí, cùng với thu nhập phí thẻ tín dụng và phí thanh toán online.

Nợ xấu dự kiến duy trì ở mức 1,05%, với bộ đệm tín dụng mạnh. SSI tin rằng ACB sẽ tiếp tục quản lý rủi ro thận trọng và duy trì chính sách quản lý nghiêm ngặt đối với hoạt động cho vay, với bộ đệm tín dụng cao 146%, chi phí dự phòng tăng 59,2% so với cùng kỳ và chi phí dự phòng tín dụng cao hơn, ở mức 0,21% vào năm 2023.

Công ty chứng khoán này dự đoán phần lớn nợ xấu hình thành trong năm 2023 sẽ đến từ các khoản nợ tái cơ cấu, trước đó đã được trích lập dự phòng trong năm 2021. Do đó, chi phí dự phòng được ước tính thấp hơn so với mức 0,51% trong năm 2012 và mức trung bình hàng năm 0,4% sau khi loại trừ dự phòng VAMC.

SSI chiết khấu mức P/B mục tiêu từ 2 lần xuống còn 1,2 lần để phản ánh môi trường lãi suất cao khiến ROE giảm vào năm 2023. Bất chấp những trở ngại lớn vẫn còn ở phía trước, SSI duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu ACB với giá mục tiêu 1 năm là 26.300 đồng/cổ phiếu (giảm từ mức 34.400 đồng/cổ phiếu).

KBC: MBS khuyến nghị nắm giữ với giá mục tiêu 28.600 đồng/cổ phiếu

9 tháng năm 2022, doanh thu thuần của Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HoSE: KBC) đạt gần 1,3 nghìn tỷ đồng (giảm 58,1% so với cùng kỳ), trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất là doanh thu từ hoạt động cho thuê đất (51%) với hơn 661 tỷ đồng (giảm 68,7% so với cùng kỳ). Cùng với đó là doanh thu từ chuyển nhượng BĐS và dự án đạt hơn 341 tỷ đồng (giảm 16,2% so với cùng kỳ).

Trong khi đó, doanh thu từ các dịch vụ cho thuê kho và cung cấp nước sạch tăng nhẹ đạt hơn 247 tỷ đồng (tăng 10,3% so với cùng kỳ). Giá vốn hàng bán ghi nhận giảm với tốc độ chậm hơn đạt hơn 728 tỷ đồng (giảm 46% so với cùng kỳ) đẩy mức biên lợi nhuận gộp suy giảm đáng kể so với cùng kỳ đạt hơn 43,5% (9 tháng năm 2021 đạt 56,3%). Trong đó, biên lợi nhuận gộp suy giảm sâu nhất ghi nhận ở mãng chiếm tỷ trọng cao nhất là hoạt động cho thuê đất chỉ đạt 46,3% (cùng kỳ năm 2021 đạt 59,8%).

Thu nhập từ hoạt động tài chính trong 9 tháng năm 2022 ghi nhận hơn 238 tỷ đồng (tăng 64% so với cùng kỳ), trong đó hầu hết là lãi tiền gửi và cho vay với mặt bằng lãi suất cao và lượng tiền và tương đương tiền lớn đầu kỳ đã đem lại mức lãi trong 9 tháng năm 2022 đạt hơn 234 tỷ đồng (tăng 111% so với cùng kỳ).

Mặt khác, dù ảnh hưởng bởi mặt bằng lãi suất tăng cao nhưng KBC ghi nhận chi phí tài chính tăng trưởng không đáng kể đạt hơn 441 tỷ đồng (tăng 1% so với cùng kỳ), trong đó chi phí lãi vay ghi nhận giảm nhẹ so với cùng kỳ đạt hơn 392 tỷ (giảm 1% so với cùng kỳ).

Chi phí bán hàng cải thiện đáng kể ghi nhận mức suy giảm sâu so với cùng kỳ đạt chỉ hơn 41 tỷ đồng (giảm 66% so với cùng kỳ) đưa mức chi phí bán hàng biên giảm chỉ còn 3.2% (9 tháng năm 2021 đạt 3.9%). Trong đó, phần lớn là đến từ khoản suy giảm chi phí từ tư vấn pháp lý, môi giới và xúc tiến bán hàng giảm chỉ còn 34 tỷ đồng so với mức hơn 105 tỷ đồng trong cùng kỳ.

Chi phí quản lý doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng nhẹ đạt hơn 282 tỷ đồng (tăng 11% so với cùng kỳ), phần lớn là chi phí nhân viên quản lý đạt hơn 126 tỷ đồng tăng nhẹ so với mức 105 tỷ đồng cùng kỳ. Đáng chú ý, KBC đã tiến hành ghi nhận mức lãi từ công ty liên kết gần 2 nghìn tỷ đồng. Với khoản thu nhập này đã hổ trợ đưa mức lợi nhuận trước thuế của KBC trong 9 tháng năm 2022 tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ đạt hơn 2,2 nghìn tỷ đồng (tăng 112% so với cùng kỳ) với mức biên lợi nhuận trước thuế đạt hơn 165% tăng mạnh so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, nếu loại bỏ khoản ghi nhận này thì mức lợi nhuận trước thuế KBC ghi nhận mức suy giảm mạnh so với cùng kỳ ở mức khoản gần 300 tỷ đồng (giảm 48,4% so với cùng kỳ) và mức biên lợi nhuận trước thuế đạt 22,6%.

Về triển vọng tương lai, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng tại KCN Nam sơn hạp lĩnh, với các điều kiện thuận lợi, KBC sẽ ghi nhận 25ha và phần còn lại sẽ được phân bổ lắp đầy trong giai đoạn 4 – 5 năm tới. KCN Quang Châu mở rộng sẽ được KBC ghi nhận 50ha vào năm 2023 và phần còn lại sẽ được ghi nhận vào năm 2024.

KCN Tràng Duệ 3 sẽ được bắt đầu ghi nhận vào năm 2023 và kéo dài phân bổ đến năm 2027. KCN Tân Phú Trung sẽ ghi nhận 15ha trong năm 2022 và phân bổ dần trong 2 -3 năm tới.

Theo MBS, ngành bất động sản đang gặp khó khăn trong ngắn và trung hạn nên sẽ ảnh hưởng đến tiến độ các khu đô thị tại KBC. Trong đó, Tràng Cát sẽ chưa thể ghi nhận doanh thu trong năm nay và sẽ phân bổ dần bắt đầu từ năm 2023 đến trung hạn tùy vào hiện trạng khắc phục chung của thị trường bất động sản.

KBC có kế hoạch bàn giao 6ha tại KĐT Phúc Ninh, đóng góp khoảng 1.300-1.400 tỷ đồng doanh thu giai đoạn 2022-23 và MBS kỳ vọng diện tích còn lại sẽ được lắp đầy trong 5 năm sau đó. Ngoài ra, KBC liên tục có nhiều dự án mở rộng quỹ đất trên nhiều vùng miền với gần 20 dự án có diện tích hơn 5.000ha trên khắp Việt Nam. Trong đó, với nhu cầu ngày càng tăng tại khu vực phía Nam và sông Mekong, KBC đã đẩy mạnh tập trung vào 2 khu vực này.

Trong giai đoạn cuối năm 2022, MBS kỳ vọng hoạt động cho thuê đất tại KCN Quang Châu, KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, KCN Tân Phú Trung sẽ khởi sắc. Do đó, ước tính doanh thu của MBS cho hoạt động kinh doanh chính của KBS cho cả năm 2022 là hơn 1,8 nghìn tỷ đồng và tổng doanh thu thuần là hơn 2,2 nghìn tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế ước tính đạt hơn 2,3 nghìn tỷ đồng (tăng 148% so với cùng kỳ).

Đối với năm 2023, các khu công nghiệp và khu đô thị sẽ được ghi nhận khả quan hơn khi các chính sách về lãi suất cũng như lạm phát toàn cần dần đạt đỉnh và ổn định, các chính sách về BĐS dần được nới lỏng và hài hòa. MBS kỳ vọng doanh thu từ mảng BĐS KCN sẽ đạt hơn 3,8 nghìn tỷ đồng trong đó chủ yếu đến từ Quảng Châu mở rộng và Tràng Duệ 3.

Ở lĩnh vực BĐS đô thị, Tràng Cát sẽ bắt đầu ghi nhận doanh thu và đem lại mức doanh thu kỳ vọng cho lĩnh vực BĐS đô thị với hơn 6 nghìn tỷ đồng. Do đó, tổng doanh thu thuần của KBC có thể đạt tới con số hơn 10,6 nghìn tỷ đồng (tăng 373% so với cùng kỳ) và LNST đạt gần 3,1 nghìn tỷ đồng (tăng 31% so với cùng kỳ).

MBS định giá cổ phiếu KBC với mức giá mục tiêu 28.600 đồng/cổ phiếu dựa trên phương pháp chiết khấu dòng tiền nhằm xác định RNAV cho các dự án của KBC, khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu này.

CTG: KBSV khuyến nghị mua với giá mục tiêu 31.000 đồng/cổ phiếu

Quý III/2022, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (HoSE: CTG) có thu nhập lãi thuần đạt 12.924 tỷ đồng (tăng 7.6% so với quý trước, tăng 30,9% so với cùng kỳ); thu nhập ngoài lãi đạt 4.401 tỷ đồng (tăng 12% so với quý trước, tăng 84.6% so với cùng kỳ) giúp TOI đạt 17.324 tỷ đồng (tăng 8,7% so với quý trước, tăng 41,4% so với cùng kỳ).

Chi phí trích lập dự phòng tăng mạnh, đạt 8.321 tỷ đồng (tăng 41,4% so với quý trước, tăng 50% so với cùng kỳ) khiến lợi nhuận trước thuế quý III đạt 4.157 tỷ đồng (giảm 28,2% so với quý trước, tăng 35,8% so với cùng kỳ). Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt 15.764 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ với tăng trưởng tín dụng đạt 10,2%.

Lãi suất đầu ra bình quân quý III đạt 6,25%, tăng 19 điểm cơ bản chủ yếu nhờ CTG tăng tỷ trọng cho vay bán lẻ - SME, vốn là nhóm có tỷ suất lợi nhuận cao hơn. Trong khi đó, mặc dù lãi suất thị trường 2 tăng nhưng chi phí đầu vào chỉ tăng nhẹ 9 điểm cơ bản so với quý trước nhờ tỷ lệ CASA được cải thiện (tăng 55 điểm cơ bản so với quý trước) khiến NIM quý III/2022 đạt 2.95%, tăng 11 điểm cơ bản so với quý trước.

Tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối quý III/2022 đạt 1,42%, tăng 7 điểm cơ bản so với quý trước. Trong khi đó, nợ nhóm 2 đạt 1,8%, tăng mạnh 55 điểm cơ bản so với quý trước trong đó phần lớn đến từ nhóm khách hàng được cơ cấu nợ đã trả nợ đủ theo lịch cơ cấu và được chuyển vào nợ nhóm 2 để theo dõi.

Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) kì vọng tăng trưởng huy động của CTG sẽ được cải thiện trong 3 tháng cuối năm khi ngân hàng đã có động thái đẩy mạnh lãi suất huy động trong tháng 10-11 qua đó đảm bảo an toàn thanh khoản và có nguồn lực phục vụ tăng trưởng tín dụng.

KBSV dự phóng tăng trưởng tín dụng năm 2022 của CTG đạt 10,7%, là mức trần dư nợ tín dụng mà CTG được Ngân hàng Nhà nước cấp cho. Công ty chứng khoán này ước tính NIM năm 2022 của CTG giảm 3 điểm cơ bản so với cùng kỳ, đạt 2,98%, cao hơn dự phóng cũ 9 điểm cơ bản phản ánh lãi suất đầu ra tốt hơn dự kiến nhờ chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu tín dụng sang cho vay bán lẻ và SME cùng với việc tăng lãi suất đầu vào chưa phản ánh vào NIM.

KBSV dự phóng NPL đạt 1,5%, tăng 24 điểm cơ bản so với cùng kỳ sau khi CTG ghi nhận đối với nợ tái cơ cấu theo thông tư 14/2021/TT-NHNN. Chi phí trích lập dự phòng đạt 22.971 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ và cao hơn so với dự phóng cũ 27% phản ánh chiến lược đẩy mạnh trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu của CTG trong năm 2022. KBSV dự phóng lợi nhuận sau thuế năm 2022 của ngân hàng mẹ đạt 16.060 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ, giảm 10,5% so với dự phóng trước.

Cho năm 2023, KBSV dự phóng lợi nhuận sau thuế ngân hàng mẹ đạt 18.216 tỷ đồng, tăng 13,1% so với cùng kỳ dựa trên tăng trưởng tín dụng dự phóng đạt 10% trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, ngân hàng đề cao quản trị rủi ro. NIM năm 2023 dự phóng giảm 25 điểm cơ bản so với cùng kỳ do áp lực tăng lãi suất huy động để kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá. Chi phí trích lập dự phòng dự kiến duy trì ở mức cao tương tự năm 2022 , đạt 22.890 tỷ đồng phản ánh quan điểm thận trọng về chất lượng tài sản liên quan đến ngành bất động sản và trái phiếu.

Dựa trên kết quả định giá, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các yếu tố rủi ro có thể phát sinh, KBSV khuyến nghị mua đối với cổ phiếu CTG. Giá mục tiêu cho năm 2023 là 31.000 đồng/cổ phiếu.

Tin mới lên