Tài chính

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (3/6): VIC, PLX và VJC

(VNF) - Các công ty chứng khoán vừa đưa ra khuyến nghị đối với một số cổ phiếu trước phiên giao dịch ngày 3/6, bao gồm VIC, PLX và VJC.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (3/6): VIC, PLX và VJC

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (3/6): VIC, PLX và VJC

VCSC: Khuyến nghị khả quan dành cho VIC

Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) duy trì khuyến nghị khả quan cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) khi tiếp tục đánh giá cao sự hiện diện mạnh mẽ của Vingroup đối với tầng lớp có thu nhập trung bình cao, đặc biệt thông qua công ty con Vinhomes (HoSE: VHM), Vincom Retail (HoSE: VRE) và Vinpearl.

Bên cạnh đó, VCSC tăng giá mục tiêu của VIC thêm 6% lên 133.000 đồng/cổ phiếu, chủ yếu do tăng định giá cho mảng bán bất động sản, đến từ tỷ lệ WACC (chi phí sử dụng vốn bình quân) thấp hơn và việc cập nhật giá mục tiêu đến giữa năm 2022 và thay đổi trong phương thức định giá cho mảng công nghiệp.

Tuy nhiên, công ty chứng khoán này giảm dự báo lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh năm 2021 của VIC, chủ yếu do tăng khoản lỗ dự phóng cho mảng khách sạn nghỉ dưỡng, trong khi tăng dự báo thu nhập tài chính khi giả định VIC sẽ thoát toàn bộ sở hữu còn lại tại The CrownX trong năm 2021.

Theo đó, VCSC dự báo lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh năm 2021 của VIC đạt 8.600 tỷ đồng (so với 3.300 tỷ đồng lỗ năm 2020) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 4.500 tỷ đồng (giảm 17% so với cùng kỳ và thấp hơn 32% so với dự báo trước đây).

VCSC duy trì kỳ vọng đối với lợi nhuận vững chắc và dòng tiền từ mảng bán bất động sản và mảng cho thuê trong giai đoạn 2021-2023 sẽ bù đắp cho các khoản lỗ từ mảng công nghiệp và mảng khách sạn nghỉ dưỡng.

Công ty chứng khoán này cũng đề cập đến rủi ro của VIC, bao gồm doanh số ô tô thấp hơn dự kiến; chu kỳ giảm của thị trường bán bất động; các hạn chế kéo dài đối với hoạt động bán lẻ/nghỉ dưỡng do dịch Covid-19 tái bùng phát.

SSI: Khuyến nghị khả quan PLX với giá mục tiêu 1 năm là 67.000 đồng/cổ phiếu

Công ty Chứng khoán SSI nhận định, quý I vừa qua, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, HoSE: PLX) đạt sự tăng trưởng sản lượng đáng khích lệ, nhờ thắt chặt kiểm soát buôn lậu xăng dầu. Theo đó, doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận trước thuế khá tích cực với 1.013 tỷ đồng, đối lập so với khoản lỗ 1.702 tỷ đồng trong quý I/2020.

Hơn nữa, kết quả lạc quan này bất chấp dịch bệnh Covid-19 đã diễn ra phức tạp trong tháng 1. Tại quý đầu năm, tăng trưởng sản lượng trong nước của PLX duy trì tích cực 4,7% so với cùng kỳ, đạt 2,27 triệu m3, trong đó sản lượng trong nước đạt 1,4 triệu m3, tăng 6,6% so với cùng kỳ và hoàn thành hơn 25% kế hoạch năm. Lưu ý rằng, kênh bán lẻ chiếm khoảng 55-60% sản lượng tiêu thụ của PLX, nhưng đóng góp khoảng 80% lợi nhuận.

Theo SSI, thậm chí đà tăng tốc của PLX kéo dài đến nửa đầu quý II nhờ Chính phủ thắt chặt việc kiểm soát xăng dầu lậu, đặc biệt ở khu vực miền Nam. Ban lãnh đạo PLX cho biết, sản lượng tiêu thụ trong tháng 4 tăng đáng kể 28% so với cùng kỳ so với mức cơ sở thấp và tăng 13-14% so với mức trung bình tháng thông thường. Dự kiến sản lượng nửa đầu tháng 5 còn có thể tốt hơn nữa.

Dựa trên tăng trưởng sản lượng quý II tốt hơn ước tính, SSI điều chỉnh dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2021 từ 5.070 tỷ đồng lên 5.150 tỷ đồng (tăng 268% so với cùng kỳ).

Trên thị trường, ở mức giá hiện tại, PLX đang giao dịch tại P/E dự phóng 2020 và 2021 là 19,2 lần và 16,9 lần. SSI duy trì khuyến nghị khả quan và giá mục tiêu 1 năm không đổi là 67.000 đồng/cổ phiếu dựa trên P/E 1 năm là 22 lần, phù hợp với các doanh nghiệp trong khu vực.

Đặc biệt, ngoài lợi nhuận phục hồi, việc thoái vốn ngoài ngành và bán cổ phiếu quỹ cũng là yếu tố hỗ trợ cho giá cổ phiếu PLX trong thời gian tới.

VCSC: Khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho VJC

Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) điều chỉnh giảm giá mục tiêu của Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (HoSE: VJC) xuống 17% còn 113.200 đồng/cổ phiếu và duy trì khuyến nghị phù hợp thị trường cho mã cổ phiếu này.

VCSC cho biết, giá mục tiêu thấp hơn là do điều chỉnh giảm lần lượt 121%/10% dự báo lợi nhuận sau thuế các năm 2021/2022 đối với mảng vận tải (không bao gồm lãi từ bán máy bay) xuống còn lỗ 188 tỷ đồng và 1.900 tỷ đồng trong hai năm kể trên.

Tác động tiêu cực của việc giảm dự báo lợi nhuận sau thuế của mảng này được bù đắp một phần nhờ cập nhật mô hình định giá mục tiêu của VCSC đến giữa năm 2022 (so với cuối năm 2021 trước đây) và giảm chi phí vốn chủ sở hữu từ 11,5% xuống 10,7%.

Năm 2021, VCSC dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số báo cáo của VJC là 73 tỷ đồng. Loại trừ thu nhập tài chính dự báo là 2.400 tỷ đồng (chủ yếu đến từ các khoản đầu tư ngoài hàng không) và lãi từ bán máy bay, VCSC dự báo lợi nhuận sau thuế cốt lõi của VJC ở mức âm 2.000 tỷ đồng, gần bằng khoản lỗ cốt lõi trong năm 2020.

Công ty chứng khoán này thay đổi giả định về các chuyến bay quốc tế sẽ được thực hiện trở lại vào quý IV/2021 so với quý III/2021 như trước đây. Mặt khác, trong giai đoạn 2022-2031, VCSC cũng điều chỉnh giảm 18% dự báo tổng lợi nhuận sau thuế báo cáo của VJC, chủ yếu là do dự báo phục hồi kéo dài hơn đối với mảng vận tải quốc tế.

VCSC tin rằng ngành hàng không của Việt Nam sẽ phục hồi như đã thể hiện với đà phục hồi mạnh mẽ sau những đợt dịch bệnh và những cú shock kinh tế trong quá khứ. Tuy nhiên, VCSC cũng cho rằng diễn biến phục hồi có thể mất nhiều thời gian hơn trước đây do các diễn biến không đồng đều của dịch Covid-19 trên toàn cầu.

Tin mới lên