Tài chính

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (3/10): MBB, LHG và TCM

(VNF) - TPS đánh giá MBB là một ngân hàng tốt với nền tảng vững chất và hoạt động hiệu quả. Công ty chứng khoán này kỳ vọng vọng ngân hàng sẽ duy trì tiềm lực hoạt động tốt như hiện tại cũng như sẽ đạt được những bước tiến đột phá trong định hướng chuyển đổi số hoá toàn diện, định vị khách hàng bán lẻ và SME, và tăng cường hoạt động trọng hệ sinh thái của ngân hàng trong giai đoạn tiếp theo.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (3/10): MBB, LHG và TCM

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (3/10): MBB, LHG và TCM

MBB: TPS khuyến nghị mua với giá mục tiêu 32.700 đồng/cổ phiếu

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, HoSE: MBB) công bố lợi nhuận sau thuế quý II/2022 và nửa đầu năm 2022 lần lượt đạt 4.794 tỷ đồng (tăng 75,6% so với cùng kỳ) và 9.520 tỷ đồng (tăng 48,8%) nhờ tăng trưởng hoạt động tín dụng cao và chi phí dự phòng giảm.

Lãi thuần từ hoạt động tín dụng quý II/2022 và nửa đầu năm tăng lần lượt 37% so với cùng kỳ và 38%so với cùng kỳ nhờ vào tăng trưởng tín dụng cao và NIM cải thiện. Cuối quý II/2022, tăng trưởng tín dụng đạt 14,6% so với thời điểm đầu năm (mức tăng trưởng cùng kì là 10,7% và ngành là 9,44%) và được thúc đẩy bởi tín dụng phân khúc khách hàng cá nhân.

Dư nợ cho vay khách hàng cá nhân tăng là 20,5% so với thời điểm đầu năm. Tại thời điểm cuối quý II/2022, tăng trưởng huy động ghi nhận 8,2% so với đầu năm. Trong đó, tỷ lệ CASA quý II/2022 là 44%, thấp hơn so với cuối 2021 là 48% và cao hơn so với quý II/2021 là 39%.

NIM cải thiện thêm 0,21 điểm % lên 5,35% nhờ tăng trưởng tín dụng cao và chi phí vốn thấp hơn cùng kì.

Lãi thuần từ hoạt động ngoài lãi bị ảnh hưởng bởi hoạt động môi giới và đầu tư chứng khoán. Theo đó, lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ quý II và nửa đầu năm 2022 không có nhiều biến động so với cùng kì. Hoạt động ngoại hối tăng trưởng mạnh trong cả quý II/2022 và luỹ kế 6 tháng.

Ngược lại, hoạt động đầu tư chứng khoán sụt giảm mạnh trong quý II/2022. Tỷ lệ CIR duy trì so với cùng kì, quý II đạt 34,4% và nửa đầu năm đạt 32,6%. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 43,5% trong quý II/2022 và 17,5% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm do hoàn nhập chi phí trích lập dự phòng. Tuy nhiên, tỷ lệ NPL (nợ xấu) tại cuối quý II/2022 là 1,2%, tăng so với cuối năm 2021 là 0,9%.

Cho cả năm 2022, Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) ước tính tổng thu nhập hoạt động của MBB đạt 43.412 tỷ đồng (tăng 17,5% so với cùng kỳ), tổng chi phí hoạt động ước đạt 14.448 tỷ đồng (tăng 16,7%), chi phí trích lập dự phòng ước đạt 8.048 tỷ đồng (tăng 0,2% so với cùng), và lợi nhuận sau thuế ước đạt 16.736 tỷ đồng (tăng 26,6%).

TPS đánh giá MBB là một ngân hàng tốt với nền tảng vững chất và hoạt động hiệu quả. Công ty chứng khoán này kỳ vọng vọng ngân hàng sẽ duy trì tiềm lực hoạt động tốt như hiện tại cũng như sẽ đạt được những bước tiến đột phá trong định hướng chuyển đổi số hoá toàn diện, định vị khách hàng bán lẻ và SME, và tăng cường hoạt động trọng hệ sinh thái của ngân hàng trong giai đoạn tiếp theo. TPS sử dụng phương pháp so sánh P/B (tỷ trọng 50%) và phương pháp giá trị thặng dư (tỷ trọng 50%) đưa ra ước tính giá mục tiêu cho MBB là 32.700 đồng/cổ phiếu.

LHG: VDSC khuyến nghị mua với giá mục tiêu 52.000 đồng/cổ phiếu

Theo báo cáo chưa soát xét trong quý II/2022, Công ty Cổ phần Long Hậu (HoSE: LHG) ghi nhận doanh thu đạt 233,36 tỷ đồng, giảm 58% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 40,85 tỷ đồng, giảm 81,3% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 54,1% về chỉ còn 24,8%.

Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, LHG ghi nhận doanh thu đạt 347,7 tỷ đồng, giảm 47,8% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 89,52 tỷ đồng, giảm 64,4% so với cùng kỳ.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho biết hiện tại, khu công nghiệp Long Hậu 3 giai đoạn 1 còn sấp xỉ 50ha thương phẩm. Dù vậy, diện tích có thể cho thuê ước khoảng 30ha, do một phần đất của 10ha chưa giải phóng mặt bằng phân bố rải rác làm ảnh hưởng đến khoảng 20ha diện tích thương phẩm.

Ngoài ra, VDSC cho biết LHG có kế hoạch dành khoảng 1/3 diện tích sẵn sàng cho thuê còn lại (khoảng 10ha) để phát triển nhà xưởng xây sẵn (NXXS). Với tỷ lệ hấp thụ trung bình 10 - 12ha mỗi năm. Khoảng 20ha còn lại có thể đảm bảo cho kết quả kinh doanh của mảng khu công nghiệp đến năm 2024. Ngoài ra, theo khảo sát của VDSC, giá cho thuê đến hiện tại khu công nghiệp Long Hậu 3.1 đã tăng lên ở mức 240-250 USD/m2/chu kỳ thuê so với mức 220 USD/m2/ chu kỳ thuê tại quý I/2022.

Theo thông tin cập nhật của VDSC, cả hai khu công nghiệp Long Hậu 3 giai đoạn 2 và khu công nghiệp An Định đang được trình bộ kế hoạch đầu tư để xin chấp thuận chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, kế hoạch khai thác sẽ dời về cuối năm 2024 - đầu năm 2025, so với kế hoạch trước đó sẽ đi vào hoạt động từ năm 2024.

Nguyên nhân là do các thay đổi từ Nghị Định 35 có hiệu lực từ tháng 7/2022. Theo đó, việc quy hoạch 1/2000 sẽ được chuyển giao về cho cơ quan có thẩm quyền của nhà nước thay vì chủ đầu tư chủ động làm như trước đây.

VDSC ước tính LHG có thể ghi nhận 3ha cho thuê trong quý III/2022, so với mức nền thấp của quý III năm ngoái không ghi nhận diện tích thuê. Bên cạnh đó, biên lợi nhuận gộp ước tính sẽ phục hồi đáng kể sau khi việc điều chỉnh tổng mức đầu tư cho khu công nghiệp Long Hậu 3.1 cho phần diện tích đã bán đã được hạch toán trong quý II/2022.

VDSC kỳ vọng kết quả kinh doanh quý III của LHG sẽ phục hồi mạnh mẽ so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu ước đạt khoảng 208 tỷ đồng (tăng 300% YoY) và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ ước đạt 78,6 tỷ đồng (tăng 295% YoY), biên lợi nhuận gộp quay về mức khoảng 50% so với mức 25% ở quý trước đó.

VDSC khuyến nghị mua với giá mục tiêu 52.000 đồng/cổ phiếu.

TCM: VCBS khuyến nghị trung lập với giá mục tiêu 45.600 đồng/cổ phiếu

Luỹ kế 8 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần của Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HoSE: TCM) đạt 127,7 triệu USD, tăng 20% svck. Lợi nhuận sau thuế đạt 8 triệu USD, tăng vượt trội gần 48% svck.

Tuy nhiên, lý do về mức tăng phi mã trong lợi nhuận sau thuế của TCM phần lớn vẫn đến từ nền lợi nhuận thấp trong năm ngoái, khi TCM phải tiêu tốn nhiều chi phí cho quá trình phòng dịch Covid 19.

Biên lợi nhuận ròng đã có sự cải thiện khi tăng khoảng 3% so với quý trước, đạt 6,3%, ngang bằng với biên lợi nhuận ròng trước dịch.

Xuất khẩu sang thị trường Mỹ đã tăng tỷ trọng trên tổng doanh thu xuất khẩu của TCM từ 38% tại đầu năm lên 41% trong tháng 8/2022, nhớ được hượng lợi từ tốc độ tăng trưởng chung trong trị giá xuất khẩu dệt may Việt Nam.

Cụ thể, trị giá xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam tháng 8 tiếp tục đạt 4 tỷ USD trong đó Mỹ duy trì là thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam trong tháng 8 với giá trị xuất khẩu đạt 1,74 tỷ USD, chiếm 43,6% tổng giá trị hàng xuất khẩu.

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết, tính đến tháng 9, TCM đã nhận đủ đơn hàng cho quý III/2022, đã nhận khoảng hơn 80% đơn hàng cho kế hoạch doanh thu quý IV/2022 và bắt đầu nhận một số đơn hàng cho quý I/2023.

Theo VCBS, TCM vốn là một trong số ít doanh nghiệp có chuỗi giá trị sợi - đan/ dệt  nhuộm – may hoàn thiện, có khả năng cao đáp ứng yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ của các hiệp định FTA hơn so với các doanh nghiệp dệt may khác.

Cụ thể TCM đã tự cung cấp được gần 80% sản lượng sợi cotton dùng để sản xuất, 20% còn lại nhập sợi tổng hợp từ bên ngoài. Đồng thời với yêu cầu xuất xứ từ vải hoặc sợi trở đi khiến cho doanh thu từ mảng vải và may mặc tăng mạnh, lần lượt 29% và 25% svck.

Tháng 4/2022, nhà máy Vĩnh Long giai đoạn 2 với tổng công suất là 9 triệu sản phẩm/năm đã bắt đầu đưa vào hoạt động 5/29 chuyền may đầu tiên. Tuy nhiên, do thiếu hụt sản lượng đơn đặt hàng, nên TCM phải cân đối lại nhân công và máy móc, tính đến tháng 9/2022, doanh nghiệp mới đưa vào sản xuất 9/29 chuyền may và dự kiến duy trì tình trạng đến cuối năm. Do đó, VCBS ước tính tổng công suất tăng thêm của TCM trong năm 2022 chỉ đạt 11%, thấp hơn kỳ vọng 18% tại giai đoạn quý I/2022.

Theo VCBS, TCM vẫn đang tích cực làm việc với các đối tác có kinh nghiệm về bất động sản tại Việt Nam và các cơ quan chức năng để xin giấy phép xây dựng TC1. Dự kiến dự án sẽ khởi công sớm nhất vào cuối năm nay và không muộn hơn quý I năm sau. Theo kế hoạch, dự kiến TCM sẽ đi vay 60 - 70% trên tổng nguồn vốn để hỗ trợ cho dự án.

VCBS tiếp tục đánh giá khả quan đối với kết quả kinh doanh của TCM trong năm tiếp theo và giữ khuyến nghị trung lập cho TCM với giá mục tiêu 45.600 đồng/cổ phiếu.

Từ khoá: MBB, LHG, MB, Long Hậu, TCM, May Thành Công,
Tin mới lên