Tài chính

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (8/3): STK, CTR và NKG

(VNF) - Các công ty chứng khoán vừa đưa ra khuyến nghị đối với một số cổ phiếu trước phiên giao dịch ngày 8/3, bao gồm: STK, CTR và NKG.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (8/3): STK, CTR và NKG

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (8/3): STK, CTR và NKG

SSI: Khuyến nghị khả quan STK, giá mục tiêu 1 năm là 33.900 đồng/cổ phiếu

Công ty Chứng khoán SSI (SSI) cho biết, gần đây Công ty Cổ phần Sợi Thế kỷ (HoSE: STK) đã tổ chức một cuộc họp với các chuyên viên phân tích để cập nhật về kết quả kinh doanh năm 2020 cũng như kế hoạch trung hạn của công ty về việc mở rộng công suất hoạt động.

Tại cuộc họp, ban lãnh đạo STK đã tái khẳng định khả năng gia tăng tỷ trọng sợi tái chế lên ít nhất 50% trong tổng doanh thu trong năm 2021 (năm 2020 là 44%) và lên 100% tổng doanh thu của doanh nghiệp vào năm 2025, sẽ thúc đẩy đáng kể tỷ suất lợi nhuận gộp và lợi nhuận tổng thể trong những năm tới.

Phía SSI đánh giá tích cực đối với kế hoạch này, với điều kiện kế hoạch mở rộng công suất hoạt động của doanh nghiệp thành hiện thực. Hiện nay, nhu cầu sợi tái chế kỳ vọng tiếp tục gia tăng do các thương hiệu quần áo thể thao lớn cam kết tăng cường sử dụng nguyên liệu tái chế trong giai đoạn 2021-2030.

Trong khi cạnh tranh trong phân khúc này là một yếu tố cần xem xét, các đối thủ cạnh tranh sẽ mất thời gian để tìm hiểu các vấn đề kỹ thuật, chứng minh chất lượng sản phẩm và thiết lập mối quan hệ với cả nhà cung cấp hạt nhựa tái chế và khách hàng.

Nói cách khác, STK có lợi thế vượt trội đáng kể so với các đối thủ cạnh tranh.

SSI cho rằng STK xứng đáng được đánh giá lại nhờ kết quả kinh doanh cơ bản trong năm 2020 và triển vọng tích cực như đề cập ở trên.

Do đó, công ty chứng khoán này đã nâng hệ số P/E mục tiêu từ 7x lên 9x để đạt mức giá mục tiêu 1 năm là 33.900 đồng/cổ phiếu (tăng 15,7% so với giá hiện tại) dựa trên EPS bình quân năm 2021F và 2022F và lặp lại khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu STK.

VCSC: Duy trì khuyến nghị khả quan cho CTR, nâng giá mục tiêu lên 105.400 đồng/cổ phiếu

Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) vừa duy trì khuyến nghị khả quan cho Tổng công ty Cổ phần Công trình Viettel (UPCoM: CTR). Khuyến nghị này dựa trên quan điểm tích cực dành cho khả năng của CTR trong việc tận dụng đà tăng trưởng tiêu thụ dữ liệu di động ngày càng tăng của Việt Nam, đặc biệt với sự tham gia vào mảng cho thuê hạ tầng (towerco) hấp dẫn.

Bên cạnh đó, VCSC tăng giá mục tiêu thêm 9% (từ 96.400 đồng lên 105.400 đồng/cổ phiếu) trong khi tăng dự báo EBITDA giai đoạn 2021-2023 thêm tổng cộng 6% do kết quả kinh doanh quý IV/2020 vượt kỳ vọng của VCSC cho phần lớn các mảng kinh doanh - đặc biệt đối với biên EBITDA của mảng towerco và doanh thu của mảng tích hợp hệ thống.

VCSC dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EBITDA đạt 34% trong giai đoạn 2020-2023, dẫn dắt bởi CAGR mảng towerco đạt 133% khi dự phóng CTR sẽ mở rộng số lượng trạm viễn thông của công ty từ 1.500 vào cuối năm 2020 lên 6.000 vào cuối năm 2023.

Thêm vào đó, công ty chứng khoán cũng đưa ra dự báo mảng towerco sẽ gia tăng đóng góp EBITDA từ 10% trong năm 2020 lên 50% trong năm 2023.

Việc điều chỉnh nâng giá mục tiêu của VCSC dựa theo định giá chiết khấu dòng tiền DCF và EV/EBITDA mục tiêu là 16 lần đối với mảng towerco (cao hơn 10% so với mức trung bình 5 năm của các công ty towerco tại Châu Á mới nổi) và 7-9 lần đối với các mảng kinh doanh khác.

Một trong những yếu tố hỗ trợ cho khuyến nghị này là việc hiện thực hóa kế hoạch của Tập đoàn Viettel (Viettel – công ty mẹ của CTR) chuyển giao 10.000 trong số 40.000 trạm viễn thông hiện có sang CTR trong giai đoạn 2021-2025 và triển khai 5G nhanh chóng thúc đẩy nhu cầu small cell.

Tuy nhiên, ngược lại khuyến nghị này cũng có một số rủi ro nhất định, bao gồm việc tăng trưởng tiêu thụ dữ liệu di động chậm; Viettel ưu tiên tự sở hữu trạm viễn thông thay vì thuê ngoài từ CTR; các nhà khai thác mạng di động khác không muốn chia sẻ trạm viễn thông.

MBS: Khuyến nghị mua NKG với giá mục tiêu 1 năm là 25.100 đồng/cổ phiếu

Công ty Chứng khoán MB (MBS) khuyến nghị mua cổ phiếu NKG của Công ty Cổ phần Thép Nam Kim với giá mục tiêu 1 năm là 25.100 đồng/cổ phiếu. Mức giá này dựa trên phương pháp chiết khấu dòng tiền FCFF, với WACC là 10,9% và tăng trưởng dài hạn là 1%, tương đương P/B kì vọng là 1,2x.

MBS nhận định, NKG được hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công giúp cho mức độ tiêu thụ thép toàn thị trường quay lại tăng trưởng dương (năm 2020 tăng 4,9%; năm 2019 giảm 2,1%, tính riêng tôn mạ và ống thép).

Trong năm 2020, NKG ghi nhận sản lượng bán tăng 3,7% so với năm 2019 (giảm 8,9%) bất chấp giá nguyên vật liệu đầu vào biến động tiêu cực.

Bên cạnh đó, NKG có hoạt động xuất khẩu ổn định, chiếm khoảng 40 - 50% sản lượng thép bán ra thị trường, trong đó 50% đơn hàng xuất khẩu đi thị trường châu Âu, được coi là thị trường khó tính, thường nhập số lượng lớn, nhiều yêu cầu nhưng giá cả tốt.

So với các doanh nghiệp thép có cùng quy mô làm POM và TIS, NKG đã thành công vượt qua những ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19 và duy trì thị phần ổn định tầm 3%. Cả năm 2020, NKG ghi nhận 11.560 tỷ đồng doanh thu và 295 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, hoàn thành 96,3% và 147% kế hoạch đề ra đầu năm.

Tuy ghi nhận lãi hoạt động ấn tượng cùng các biên lợi nhuận cải thiện, MBS nhận thấy giá bán thép 3 năm qua của NKG giảm đáng kể (năm 2019 giảm 10%; năm 2020 giảm 8%). Tuy nhiên với động thái tăng giá gần đây của 2 doanh nghiệp đầu ngành là HPG và HSG, MBS vẫn kỳ vọng giá bán ra của NKG sẽ tăng 15% trong năm.

Bên cạnh đó, hoạt động mở rộng kho bãi gần đây cho phép doanh nghiệp có thể tích trữ hàng hóa nhiều hơn trong các điều kiện diễn biến giá phức tạp. Cùng với đòn bẩy giảm dần, MBS cho rằng vị thế của NKG hiện tại tốt hơn các năm trước và có thể gia tăng biên lợi nhuận trong các năm tới.

MBS dự phóng năm 2021, NKG sẽ ghi nhận 15.454 tỷ doanh thu và 670 tỷ lợi nhuận sau thuế nhờ tăng sản lượng tiêu thụ cùng với tăng giá bán. Hiện tại, sản lượng sản xuất của NKG mới đạt 70% công suất thiết kế. Do đó MBS nâng dự phóng năm 2021 - 2022, sản lượng tiêu thụ của NKG sẽ lần lượt tăng 16% và 10% trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công và đón làn sóng FDI do chuyển dịch chuỗi cung ứng về Việt Nam.

Sau 2 năm liên tiếp giảm giá bán, với tình hình thiếu nguyên liệu thép trong nước cũng như kì vọng phục hồi nhu cầu tiêu thụ thép quốc tế khi dịch Covid-19 được kiểm soát, MBS kì vọng giá bán sẽ tăng lần lượt 15% và 3% trong 2 năm tới.

Tin mới lên