Tài chính

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (31/5): TPB, VPI và DPG

(VNF) - VCBS đánh giá TPB là ngân hàng trẻ tư nhân năng động, tích cực đổi mới trong sản phẩm và công nghệ. Với nỗ lực chuyển đổi số và tiên phong trong thiết kế sản phẩm, TPB đang đạt được những thành tựu đáng kể.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (31/5): TPB, VPI và DPG

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (31/5): TPB, VPI và DPG

VCBS: Khuyến nghị phù hợp thị trường cho cổ phiếu TPB

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HoSE: TPB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý I đạt 1.623 tỷ đồng (tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái). Tổng thu nhập hoạt động đạt 3.616 tỷ đồng (tăng 29% cùng kỳ), trong đó thu nhập lãi thuần đạt 2.831 tỷ đồng (tăng 25%) và thu nhập ngoài lãi đạt 785 tỷ đồng (tăng 47%), chi phí hoạt động ghi nhận 1.238 tỷ đồng (tăng 25%).

Tuy nhiên, chi phí dự phòng tăng gấp đôi so với cùng kỳ, ghi nhận 755 tỷ đồng khiến tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế giảm so với tốc độ tăng trưởng doanh thu. Tín dụng tăng trưởng 11% so với cuối năm 2021, thuộc tốp cao của hệ thống, trong đó cho vay cá nhân đạt 88.000 tỷ đồng, chiếm gần 60% dư nợ cho vay tại TPB.

NIM giảm so với cùng kỳ năm ngoái, từ 4,7% xuống 4,15%, do chi phí vốn tăng nhẹ. Tỷ lệ nợ xấu đạt 1,14%, tăng mạnh so với cuối năm 2021, tuy nhiên vẫn ở mức thấp hơn cùng kỳ.

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) kỳ vọng tăng trưởng dư nợ của TPB đạt khoảng 18% cho năm 2022, tương đương năm ngoái. Tăng trưởng tín dụng trung bình 3 năm của TPB thời điểm trước dịch đạt 22-25%, tuy nhiên giảm mạnh vào năm 2021. Nguyên nhân là do ngân hàng tập trung nhiều vào phân khúc khách hàng cá nhân trẻ, mà tập khách hàng này thiếu bền vững về mặt thu nhập, do đó dư nợ cho vay bị ảnh hưởng nhiều trong giai đoạn phong tỏa và kinh tế bị đứt gãy do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Chiến lược tập trung vào nhóm khách hàng trẻ giúp tăng trưởng CASA, bệ đỡ duy trì chi phí huy động trong áp lực lãi suất huy động có kì hạn tăng nhẹ. Giai đoạn 2015-2021, TPB chứng kiến CASA tăng trưởng bốn lần, từ gần 7.500 tỷ lên gần 31.000 tỷ đồng. Nhờ sự tập trung trong chuyển đổi số hóa và tiên phong trong thiết kế sản phẩm giao dịch 0 đồng, TPB thu hút chủ yếu nhóm khách hàng cá nhân trẻ, yêu thích trải nghiệm công nghệ và tiết kiệm chi phí giao dịch.

Mặt khác, tiên phong trong phát triển công nghệ số, TPB đưa ra thị trường khoảng 380 điểm giao dịch ngân hàng sống “livebank”, giúp giảm chi phí vật lý (thuê địa điểm giao dịch) và chi phí nhân sự thực hiện các giao dịch như rút/gửi tiền, chuyển tiền qua quầy... Từ đó, tiết giảm chi phí hoạt động cho ngân hàng.

VCBS đánh giá, TPB là ngân hàng trẻ tư nhân năng động, tích cực đổi mới trong sản phẩm và công nghệ. Với nỗ lực chuyển đổi số và tiên phong trong thiết kế sản phẩm, TPB đang đạt được những thành tựu đáng kể. Vì thế, VCBS ước tính TPB có thể đạt 7.969 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2022 (tăng 32% cùng kỳ) và khuyến nghị phù hợp thị trường đối với cổ phiếu TPB với giá trị hợp lý năm 2022 là 32.961 đồng/cổ phiếu, xấp xỉ mức giá đóng cửa phiên 30/5.

KBSV: Khuyến nghị mua VPI, giá mục tiêu 72.000 đồng/cổ phiếu

Kết thúc quý I, Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest (HoSE: VPI) công bố doanh thu đạt 697 tỷ đồng (tăng 416% cùng kỳ năm trước), lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 64 tỷ đồng (tăng 832%). Mức tăng trưởng này đến bàn giao dự án The Terra An Hưng và Grandeur Palace và từ cung cấp dịch vụ cho thuê căn hộ dịch vụ tại dự án Oakwood Residence. Tính đến hết quý 1, VPI đã hoàn thành lần lượt 27% và 15% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2022.

Công ty Chứng khoán KB (KBSV) cho rằng, VPI sẽ duy trì tăng trưởng lợi nhuận đến hết năm 2022 nhờ hoàn thiện và bàn giao dự án The Terra - An Hưng và dự án mới Vlasta Sầm Sơn. KBSVi ước tính dự án Vlasta Sầm Sơn sẽ đem lại hơn 4.200 tỷ đồng doanh thu cho VPI, giúp doanh thu hợp nhất đạt 2.770 tỷ đồng, tăng 6% so với năm cũ; lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 436 tỷ đồng, tăng 25%.

Bước sang năm 2023, công ty chứng khoán này ước tính lợi nhuận của VPI tăng trưởng 37% so với cùng kỳ đạt 598 tỷ đồng.

VPI đã bắt đầu đẩy mạnh tích lũy quỹ đất và phát triển dự án tại các tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang, Cần Thơ. Hiện doanh nghiệp đang sở hữu quỹ đất lên tới 749ha, quỹ đất này sẽ đảm bảo cho kết quả kinh doanh cũng như dòng tiền của doanh nghiệp trong các năm tới. KBSV kỳ vọng giá trị presales từ năm 2023 tăng mạnh đạt 7.380 tỷ đồng khi VPI bắt đầu mở bán các dự án lớn.

Dựa trên triển vọng kinh doanh và kết quả định giá, KBSV đưa ra khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VPI với giá mục tiêu là 72.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 17% so với mức giá ngày 30/5.

Yuanta: Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu DPG

Năm 2022, Công ty Cổ phần Đạt Phương (HoSE: DPG) đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 3.826 tỷ đồng, tăng 50% so với năm trước; lợi nhuận trước thuế 523 tỷ đồng, tăng 4%. Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) cho rằng kế hoạch này khá thận trọng và kỳ vọng kết quả kinh doanh của DPG sẽ tăng trưởng ở cả 3 mảng chính: xây dựng, điện và bất động sản.

Yuanta cho biết, mảng xây dựng dự kiến sẽ hưởng lợi từ xu hướng đầu tư công, tính đến hết quý I DPG đã đạt hơn 500 tỷ đồng giá trị ký mới. Mảng điện cũng dự kiến sẽ có sản lượng điện bán ra tăng trưởng khoảng 10% nhờ nhà máy thủy điện Sơn Trà 1C vào vận hành từ tháng 10/2021.

Ngoài ra, hiện tượng La Nina vẫn có xác suất cao xảy ra đến quý III/2022 nên các nhà máy thủy điện của DPG sẽ hưởng lợi trong năm nay. Đối với mảng bất động sản, doanh thu có thể tăng khoảng 30% so với năm 2021 nhờ bàn giao phần còn lại của dự án Casamina với doanh thu khoảng 300 tỷ đồng và hơn 900 tỷ đồng từ dự án Cồn Tiến.

Quý đầu năm, DPG ghi nhận doanh thu đạt 545 tỷ đồng, tăng 19% cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 169 tỷ, tăng 13%. Như vậy, DPG đã hoàn thành 14% kế hoạch doanh thu và 32% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Trong cơ cấu doanh thu, lĩnh vực xây dựng đã tăng 93% cùng kỳ và bán điện tăng 57%, ngược lại doanh thu từ bất động sản giảm 16% so với quý I/2021. Biên lợi nhuận gộp giảm xuống 47,7% (cùng kỳ 53,1%) chủ yếu do mảng bất động sản.

Trên thị trường, ở mức giá đóng cửa hiện tại, DPG đang được giao dịch tại mức P/E 12 tháng là 9,2 lần (tương ứng EPS là 5.959 đồng). Mức stock rating của DPG ở mức 81 điểm cho thấy đánh giá mức xếp hạng tăng trưởng là tích cực.

Đồ thị giá của DPG đóng cửa tăng 4% và đồ thị giá vượt hoàn toàn đường trung bình 20 phiên với khối lượng giao dịch trên mức trụng bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn và rơi vào vùng quá mua cho nên đồ thị giá có thể sẽ còn xuất hiện các nhịp điều chỉnh.

Ngoài ra, xu hướng ngắn hạn của DPG cũng được nâng lên mức tăng. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét mua ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp dưới 5% và tăng dần tỷ trọng nếu sức mạnh giá trên 80 điểm.

Tin mới lên