Ngân hàng

Cổ phiếu MBB trước 'ván cược' bán vốn

(VNF) - Đã có một kỳ vọng cụ thể từ thị trường cho thương vụ bán vốn của MB. Kỳ vọng này nếu không được đáp ứng thì sức ì của cổ phiếu MBB chưa biết khi nào mới được giải tỏa.

Cổ phiếu MBB trước 'ván cược' bán vốn

Cổ phiếu MBB trước 'ván cược' bán vốn

Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB, HoSE: MBB) gần đây đã có thông báo về việc đăng ký bán tối đa 23 triệu cổ phiếu quỹ theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận.

Đáng chú ý, số cổ phiếu đăng ký bán bằng 49% tổng lượng cổ phiếu quỹ mà ngân hàng đang nắm giữ.

Thời gian dự kiến giao dịch trong tối đa 30 ngày kể từ sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận, nhưng không muộn hơn ngày 31/3/2020.

Mục đích bán cổ phiếu quỹ, theo phía MB, là nhằm sử dụng vào các hoạt động kinh doanh trên nguyên tắc đảm bảo an toàn, hiệu quả và mang lại lợi ích cổ đông như xây dựng trụ sở hoạt động, văn phòng chi nhánh, đầu tư công nghệ và trang bị cần thiết cho hoạt động ổn định, phát triển.

Động thái bán cổ phiếu quỹ này khiến giới đầu tư liên tưởng ngay đến thương vụ bán 7,5% vốn mà Bloomberg đưa tin cách đây không lâu.

7,5% vốn sau phát hành tương đương với 188,5 triệu cổ phiếu MBB phát hành thêm, bao gồm 141,5 triệu cổ phiếu mới và toàn bộ 47 triệu cổ phiếu quỹ hiện có, theo nguồn tin từ Bloomberg.

Tuy nhiên, như đã đề cập, MB mới chỉ công bố đăng ký bán tối đa 23 triệu cổ phiếu quỹ, khiến không ít nhà đầu tư hoài nghi về sự thành công của đợt phát hành này.

Theo nguồn tin từ Bloomberg, thương vụ được "chốt" vào cuối tháng 11 với giá phát hành vào khoảng 30.000 đồng/cổ phiếu (cao hơn khoảng 38% so với thị giá trên sàn).

Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng thương vụ bán vốn này sẽ "thúc" cổ phiếu MBB thoát sức ì về thị giá, trong bối cảnh MB là một trong những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận hàng năm cao nhất ngành, trong khi định giá xét về P/E lẫn P/B đều khá "rẻ" khi ở dưới sâu trung bình ngành và thấp hơn nhiều ngân hàng đối thủ vốn có tăng trưởng lợi nhuận hàng năm kém hơn đáng kể.

Tuy nhiên, nếu thương vụ bán vốn không được như kỳ vọng về lượng bán hoặc/và giá bán, cổ phiếu MBB đành chỉ trông chờ vào "yếu tố cơ bản", cũng nghĩa là không biết bao giờ mới thoát khỏi sức ì để trả về "giá trị thực".

Nếu thương vụ bán vốn từ "bom tấn" trở thành "bom xịt" thì sức ì của cổ phiếu MBB chưa biết khi nào mới được giải tỏa

Đầu tháng 12, hai công ty chứng khoán lớn là VNDirect và VCBS đã đồng loạt đưa ra báo cáo nhận định về cổ phiếu MBB và cũng giống như các công ty chứng khoán khác từng ra báo cáo trước đây, "yếu tố cơ bản" tiếp tục được giới phân tích đề cao.

Theo VCBS, MB là một trong số những ngân hàng thương mại cổ phần có mô hình kinh doanh năng động. Ngân hàng tập trung phần lớn hoạt động kinh doanh tại mảng bán lẻ, chất lượng tài sản được kiểm soát tốt và đã hoàn tất quá trình trích lập dự phòng rủi ro và thu hồi toàn bộ trái phiếu đặc biệt tại VAMC.

Chuyên gia của VCBS cho rằng phân khúc bán lẻ vẫn sẽ là động lực tăng trưởng chủ yếu do MB tập trung vào những khách hàng và phân khúc có hiệu quả sinh lời cao.

Công ty chứng khoán này nhấn mạnh, trong bối cảnh chi phí vốn đang tăng do tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) giảm, việc nâng cao tỷ trọng của tín dụng bán lẻ trên tổng tín dụng có thể giúp ngân hàng cải thiện lợi suất sinh lời của tài sản, nhờ vậy hệ số sinh lời NIM có thể giữ mức ổn định.

Riêng đối với Mcredit - công ty tài chính tiêu dùng trực thuộc MB, VCBS nhận định cạnh tranh gia tăng trong ngành tài chính tiêu dùng và định hướng kiểm soát dòng vốn tín dụng của Ngân hàng Nhà nước có thể ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của Mcredit trong năm 2019 và 2020.

"Mcredit là nhân tố giúp NIM của MB hợp nhất có thể được cải thiện trong những năm tiếp theo. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng không được duy trì ở mức cao như những năm trước đây có thể khiến tỷ lệ nợ xấu của Mcredit tăng lên, buộc công ty phải trích lập dự phòng và xóa nợ nhiều hơn.

Dù vậy, do dư nợ của Mcredit chỉ chiếm khoảng 3% trên tổng dư nợ hợp nhất nên ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả hoạt động của ngân hàng hợp nhất sẽ không lớn", chuyên gia của VCBS cho hay.

Bên cạnh mảng tín dụng, nguồn thu từ các hoạt động ngoài lãi của MB cũng được dự báo tăng trưởng nhờ thu nhập từ dịch vụ thanh toán và bảo hiểm, cùng với đó là nguồn thu hồi các khoản cho vay đã xử lý bằng quỹ dự phòng rủi ro.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng hợp nhất của MB được VCBS kỳ vọng sẽ duy trì ở mức không quá cao, trong khi tỷ lệ dự phòng rủi ro bao nợ xấu luôn duy trì trong khoảng 90 - 100%. Điều này, theo VCBS, thể hiện chất lượng tài sản của MB ở mức tốt so với trung bình ngành ngân hàng hiện tại.

Công ty chứng khoán này dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2019 của MB sẽ ở mức 9.943 tỷ đồng tăng 28% so với năm ngoái và vượt 4% kế hoạch cả năm.

Trong năm 2020, VCBS chia hai kịch bản. Trường hợp ngân hàng chưa chào bán riêng lẻ, lợi nhuận trước thuế sẽ tăng gần 12% lên 11.125 tỷ đồng. Còn nếu ngân hàng đã hoàn thành chào bán riêng lẻ 7,5% cổ phần, mức lợi nhuận trước thuế năm 2020 sẽ là 11.234 tỷ đồng, tăng trưởng gần 13%.

Trong khi đó, theo đánh giá của công ty chứng khoán VNDirect, dự kiến MB sẽ đạt được tăng trưởng lợi nhuận cao trong những năm tới với tăng trưởng EPS bình quân giai đoạn 2018-2021 là 21,3%. ROE được kỳ vọng duy trì khoảng 20% trong năm 2019-2020, cao hơn nhiều so với ROE trung bình ngành khoảng 17% trong năm 2019 và 16,7% trong năm 2020.

"Cổ phiếu MBB là lựa chọn hàng đầu trong lĩnh vực Ngân hàng của chúng tôi vì MB có khả năng nắm bắt các cơ hội phát triển mảng cho vay bán lẻ và tận dụng được nguồn vốn giá rẻ do có CASA cao, giảm thiểu áp lực gia tăng chi phí vốn. Yếu tố tăng giá có thể đến từ việc thoái vốn khỏi Công ty Bảo hiểm Quân đội (MIC). Rủi ro giảm giá đến từ việc nợ xấu cao hơn dự phóng do mở rộng vào mảng cho vay bán lẻ có rủi ro cao hơn, và lãi suất tăng", báo cáo của VNDirect nhấn mạnh.

Tin mới lên