Tài chính

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (30/11): KDH, DGW và DGC

(VNF) - Theo MBS, định giá vẫn của KDH còn hấp dẫn trong dài hạn xét trên giá trị thị trường của quỹ đất, tiềm năng lợi nhuận cũng như so với các doanh nghiệp trong ngành. Trong ngắn hạn, KDH được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ các dự án có vị trí tốt tại khu vực TP. HCM vẫn đang thu hút người mua nhà.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (30/11): KDH, DGW và DGC

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (30/11): KDH, DGW và DGC

KDH: MBS khuyến nghị mua với giá mục tiêu 35.400 đồng/cổ phiếu

Trong quý III/2022, Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền (HoSE: KDH) ghi nhận doanh thu 803 tỷ đồng (giảm 33% so với cùng kỳ) trong khi lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 352 tỷ đồng (tăng 11% so với cùng kỳ) chủ yếu đến từ bàn giao 42 biệt thự tại dự án cao cấp Classia có biên lợi nhuận gộp rất cao là 63% so với 40% trong quý III/2021 do dự án này được mua từ lâu với giá vốn thấp trong khi giá bán cao hơn nhiều (phân khúc biệt thự) so với các dự án khác mà KDH đã phát triển.

Lũy kế 9 tháng năm 2022, KDH đạt doanh thu thuần 1.678 tỷ đồng (giảm 47% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 983 tỷ đồng (tăng 25% so với cùng kỳ). Doanh thu thuần 9 tháng đầu năm 2022 giảm 47% so với cùng kỳ chủ yếu do số lượng căn hộ bàn giao thấp hơn.

Biên lợi nhuận gộp của KDH cải thiện lên mức 64,7% trong 9 tháng năm 2022 so với 41,5% trong 9 tháng năm 2021, chủ yếu là nhờ dự án thấp tầng Classia có biên lợi nhuận cao hơn so với việc bàn giao các dự án cao tầng tại Safira và Lovera Vista trong 9 tháng năm 2021. Chi phí tài chính trong 9 tháng năm 2022 đạt 52 tỷ đồng (giảm 22% so với cùng kỳ) chủ yếu do khoản chiết khấu thanh toán trong quý 3/2022 (49,3 tỷ đồng).

Trong quý III/2022 KDH ghi nhận 123 tỷ đồng thu nhập khác từ khoản thu nhập bồi thường chấm dứt hợp đồng (công ty chưa thuyết minh chi tiết về khoản mục này). Công ty Chứng khoán MB (MBS) lưu ý rằng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số quý I/2022 của KDH chủ yếu được hỗ trợ bởi khoản thu nhập ngoài tiền mặt 308 tỷ đồng từ hợp nhất lô đất, trong khi Classia là dự án đóng góp doanh thu và lợi nhuận chính trong quý II/2022 và quý III/2022.

Tính đến 9 tháng năm 22, KDH đã hoàn thành 42% doanh thu và 69% lợi nhuận sau thuế của kế hoạch năm 2022.

Dự kiến trong các tháng còn lại của năm 2022, KDH sẽ tiếp tục triển khai các dự án Classia (thấp tầng) và The Privia (cao tầng). Cụ thể, đối với Classia (TP. Thủ Đức), dự án kỳ vọng sẽ là trụ cột doanh thu - lợi nhuận 2022, đã hoàn tất pháp lý, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đã triển khai xây dựng vào quý 4/2021 và đang đẩy mạnh công tác bán hàng.

Ban lãnh đạo cho biết công ty đã bán được khoảng 100 căn tại Classia (tổng dự án bao gồm 176 căn thấp tầng) và dự kiến mở bán đợt tiếp theo vào cuối tháng 11/2022; đối với The Privia (quận Bình Tân): tổng dự án bao gồm khoảng 1.100 căn hộ, khởi công xây dựng từ cuối quý II/2022) và dự kiến sẽ bắt đầu mở bán vào cuối năm nay.

Theo MBS, Pre-sales (giá trị bán hàng) năm 2023 của KDH sẽ tăng trở lại từ mức thấp trong 2022 nhờ các dự án mở bán mới Clarita và The Privia; trong đó dự án thấp tầng chiếm phần lớn dự báo lợi nhuận sau thuế (lợi nhuận sau thuế) sau lợi ích cổ đông thiểu số.

MBS kỳ vọng tỷ lệ hấp thụ các dự án này sẽ khá tốt do sự khan hiếm các dự án, nhất là đối với dự án thấp tầng trong nội thành TP. HCM kể cả khi thị trường BĐS được dự báo sẽ trầm lắng đến hết quý II/2023. Để hoàn thiện kế hoạch lợi nhuận 2022, KDH sẽ tăng tốc mở bán các dự án trong các tháng cuối năm 2022, bắt đầu từ đẩy mạnh hoàn tất bán hàng với dự án Classia và bắt đầu mở bán The Privia.

MBS cho rằng KDH có thương hiệu tốt với uy tín cao trong việc bàn giao giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (QSDĐ) giúp giá bán cao hơn trung bình ở các vị trí lân cận. KDH đồng thời sở hữu quỹ đất dự án quy mô lớn (631ha) ở khu Đông và khu Nam TP. HCM (phần nội thành), nơi đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư và giá nhà đất tăng mạnh nhờ phát triển cơ sở hạ tầng với giá vốn tốt.

Theo MBS, định giá vẫn của KDH còn hấp dẫn trong dài hạn xét trên giá trị thị trường của quỹ đất, tiềm năng lợi nhuận cũng như so với các doanh nghiệp trong ngành. Trong ngắn hạn, KDH được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ các dự án có vị trí tốt tại khu vực TP. HCM vẫn đang thu hút người mua nhà, đặc biệt là lợi thế sở hữu 2 dự án thấp tầng ở khu Đông TP. HCM (Classia đang hoàn thiện bán hàng trong 2022 và Clarita dự kiến sẽ triển khai vào nửa cuối năm 2023) trong khi câu chuyện lên quận đang hâm nóng khu vực Bình Chánh.

Sử dụng Phương pháp RNAV, MBS xác định giá trị mỗi cổ phiếu KDH ở mức 35.400 đồng/cổ phiếu, phản ánh mức độ rủi ro hiện tại của thị trường chứng khoán nói chung và ngành BĐS nói riêng nhưng đồng thời cũng mở ra cơ hội để tích lũy cổ phiếu của 1 trong những doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, rổ sản phẩm hấp dẫn với tiềm năng tăng trưởng tích cực nằm ở các dự án trọng điểm quy mô lớn kỳ vọng được triển khai từ 2024 trở đi.

DGW: MASVN khuyến nghị mua với giá mục tiêu 50.600 đồng/cổ phiếu

Công ty Cổ phần Thế giới số (Digiworld, HoSE: DGW) là một trong hai công ty phân phối sản phẩm công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam, sở hữu mạng lưới phân phối rộng lớn, bao phủ tất cả các tỉnh thành Việt Nam. DGW hoạt động chính trong lĩnh vực phân phối trong lĩnh vực công nghệ (ICT) khi hợp tác 30 thương hiệu công nghệ nổi tiếng thế giới, với khoảng 16.000 điểm bán hàng toàn quốc.

9 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần và lãi ròng công ty mẹ DGW đạt 17.984 tỷ và 528 tỷ đồng, lần lượt tăng 38% và 60% cùng kỳ. Trong đó, mảng điện thoại đóng góp 8.982 tỷ đồng doanh thu, tăng 41% so với cùng kỳ nhờ lượng bán hàng tốt của Xiaomi và Iphone.

Mảng máy tính xách tay & máy tính bảng tăng trưởng 28%, trong khi mảng thiết bị văn phòng & nhà cửa đạt mức tăng trưởng đến 57% cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp giảm về 6,6% do áp lực cạnh tranh gia tăng trong suy thoái kinh tế.

Từ quý III/2022, DGW vừa thêm một số sản phẩm vào danh mục phân phối: TCL (điện thoại), Whirlpool (tủ lạnh, máy giặt, máy sấy quần áo, máy rửa bát), Xiaomi (Tivi), Joyoung (nồi chiên không dầu, máy xay đa năng, ấm đun siêu tốc). Ngoài ra, DGW vừa mua lại 49% công ty Achison trong quý III, một công ty chuyên phân phối các sản phẩm bảo hộ lao động và thiết bị công nghiệp để đa dạng danh mục phân phối. Theo Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, những ngành này kỳ vọng đóng góp tăng trưởng doanh thu trong những năm tới.

Quý IV/2022, MASVN kì vọng khả quan đối với DGW nhờ động lực từ các dòng sản phẩm mới phân phối, đặc biệt là tivi Xiaomi trong mùa World Cup. Ngoài ra, quý IV cũng là quý mở bán của dòng Iphone 14, kỳ vọng đóng góp tích cực cho DGW.

Năm 2022, MASVN ước tính doanh thu thuần và lãi ròng thuộc cổ đông công ty mẹ DGW đạt 25.856 tỷ và 746 tỷ đồng, tăng 24% và 14% cùng kỳ. Năm 2023, doanh thu thuần và lãi ròng thuộc cổ đông công ty mẹ DGW ước tính đạt 32.341 tỷ và 1.031 tỷ đồng, tăng 25% và 38% cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 6,7% lên mức 6,9%; mảng thiết bị văn phòng và nhà cửa tăng trưởng 40%, đạt 5.622 tỷ đồng doanh thu; doanh thu mảng điện thoại cũng kỳ vọng đạt mức tăng trưởng khả quan 25%.

EPS dự phóng năm 2023 ước đạt 6.323 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức P/E dự phóng năm 2023 ở mức 6,1 lần. MASVN đánh giá tích cực dành cho DGW nhờ việc mở rộng nhiều nhãn hàng vẫn đang đóng góp tích cực, tạo sức tăng trưởng, kỳ vọng phục hồi tăng trưởng mạnh hơn năm 2023 nhờ điều kiện thị trường cải thiện và hoạt động M&A sẽ đóng góp thêm tăng trưởng doanh thu từ năm 2023.

DGW xác lập mô hình 2 đáy tại vùng giá quanh 34.000 đồng/cổ phiếu khi DGW có tín hiệu bật tăng, đi kèm khối lượng giao dịch lớn. DGW sẽ kiểm định ngưỡng cản quanh 43.000 đồng/cổ phiếu, nếu vượt qua thì ngưỡng cản tiếp theo sẽ là 50.000 đồng/cổ phiếu.

MASVN khuyến nghị mua cổ phiếu DGW với giá mục tiêu 50.600 đồng/cổ phiếu.

DGC: VNDirect khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 79.200 đồng/cổ phiếu

DGC công bố kết quả kinh doanh quý III/2022 khả quan với doanh thu thuần đạt 3.696 tỷ đồng (tăng 76% so với cùng kỳ) nhờ: giá bán bình quân tăng 50% so với cùng kỳ, doanh thu phân bón và phụ gia tăng 52% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp trong quý III/2022 tăng lên 44,5% (tăng 24,1 điểm % so với cùng kỳ) chủ yếu nhờ giá bán trung bình cao hơn và công nghệ mới giúp tiết kiệm chi phí.

Trong quý III/2022, lợi nhuận ròng của DGC tăng 195,8% so với cùng kỳ, nâng tốc độ tăng trưởng của lợi nhuận ròng trong 9T22 lên 318,4% so với cùng kỳ và đạt 4.535 tỷ đồng.

Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, DGC sẽ được hưởng lợi từ sự thiếu hụt nguồn cung từ Trung Quốc. Theo đó, Vân Nam – một trong 4 trung tâm sản xuất phốt pho vàng lớn nhất ở Trung Quốc đã thực hiện “Kế hoạch quản lý hiệu quả năng lượng từ ngày 22/9/2022 đến 23/5/2023”, dẫn đến hiệu suất hoạt động của các doanh nghiệp phốt pho ở Vân Nam xuống còn 41% vào tháng 10/2022 từ 69% vào tháng 9/2022.

VNDirect kỳ vọng giá phốt pho sẽ duy trì ở mức 4.600 - 5.300USD/tấn cho đến tháng 6/2023 trước khi giảm dần trong nửa cuối năm 2023 do Trung Quốc tạm dừng chính sách hạn chế sản xuất phốt pho và giá than cốc đầu vào giảm. Do đó, VNDirect tăng lợi nhuận ròng của DGC trong năm 2022 và năm 2023 lần lượt 2,7% và 7,4% so với dự phóng cũ, với động lực từ việc giá bán trung bình phốt pho tăng lần lượt 6,1% và 4,8%.

VNDirect cũng cho rằng DGC được hưởng lợi từ lãi suất huy động cao hơn và tỷ giá USD/VND tăng. DGC là doanh nghiệp xuất khẩu ròng với 80% doanh thu tính bằng USD trong khi chỉ 40% giá vốn hàng bán bằng USD và DGC không có nợ vay bằng ngoại tệ. Do đó, VNDirect đánh giá DGC không có rủi ro hoặc thậm chí có lợi thế khi tỷ giá USD/VND tăng cao. Ngoài ra, với tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu thấp (16%) và tiền mặt ròng/cổ phiếu là 17.703 đồng/cổ phiếu tại quý III/2022, DGC có thể được hưởng mức tăng lãi suất tiền gửi hiện tại.

DGC sẽ cắt giảm sản lượng trong giai đoạn 1 của dự án Xút –Clo Nghi Sơn từ 150.000 tấn/năm vào đầu năm 2025 xuống còn 50.000 tấn/năm trong quý III/2024 nhằm tập trung đầu tư cho dự án bô xít – nhôm. Do đó, VNDirect giảm dự phóng lợi nhuận ròng năm 2025 và 2026 từ dự án Xút-Clo lần lượt 30% và 25% so với dự phóng cũ.

VNDirect nâng khuyến nghị cổ phiếu DGC lên khả quan với giá mục tiêu thấp hơn 79.200 đồng/cổ phiếu. Công ty chứng khoán này điều chỉnh giảm dự phóng DCF xuống 21% sau khi giảm tăng trưởng EPS 2025-26 lần lượt 19,2% và 21,1% do sự thay đổi tiến độ của dự án Xút-Clo.

Giá của DGC đã giảm mạnh trong thời gian vừa qua, kéo P/E 2023 xuống còn 4,6 lần, giảm 54% so với mức trung bình 3 năm. VNDirect cho rằng đây là mức giá hấp dẫn với 1 doanh nghiệp sản xuất phốt pho đầu ngành với gần như không chịu rủi ro nào khi lãi suất cao và biến động tỷ giá. Động lực tăng giá là sự thiếu hụt nguồn cung từ Trung Quốc kéo dài hơn dự kiến. Rủi ro giảm giá là chi phí đầu tư cao và rủi ro triển khai của dự án Xút-Clo sắp tới.

Tin mới lên