Tài chính

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (8/8): VND, SZC và VPB

(VNF) - Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VND, và cho rằng sự dịch chuyển từ cho vay ký quỹ sang tự doanh của VND trong quý II cho thấy tiềm năng khi thị trường được kỳ vọng sẽ phục hồi vào nửa cuối năm. Thời điểm hiện tại, thị trường thực sự đã bắt đầu bước vào xu hướng tăng.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (8/8): VND, SZC và VPB

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (8/8): VND, SZC và VPB

Yuanta: Khuyến nghị mua VND với giá mục tiêu 26.500 đồng/cổ phiếu

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) cho biết, trong quý II, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect (HoSE: VND) ghi nhận lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 421 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng giảm mạnh 40% so với quý liền kề.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của VND đạt 1.216 tỷ đồng, tăng 28% cùng kỳ. Với kết quả này, VND đã hoàn thành 41% dự báo lợi nhuận cả năm của Yuanta, và trong bối cảnh thị trường được kỳ vọng phục hồi vào 6 tháng cuối năm có thể VND sẽ được hưởng lợi.

Hết quý II, thu nhập từ nghiệp vụ môi giới đạt 138 tỷ đồng, tăng 13% cùng kỳ, trong khi đó doanh thu từ phí môi giới là 330 tỷ đồng (giảm 11% cùng kỳ). Yuanta ước tính phí môi giới gộp của VND đạt 16 điểm cơ bản trong quý II (tăng 1 điểm so với cùng kỳ), phí môi giới ròng ước tính là 6 điểm cơ bản (tăng 1 điểm cùng kỳ).

Các số liệu trên được ước tính theo giá trị giao dịch trong quý II và thị phần của VND trên HSX (8%), HNX, (10%), và UPCoM (10,5%). Những con số thị phần này cho thấy VND tập trung phát triển mảng khách hàng cá nhân nhiều hơn so với các công ty chứng khoán khác thuộc danh sách khuyến nghị của Yuanta.

VND ghi nhận lỗ tự doanh 6 tỷ đồng. Lãi ròng quý II là 278 tỷ đồng, tăng 207% so với cùng kỳ, về cơ bản đã đủ bù đắp cho khoản lỗ chưa ghi nhận là 284 tỷ đồng. Các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) tăng mạnh, đạt 21.200 tỷ đồng (tăng 11 lần cùng kỳ), tương đương chiếm 48% tổng tài sản, đây là mức tỷ lệ cao nhất kể từ quý I/2017.

Trong khi đó, lãi từ cho vay ký quỹ  tăng mạnh 73% cùng kỳ và đạt 423 tỷ đồng, đây là khoản mục có đóng góp lớn nhất vào lợi nhuận quý II. Dư nợ cho vay ký quỹ đạt 11.700 tỷ đồng, tăng 25% cùng kỳ, chiếm 26% tổng tài sản. Dựa trên bình quân dư nợ ký quỹ cuối kỳ, Yuanta ước tính lãi suất cho vay trung bình quý II đạt 11,8%, thấp hơn 50 điểm cơ bản so với cùng kỳ.

Yuanta duy trì khuyến nghị mua đối với VND, giá mục tiêu 12 tháng là 26.500 đồng/cổ phiếu, cao hơn 20% thị giá hiện nay. Công ty chứng khoán này cho rằng sự dịch chuyển từ cho vay ký quỹ sang tự doanh của VND trong quý II cho thấy tiềm năng khi thị trường được kỳ vọng sẽ phục hồi vào nửa cuối năm (thị trường thực sự đã bắt đầu bước vào xu hướng tăng).

MASVN: Khuyến nghị tăng tỷ trọng cho cổ phiếu SZC

Kết thúc 6 tháng đầu năm, Công ty Cổ phần Sonadezi Châu Đức (HoSE: SZC) ghi nhận doanh thu đạt 540 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, SZC chứng kiến biên lãi gộp giảm mạnh từ mức 64% xuống còn 36%, dẫn tới lợi nhuận gộp giảm 25% cùng kỳ.

Đây cũng là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận sau thuế của SZC giảm 28% cùng kỳ, chỉ còn gần 137 tỷ đồng. Biên lãi gộp giảm là do doanh nghiệp trong kỳ ghi nhận phần lớn doanh thu bán sỉ khu công nghiệp (340 tỷ đồng).

Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) cho biết, trong tháng 5/2022, SZC đã thông qua kế hoạch mua bán nhà ở hình thành trong tương lai. Theo đó, doanh nghiệp dự kiến ký hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai dự án dân cư Sonadezi Hữu Phước (Hữu Phước) với người nội bộ và các bên liên quan gồm Trưởng Ban kiểm soát kiêm Trưởng Ban kiểm toán nội bộ; người liên quan thành viên độc lập HĐQT và người liên quan của Phó tổng giám đốc kiêm người được uỷ quyền công bố thông tin.

Trong báo cáo tài chính nửa đầu 2022, SZC vẫn chưa phát sinh doanh thu từ dự án Hữu Phước. MASVN kỳ vọng dự án sẽ được mở bán và hạch toán doanh thu giai đoạn 1 trong nửa cuối năm, tuy nhiên trong lần mở bán này mức đóng góp doanh thu từ các hợp đồng nội bộ (bao gồm khoản hợp tác với D2D) sẽ cao hơn dự báo trước đó của MASVN. Do đó công ty chứng khoán này điều chỉnh mức đóng góp của dự án Hữu Phước trong năm 2022 từ mức 280 - 330 tỷ đồng về 120 tỷ đồng.

Cập nhật đến cuối năm 2021, SZC đã nhận bàn giao 1.798ha, trong đó quỹ đất công nghiệp ước tính khoảng 1.123ha và quỹ đất đô thị khoảng 633ha. Với tỷ lệ thương phẩm khoảng 40%, quỹ đất đô thị sẵn sàng triển khai của doanh nghiệp ước tính khoảng 253ha.

Theo thông tin doanh nghiệp công bố, MASVN nhận thấy SZC đã thực hiện hạch toán hết các hợp đồng bán sỉ trong nửa đầu năm, do đó kỳ vọng mức biên lãi gộp của mảng khu công nghiệp sẽ tăng trở lại trong nửa cuối năm. Dự báo SZC sẽ hạch toán khoảng 120 - 150 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế từ mảng khu công nghiệp trong phần còn lại của năm.

Kỳ vọng giai đoạn 1 của dự án Hữu Phước sẽ được mở bán và ghi nhận 1 phần lợi nhuận trong nửa cuối năm 2022. Theo đó mức độ đóng góp của dự án Hữu Phước sẽ vào khoảng 120 tỷ đồng. MASVN dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2022 ở mức 347 tỷ đồng, giảm 42% so với dự báo trước đó.

Hiện MASVN khuyến nghị tăng tỷ trọng cho cổ phiếu SZC với giá mục tiêu 59.600 đồng/cổ phiếu, triển vọng tăng giá 13,5% so với giá đóng cửa phiên 5/8.

KBSV: Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VPB

Theo Công ty Chứng khoán KB (KBSV), khép lại quý II, thu nhập lãi thuần của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (HoSE: VPB) đạt 10.466 tỷ đồng, tăng 13% cùng kỳ năm ngoái; thu nhập ngoài lãi đạt 2.821 tỷ đồng, gần như đi ngang.

Trong quý, chi phí trích lập dự phòng của ngân hàng lên mức cao nhất, đạt 5.586 tỷ đồng, tăng 33% cùng kỳ khiến lợi nhuận trước thuế giảm 17% xuống 4.177 tỷ đồng. Tổng kết nửa đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt 15.323 tỷ đồng, tăng 70% cùng kỳ.

Tăng trưởng tín dụng quý II tiếp tục được đẩy mạnh, tăng 29% so với cùng kỳ và tăng 13,6% so với đầu năm. Trong đó tăng trưởng tín dụng ngân hàng mẹ đạt 14,3% so với đầu năm, trong khi tăng trưởng tín dụng của FE Credit đạt 10,5% so với đầu năm, là mức cao so với cùng kỳ nhưng thấp hơn kỳ vọng trong bối cảnh nền kinh tế hồi phục, nhu cầu cao cùng với mức nền thấp của năm 2021. 

KBSV cho biết hoạt động tín dụng của VPB tiếp tục tập trung vào khối bán lẻ và doanh nghiệp nhỏ và vừa với tỷ trọng nhóm này đạt 61% trên tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng mẹ trong quý II, tăng 4,2% điểm so với cùng kỳ.

Tỷ lệ nợ xấu trong quý II đạt 5,25%, tăng 42 điểm cơ bản so với quý I, chủ yếu tăng ở nợ nhóm 5 (tăng 74 điểm so với quý liền trước). Trong kỳ, VPB trích lập dự phòng 5.586 tỷ đồng, tăng 33% cùng kỳ năm trước; tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức 62%, giảm 162 điểm cơ bản so với quý I.

Năm 2022, KBSV điều chỉnh giảm dự phóng tăng trưởng tín dụng từ mức 34,6% xuống 23% do Ngân hàng Nhà nước tỏ ra khá thận trọng trong việc cấp mới room tín dụng trước diễn biến căng thẳng lạm phát và tỷ giá tăng cao. KBSV ước tính biên lãi ròng (NIM) giảm 3 điểm cơ bản so với năm 2021, đạt 7,61% phản ánh lãi suất đầu vào bình quân tăng do các điều chỉnh chính sách từ Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên lãi suất bình quân đầu ra cũng sẽ tăng tương ứng nhờ đẩy mạnh tín dụng trong giai đoạn cuối năm vào nhóm cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa.

KBSV dự phóng chi phí trích lập dự phòng dự kiến giảm 3,4% so với năm ngoái, đạt 18.363 tỷ đồng; dự báo lợi nhuận sau thuế ngân hàng mẹ năm 2022 đạt 21.546 tỷ đồng, tăng 82,5% so với cùng kỳ.

KBSV nhận định, VPB kỳ vọng hoàn thành kế hoạch phát hành cho cổ đông chiến lược trong năm 2022. Theo đó tiến độ phát hành riêng lẻ 1,19 tỷ cổ phiếu, tương đương 15% vốn điều lệ cho nhà đầu tư nước ngoài bị chậm hơn dự kiến do các diễn biến tiêu cực trong nước cũng như quốc tế. VPB vẫn kỳ vọng có thể hoàn thành thương vụ này trong năm 2022.

Dựa trên kết quả định giá, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các yếu tố rủi ro có thể phát sinh, KBSV khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VPB. Giá mục tiêu là 43.600 đồng/cổ phiếu, cao hơn 48 so với giá tại ngày 5/8.

Tin mới lên