Tài chính

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (5/12): BCM, CTG và VCB

(VNF) - KBSV kỳ vọng VCB Ngân hàng Nhà nước đánh giá cao, và ưu tiên cấp room tín dụng ở mức cao cho năm 2023, nhờ chất lượng tài sản tốt, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp ở mức thấp; tham gia tiếp nhận chuyển giao một tổ chức tín dụng yếu kém; cung cấp các gói hỗ trợ theo yêu cầu của Chính phủ.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (5/12): BCM, CTG và VCB

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (5/12): BCM, CTG và VCB

BCM: SSI khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 88.700 đồng/cổ phiếu

Lợi nhuận quý III/2022 của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (HoSE: BCM) tăng trưởng mạnh từ mức nền thấp cùng kỳ. Doanh thu đạt 2,3 nghìn tỷ đồng (hay 95,1 triệu USD) (tăng 156% so với cùng kỳ). Trong đó, doanh thu từ bất động sản (khu dân cư và khu công nghiệp) tăng 1,94 lần lên 1,8 nghìn tỷ đồng (hay 77,4 triệu USD) do nhu cầu thuê đất tại các khu công nghiệp đang phục hồi – diện tích đất cho thuê đạt 35ha (tăng 75% so với cùng kỳ), và ghi nhận doanh thu bán nhà ở tại khu tái định cư.

Tỷ suất lợi nhuận gộp đạt 29,6% (giảm 46,2% so với cùng kỳ), do tỷ suất lợi nhuận gộp của dự án tái định cư thấp hơn t lợi nhuận gộp biên của dự án Thành phố mới Bình Dương. Tỷ suất lợi nhuận mảng dịch vụ (cung cấp điện nước tại các khu công nghiệp BCM) đạt 52% (tăng 24,4% so với cùng kỳ), do không còn hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid vào quý III/2021.

Chi phí lãi vay giảm 14% so với cùng kỳ do công ty giảm dư nợ dài hạn 1,5 nghìn tỷ đồng (hay 63 triệu USD) chủ yếu do dư nợ trái phiếu dài hạn giảm từ 10,4 nghìn tỷ đồng xuống 8,9 nghìn tỷ đồng. Chi phí hỗ trợ phòng chống Covid-19 giảm mạnh, từ 94 tỷ đồng trong quý III/2021 xuống còn 580 triệu đồng trong quý III/2022.

Lợi nhuận ròng đạt 259 tỷ đồng (tăng 4,18 lần so với cùng kỳ) trong quý III/2022. Công ty có 1,2 nghìn tỷ đồng (hay 50,6 triệu USD) trái phiếu dài hạn sẽ đến hạn hoàn trả vào năm 2022 và 8,9 nghìn tỷ đồng (hay 374 triệu USD) trái phiếu dài hạn (giảm 14,2% so với cùng kỳ). Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu (D/E) là 0,82 lần.

Trong quý IV/2022, Công ty Chứng khoán SSI ước tính doanh thu sẽ đạt 3,6 nghìn tỷ đồng (hay 151 triệu USD) (tăng 19% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 953 tỷ đồng (tăng 1,88 lần so với cùng kỳ).

Trong đó, doanh thu từ bất động sản (nhà ở và khu công nghiệp) ước tính đạt 2,8 nghìn tỷ đồng (117 triệu USD) (tăng 5% so với cùng kỳ), chủ yếu nhờ một phần doanh thu từ việc bán đất nền tại thành phố mới Bình Dương cho CapitaLand (diện tích 18,9ha, giá trị 242 triệu USD) và Khu tái định cư Bàu Bàng.

Đồng thời, doanh thu khu công nghiệp đạt 968 tỷ đồng (hay 40,6 triệu USD) (tăng 17% so với cùng kỳ) từ khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng với 33,4ha đất từ các nhà đầu tư đã ký MOU trước đó, với giá thuê đạt 125 USD/m2/kỳ (tăng 5% so với cùng kỳ). Biên lợi nhuận gộp dự kiến đạt 53% (tăng 5% so với cùng kỳ) do giá đất và giá thuê khu công nghiệp tăng.

SSI dự báo lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết của BCM ước đạt 510 tỷ đồng (hay 21,4 triệu USD) (tăng 26% so với cùng kỳ). Trong đó, SSI dự báo lợi nhuận ròng của VSIP tăng trưởng 20% so với cùng kỳ nhờ việc chuyển nhượng 44 ha đất cho Lego trong quý III/2022.

Đồng thời, BWE (công ty hoạt động trong lĩnh vực cung cấp nước sạch tại tỉnh Bình Dương, trong đó BCM sở hữu 19,44%) sẽ trả cổ tức 45 tỷ đồng vào tháng 12/2022. SSI ước tính nợ dài hạn sẽ giảm xuống mức 8,3 nghìn tỷ đồng (hay 348,7 triệu USD) (giảm 27% so với cùng kỳ) vào cuối năm 2022, do dòng tiền dương từ doanh thu bán đất tại thành phố mới Bình Dương và cho thuê từ khu công nghiệp.

SSI cho rằng lợi nhuận sau thế trong năm 2023 của BCM dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng hai con số do tính thanh khoản tại thành phố mới Bình Dương đã được cải thiện, với lợi thế pháp lý rõ ràng và diện tích lô đất lớn cùng với nhu cầu thị trường chung tăng cao. Theo BCM, tháng 12/2022 công ty sẽ ghi nhận hợp đồng mới tại thành phố mới Bình Dương.

Năm 2023, SSI ước tính doanh thu đạt 9,8 nghìn tỷ đồng (hay 411,7 triệu USD) (tăng 5,2% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 3 nghìn tỷ đồng (tăng 21,9% so với cùng kỳ) tương đương với EPS là 2.822 đồng. Trong đó, doanh thu khu công nghiệp ước đạt 3,1 nghìn tỷ đồng (hay 130,2 triệu USD) (tăng 38% so với cùng kỳ, chiếm 30,6% tổng doanh thu) với giá thuê tăng 5% so với cùng kỳ.

Diện tích đất cho thuê ước đạt 151ha (tăng 22,8% so với cùng kỳ) do nhu cầu thuê đất tiếp tục tăng với dự báo Bình Dương là một trong những tỉnh nhận vốn FDI lớn nhất cả nước; và khu công nghiệp Cây Trường sẽ bắt đầu cho thuê đất từ cuối quý I/2023.

Ngoài ra, doanh thu từ thành phố mới Bình Dương ước đạt 3,6 nghìn tỷ đồng (hay 151 triệu USD) (giảm 12% so với cùng kỳ) với diện tích cho thuê đạt 11,3ha – thấp hơn mức 13,6ha trong năm 2022 – ước tính dựa trên diện tích đất hiện đang được đàm phán trong quý IV/2022.

Chi phí lãi vay ước tính khoảng 1,1 nghìn tỷ đồng (giảm 19% so với cùng kỳ) do giảm (23% so với cùng kỳ) các khoản vay ngắn hạn và dài hạn, đồng thời ghi nhận dòng tiền dương từ bán bất động sản tại thành phố mới Bình Dương và cho thuê đất tại khu công nghiệp.

CTG: MBS khuyến nghị mua với giá mục tiêu 38.200 đồng/cổ phiếu

Trong quý III/2022, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, HoSE: CTG) ghi nhận tổng thu nhập hoạt động (TOI) hợp nhất đạt 17.324 tỷ đồng (tăng 41,4% so với cùng kỳ), trong đó thu nhập lãi thuần (NII) và thu nhập thuần ngoài lãi (NOI) đạt lần lượt 12.923 tỷ đồng (tăng 30,9% so với cùng kỳ) và 4.401 tỷ đồng (tăng 84,6% so với cùng kỳ). Chi phí trích lập dự phòng trong kỳ đạt hơn 8.320 tỷ đồng (tăng 50% so với cùng kỳ). Chi phí hoạt động đạt 4,846 tỷ đồng (tăng 32,9% so với cùng kỳ) giúp tỷ lệ CIR được cải thiện xuống mức 28% so với mức 32.3% của cả năm 2021 và 29.8% trong quý III/2021.

Luỹ kế 9 tháng năm 2022, TOI hợp nhất đạt 47.335 tỷ đồng (tăng 20,6% so với cùng kỳ), trong đó NII và NOI tăng trưởng lần lượt tăng 11,8% so với cùng kỳ và tăng 55,7% so với cùng kỳ. Thu nhập thuần ngoài lãi tăng mạnh nhờ hoạt động xử lý nợ được đẩy mạnh giúp ngân hàng thu về hơn 4.341 tỷ đồng cùng với hoạt động kinh doanh ngoại hối được đẩy mạnh (tăng 80,1% so với cùng kỳ).

Chi phí hoạt động trong 9 tháng năm 2022 đạt 12.940 tỷ đồng (tăng 14% so với cùng kỳ). Tỷ lệ CIR trong so với cùng kỳ đạt 27.3%, giảm 160 điểm cơ bản so với 9 tháng 2021. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong kỳ đạt 18.630 tỷ đồng (tăng 33% so với cùng kỳ), cho thấy CTG tiếp tục chính sách trích lập chủ đồng nhằm đảm bảo chất lượng tài sản ở mức an toàn.

Danh mục cho vay của CTG chuyển sang nhóm bán lẻ và SME với lợi suất cao. Mảng cho vay SME và cho vay khách hàng cá nhân (KHCN) có sự tăng trưởng vượt trội so với mảng khách hàng doanh nghiệp (KHDN) khi đạt tỷ lệ tăng trưởng lần lượt 10,7% và 25,8% so với thời điểm đầu năm. Hiện tại tỷ trọng của 2 mảng cho vay này chiếm khoảng 63,8% tổng dư nợ cho vay của CTG, cao hơn so với mức chỉ 57,6% tại cuối quý III/2021 và 59,3% tại cuối năm 2021.

Theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), mảng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của CTG được kiểm soát cẩn trọng. Tại cuối quý III/2022, danh mục TPDN của CTG đạt khoảng 12.642 tỷ đồng (tăng 17,2% so với thời điểm đầu năm). Tỷ trọng TPDN trong tổng dư nợ đạt 1%, tương đương tại cuối quý II/2022 và tăng nhẹ so với cuối năm 2021. Kể từ quý I/2019, danh mục TPDN của CTG đã giảm 2/3 từ mức hơn 36.7 nghìn tỷ đồng (chiếm 4.1% tổng dư nợ).

Theo MBS, thu nhập ngoài lãi của CTG là một điểm sáng. Trong bối cảnh thanh khoản toàn thị trường tiếp tục căng thẳng trong những quý tiếp theo, thu nhập ngoài lãi (NOI) sẽ là một hướng tiếp cận được các ngân hàng thương mại tập trung nhằm duy trì đà tăng trưởng của TOI cũng như gia tăng ROE. Luỹ kế so với cùng kỳ, NOI hợp nhất của CTG đạt 12,253 tỷ đồng (tăng 55.7% so với cùng kỳ).

MBS cho rằng hiệu quả hoạt động của CTG tiếp tục được cải thiện đáng kể. CIR hợp nhất của CTG đã có sự cải thiện đáng kể từ năm 2018 đến nay. Trong năm 2018, tỷ lệ này là 49,5%, một trong những ngân hàng có tỷ lệ CIR cao nhất toàn ngành thì trong so với cùng kỳ con số này chỉ là 27,3%, nằm trong nhóm thấp nhất toàn ngành (chỉ cao hơn SHB và VPB).

Chất lượng tài sản của CTG được nâng cao và vẫn duy trì chính sách trích lập chủ động. Điểm nhấn trong việc quản trị rủi ro của CTG đến từ chính sách trích lập dự phòng rất chủ động trong bối cảnh tỷ lệ nợ dưới chuẩn của ngân hàng vẫn đang trong xu hướng gia tăng. Tại cuối quý III/2021, tỷ lệ LLR của CTG đạt 118,6% khi nợ dưới chuẩn của CTG đạt 2,12%; tỷ lệ này đã tăng lên mức 222,4% tại cuối quý III/2022 (đứng thứ 2 toàn ngành, chỉ sau VCB) khi tỷ lệ nợ dưới chuẩn của CTG đạt 3,22%.

Trong năm 2022, MBS kỳ vọng CTG sẽ đạt TOI hợp nhất 57.327 tỷ đồng (tăng 7,8% so với cùng kỳ), trong đó NII và NOI lần lượt chiếm tỷ trọng 77% và 23%. Với kỳ vọng tỷ lệ CIR hợp nhất cả năm 2022 đạt 28%, chi phí hoạt động được dự báo sẽ ở mức 16.051 tỷ đồng (giảm 6,6% so với cùng kỳ).

Chi phí trích lập DPRRTD được kỳ vọng sẽ đạt 20,928 tỷ đồng (tăng 13.9% so với cùng kỳ) với kỳ vọng CTG sẽ tiếp tục duy trì tỷ lệ dự phòng/dư nợ cho vay ở mức 1.8%. Từ đó, LNTT hợp nhất của CTG trong năm 2022 được dự báo sẽ đạt 20,347 tỷ đồng (tăng 15.7% so với cùng kỳ), hoàn thành 100% kế hoạch đề ra.

Trong năm 2023, MBS kỳ vọng CTG sẽ có được hạn mức tăng trưởng tương đương với năm 2022 vì hiện tại mức này tương đối hợp lý đối với hầu hết các ngân hàng thương mại nhằm thực hiện chính sách tiền tệ không quá nới lỏng của Ngân hàng Nhà nước đồng thời phù hợp với những nỗ lực nâng cao chất lượng tài sản của CTG.

Lợi nhuận trước thuế trong năm 2023 của CTG được dự báo ở mức 23.152 tỷ đồng (tăng 13,8% so với cùng kỳ). MBS định giá cổ phiếu CTG với mức giá mục tiêu 38.200 đồng/cổ phiếu theo 2 phương pháp: thu nhập thặng dư (Residual Income-RI) và so sánh P/B toàn ngành.

VCB: KBSV khuyến nghị nắm giữ với giá mục tiêu 89.400 đồng/cổ phiếu

Quý III/2022, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (HoSE: VCB) có kết quả kinh doanh khả quan với thu nhập lãi thuần đạt 22.569 tỷ đồng, tăng 27,9% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó thu nhập ngoài lãi đạt 3.050 tỷ đồng, tăng mạnh 8%, giúp TOI đạt 16.714 tỷ đồng, tăng 26,1%so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 6.069 tỷ đồng, tăng trưởng 32% so với mức nền thấp của quý III/2021. Lũy kế 9 tháng năm 2022, lợi nhuận sau thuế đạt 19.979 tỷ đồng tăng 29,1%.

NIM quý III/2022 nới rộng, đạt 3,4% tăng nhẹ 6 điểm cơ bản so với quý trước nhờ tận dụng tốt chí phí vốn thấp. Cụ thể, lãi suất đầu vào bình quân đạt 2,3% chỉ tăng nhẹ 15 điểm cơ bản so với quý trước nhờ tỷ lệ CASA đạt 34,9%, tuy giảm 50 điểm cơ bản so với quý trước nhưng vẫn duy trì cao hơn mức trung bình 33% của năm 2021.

Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ quý III/2022 đạt 1.102 tỷ đồng (tăng 58,7% so với quý trước, giảm 2% so với cùng kỳ). VCB đang áp dụng chính sách không thu phí nên lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đi ngang so với cùng kỳ; VCB vẫn duy trì được lợi thế trên thị trường ngoại hối với lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối quý III/2022 đạt 1.587 tỷ đồng, tăng 35,3% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, NOII đạt 10.983 tỷ đồng tăng nhẹ 7,3% so với cùng kỳ.

Tỷ lệ nợ xấu tính tới cuối quý III/2022 đạt 0,8% tăng 19 điểm cơ bản so với quý trước và giảm 37 điểm cơ bản so với cùng kỳ. VCB tiếp tục đẩy mạnh trích lập dự phòng nợ xấu trong quý III/2022 với tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 411%. 9 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng đạt 17,4% so với thời điểm đầu năm. Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết VCB vẫn còn 1,2% hạn mức tín dụng chưa sử dụng tới sau 2 lần được Ngân hàng Nhà nước cấp thêm hạn mức.

KBSV kỳ vọng VCB sẽ được Ngân hàng Nhà nước đánh giá cao, và ưu tiên cấp room tín dụng ở mức cao cho năm 2023, nhờ chất lượng tài sản tốt, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp ở mức thấp; tham gia tiếp nhận chuyển giao một tổ chức tín dụng yếu kém; cung cấp các gói hỗ trợ theo yêu cầu của Chính phủ.

KBSV điều chỉnh tăng dự phóng tăng trưởng tín dụng từ 18% lên 18,6% trong năm 2022, do VCB mới được Ngân hàng Nhà nước cấp thêm hạn mức tín dụng vào tháng 10. KBSV giảm dự phóng NIM của VCB từ 3,35% xuống còn 3,29%, với kì vọng CASA của VCB vẫn duy trì ở mức cao, nhưng VCB phải chịu mặt bằng chi phí đầu vào tăng khi thanh khoản hệ thống không còn dồi dào như trong năm 2021 và VCB đã thông báo sẽ cắt giảm lãi suất cho vay lên tới 1% đối với nhiều khoản vay khác nhau, ngoại trừ bất động sản, chứng khoán, cầm cố giấy tờ có giá,… trong tháng 11 và 12/2022.

Thu nhập ngoài lãi năm 2022 dự báo chỉ tăng nhẹ 14,3% so với cùng kỳ nhờ duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu bancasurance cùng với lợi thế ở mảng giao dịch ngoại hối. Năm 2022, NPL dự báo duy trì ở mức 1% nhờ chất lượng tài sản tốt cùng với bộ đệm dự phòng lớn để xử lý nợ xấu.

Chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng dự kiến sẽ tăng nhẹ so với năm 2021, đạt 12.487 tỷ đồng phản ánh VCB thận trọng trong việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng hơn trước những biến động gần đây trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp. KBSV dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2022 của VCB đạt 26.610 tỷ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ.

Cho năm 2023, KBSV dự phóng lợi nhuận sau thuế đạt 31.173 tỷ đồng, tăng 17,1% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng dự báo đạt 15%, NIM dự báo giảm 13 điểm cơ bản so với cùng kỳ do áp lực tăng lãi suất huy động để kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá, và VCB có các chính sách hỗ trợ lãi suất theo yêu cầu của Chính Phủ.

Chi phí trích lập dự phòng dự kiến duy trì ở mức cao tương tự năm 2022 , đạt 12.187 tỷ đồng phản ánh quan điểm thận trọng về chất lượng tài sản liên quan đến ngành bất động sản và trái phiếu.

Dựa trên kết quả định giá, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các yếu tố rủi ro có thể phát sinh, KBSV khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu VCB. Giá mục tiêu là 89.400 đồng/cổ phiếu.

 

Tin mới lên