Tài chính

Cổ phiếu ‘trà đá’ nhưng tăng giá gấp 10

Khi thị trường chứng khoán Việt Nam bùng nổ, cổ phiếu của một số doanh nghiệp tăng giá hàng chục, hàng trăm phần trăm dù kết quả kinh doanh rất bết bát.

Thị trường chứng khoán đang lập các đỉnh mới và nhà đầu tư vẫn đang tận hưởng trong “cơn say” chứng khoán. Sự hưng phấn lan tỏa ở toàn thị phường, từ cổ phiếu vốn hóa lớn đến thị giá nhỏ, từ doanh nghiệp lãi lớn đến cả công ty thua lỗ cũng không nằm ngoài con sóng này.

Trong phân tích cơ bản, thị trường chứng khoán là hàn thử biểu của nền kinh tế và giá cổ phiếu thường phản ánh sức khỏe của doanh nghiệp. Tuy nhiên nghịch lý vẫn luôn xuất hiện trên thị trường, một số công ty làm ăn bết bát nhưng cổ phiếu lại bật tăng.

Các doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ dẫn đến giá cổ phiếu thường giảm sâu về dưới mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu). Tuy nhiên, gần đây nhiều cổ phiếu thuộc diện giá “trà đá” này cũng có giai đoạn tăng mạnh, thậm chí ghi nhận mức tăng bằng lần và vượt lên mệnh giá.

Thị trường chứng khoán đang trưởng mạnh, liên tục lập đỉnh mới. Ảnh: Hoàng Hà

Bứt phá bất chấp kết quả kinh doanh

Đáng chú ý như nhóm công ty liên quan đến FLC Group. Cổ phiếu FLC đã vượt mệnh giá khi đứng tại 14.300 đồng, gấp hơn 3 lần kể từ đầu năm. Cùng với đó là giá trị thanh khoản đã đạt hơn 500 tỷ đồng/phiên, so với mức dưới 100 tỷ đồng cuối năm ngoái.

Tương tự các cổ phiếu trong nhóm như FLC Faros (ROS) đạt 7.000 đồng/, gấp 2,8 lần so với thời điểm đầu năm. Cổ phiếu Chứng khoán BOS (ART) hiện đạt 12.000 đồng, gấp 3,6 lần đầu năm. Cổ phiếu Nông dược H.A.I (HAI) tăng tương ứng 61% lên 4.710 đồng. Kết quả kinh doanh nhóm này không mấy khả quan. Riêng FLC lần đầu bị lỗ gộp 3.172 tỷ đồng trong năm ngoái nhưng vẫn có lãi nhờ nguồn thu đột biến từ hoạt động tài chính.

ROS lãi tượng trưng 856 triệu đồng trong năm ngoái. Lợi nhuận ART giảm 98% xuống dưới 2 tỷ đồng, thậm chí lỗ hơn 13 tỷ đồng quý đầu năm. Lợi nhuận của Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC (GAB) các quý gần đây cũng chỉ vài trăm triệu đồng.

Hay như cổ phiếu HUT của Tasco đang được giao dịch tại mức 7.200 đồng, tăng 71% so với thời điểm đầu năm 2021. Tính rộng ra, thị giá HUT đã cao gấp 3 lần trong một năm vừa qua, đưa giá trị vốn hóa lên hơn 1.900 tỷ đồng.

Dù vậy hoạt động kinh doanh của Tasco lại liên tục đi xuống. Từ mức lãi kỷ lục hơn 400 tỷ đồng năm 2016, lợi nhuận công ty bắt đầu lao dốc và đỉnh điểm lỗ 235 tỷ đồng trong năm ngoái. Công ty cũng tiếp tục lên kế hoạch lỗ thêm trăm tỷ đồng trong năm nay và riêng quý I đã lỗ gần 25 tỷ đồng.

SPI cũng lỗ lớn trong năm ngoái và lỗ lũy kế hơn 16 tỷ đồng nhưng giá cổ phiếu công ty ghi nhận mức tăng ấn tượng 10 lần kể từ đầu năm. Tương tự, cổ phiếu Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIG) tăng 154% dù doanh nghiệp đang trong tình trạng thua lỗ và có một khoản nợ có nguy cơ gây phá sản.

Ngoài ra, còn hàng loạt cổ phiếu khác như Vật tư kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ (TSC), Đại Thiên Lộc (DTL) hay Khách sạn Đông Á (DAH) đã vượt mệnh giá, trong khi cổ phiếu Cotecland (CLG), Tập đoàn ASA (ASA), Đầu tư Việt Việt Nhật (VNH)… cũng tăng mạnh.

Đà tăng liệu có bền vững?

Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn nhưng cổ phiếu lại tăng mạnh, do đó nhiều chuyên gia đặt vấn đề liệu đà tăng này có bền vững. Nhìn vào một số cổ phiếu trên, sự tăng giá được hỗ trợ khá nhiều bởi thị trường chung sôi động, hưởng lợi từ đà tăng của một ngành cụ thể hay đơn thuần là biến động cổ đông…

Như Khách sạn Đông Á (DAH) mới đây bổ nhiệm ông Phạm Huy Thành (chủ tịch Tập đoàn MBG) làm chủ tịch HĐQT công ty nhiệm kỳ 2021-2026; đồng thời bà Trần Nữ Ngọc Anh trở thành tân tổng giám đốc. Trước đó vào đầu tháng 5, nhóm gia đình cựu Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thu Giang cũng bán gần 31% công ty.

Cổ phiếu SPI tăng 10 lần sau khi công ty có sự xáo trộn lớn về mặt cổ đông và nhân sự. Công ty mới đây đã quyết định đổi tên thành Spiral Galaxy và dời trụ sở chính từ TP.HCM sang Hà Nội. Song song đó toàn bộ thành viên HĐQT đã được thay mới và công ty thay tổng giám đốc vào 26/5.

Đà tăng của VIG được hỗ trợ rất lớn bởi sóng cổ phiếu chứng khoán, hầu hết công ty trong ngành đều có kết quả kinh doanh khả quan và giá cổ phiếu đều tăng vài lần. Đà tăng của DTL nằm trong xu hướng tăng chung của cổ phiếu ngành thép.

Trong tuần qua, VN-Index tăng 4,06% lên mức cao kỷ lục 1.374,05 điểm. Nguyên nhân chính đến từ việc dòng tiền đổ vào chứng khoán tăng mạnh. Ảnh: Tradingview.

Ông Nguyễn Duy Thanh Phương - giám đốc kinh doanh tại Hội sở Chứng khoán Yuanta Việt Nam - cho rằng với việc thị trường “ngập” trong tiền mới của nhà đầu tư F0 thì trong ngắn hạn sẽ có những giai đoạn cổ phiếu penny (thị giá nhỏ) vẫn được hưởng lợi theo xu thế chung. Đây là điều này rất thường thấy ở các chu kỳ sóng tăng trước.

Vị chuyên gia nói thêm tính chu kỳ trên thị trường là sau khi các cổ phiếu vốn hóa lớn tăng mạnh thì đến lúc nào đó dòng tiền sẽ chuyển dần sang giao dịch cổ phiếu penny. Ngoài ra, nguyên nhân tăng giá có thể do đội lái đẩy giá lên để kích thích lòng tham của nhà đầu tư mới, sau đó bán thoát hàng.

“Nhìn về trung và dài hạn, nếu nền tảng cơ bản doanh nghiệp không tốt mà chỉ vì dòng tiền đầu cơ đẩy giá vô lý thì chắc chắn trong tương lai khi dòng tiền rút ra sẽ làm cho giá cổ phiếu sụt giảm rất mạnh, đưa về giá trị thực của nó. Nhà đầu tư cần tỉnh táo và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi có ý định mua vào các nhóm này”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Ông Phạm Hồng Sơn - Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - mới đây nhận định dòng tiền tìm đến thị trường chứng nhờ kỳ vọng tăng trưởng kinh tế vĩ mô, công tác phòng chống dịch hiệu quả, mặt bằng lãi suất thấp, nhiều kênh đầu tư kém hấp dẫn hơn…

Tuy nhiên, vị lãnh đạo cũng lưu ý nhà đầu tư cần tăng mức độ cẩn trọng, đặc biệt là quản trị rủi ro khi lựa chọn danh mục đầu tư.

Tin mới lên