Tài chính

Cổ phiếu VNM giảm đến khi nào?

(VNF) - Trong suốt quá trình khối ngoại bán ròng cổ phiếu VNM, nhà đầu tư cá nhân trong nước chính là bên mua đối ứng chủ yếu.

Cổ phiếu VNM giảm đến khi nào?

Cổ phiếu VNM giảm đến khi nào?

Vị thế đã khác xưa

Thống kê cho thấy từ đầu năm đến nay, cổ phiếu VNM của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã giảm tới hơn 19%, riêng 1 tháng vừa qua giảm tới 13%.

Trong khi đó, chỉ số VN-Index tăng 12,5% kể từ đầu năm và đi ngang trong 1 tháng qua.

VNM cũng bị HPG đẩy xuống vị trí thứ 5 trong top 10 cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất sàn HoSE. Ở thời hoàng kim, VNM từng là cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất sàn.

Nếu đà giảm hiện nay vẫn tiếp tục, cùng với sự vươn lên của các cổ phiếu ngân hàng, giá trị vốn hóa của VNM thậm chí có thể bị đẩy xuống vị trí thứ 8 trong tương lai không xa. Hiện vốn hóa của VNM chỉ hơn 3 ngân hàng xếp sau là TCB, BID và CTG chưa tới 12%, mức chênh này trên lý thuyết có thể bị san lấp chỉ trong 1 phiên giao dịch nếu VNM giảm sâu và 3 cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh.

Điều đó cho thấy, vị thế của cổ phiếu VNM trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã khác xưa rất nhiều.

Theo dữ liệu từ Công ty Chứng khoán MB (MBS), 1 tháng qua, VNM là cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng nhiều thứ hai trên sàn HoSE với giá trị bán ròng lên tới 1.566 tỷ đồng, tiếp nối chuỗi bán ròng không ngừng nghỉ trong nhiều tháng qua.

VNM là cổ phiếu bị bán ròng nhiều thứ hai trên sàn HoSE trong 1 tháng qua. Nguồn dữ liệu: MBS

Vì sao khối ngoại "ghẻ lạnh" cổ phiếu VNM?

Nhìn trên bình diện chung, khối ngoại có xu hướng bán ròng trên toàn thị trường chứng khoán Việt Nam kể từ khi dịch Covid-19 gây lo ngại. VNM thuộc nhóm cổ phiếu lớn nhất nên không tránh khỏi chịu ảnh hưởng từ việc tái cơ cấu danh mục đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, những yếu tố mang tính nội tại mang tính chất quyết định đẩy cổ phiếu VNM vào cảnh bị "ghẻ lạnh".

Vinamilk hiện ở thế tiến thoái lưỡng nan. Thế giới đang ở trong "siêu chu kỳ" tăng giá hàng hóa khiến nguyên liệu đầu vào của Vinamilk tăng mạnh. Theo Tổng giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên, mặc dù quý I/2021, giá nguyên liệu ngành sữa tăng không cao nhưng bắt đầu từ quý II tăng rất cao.

Trong khi đó, Vinamilk lại gặp khó nếu quyết định tăng giá sữa để bù đắp sự gia tăng của chi phí nguyên liệu, bởi sức mua của người tiêu dùng đang chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Nghiên cứu cho thấy quý I/2021, mức tiêu thụ sữa của Việt Nam vẫn giảm khoảng 7% so với cùng kỳ năm 2020.

Tháng 4/2021, dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát khá tốt nhưng sang tháng 5/2021, đợt dịch mới bùng phát tại Việt Nam khiến lo ngại về sức mua trong thời gian tới gia tăng. Vinamilk sẽ càng gặp khó khăn khi cân nhắc quyết định tăng giá sữa. Điều này khiến triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của "nữ hoàng" ngành sữa càng trở nên mịt mù.

Đây như "giọt nước tràn ly" bởi trước đó, giới đầu tư đã nghi ngờ về triển vọng tăng trưởng lợi nhuận dài hạn của Vinamilk khi doanh nghiệp này dường như không tìm ra được động lực tăng trưởng mới.

Năm 2021, Vinamilk đặt mục tiêu doanh thu tăng nhẹ 4,1% và lợi nhuận sau thuế đi ngang so với năm 2020, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp niêm yết lớn vẫn tiếp tục đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận hai chữ số bất chấp Covid-19, một số thậm chí còn đang hưởng lợi từ "siêu chu kỳ" tăng giá hàng hóa.

VNM giảm đến khi nào?

Trong suốt quá trình khối ngoại bán ròng cổ phiếu VNM, nhà đầu tư cá nhân trong nước chính là bên mua đối ứng chủ yếu. Trên nhiều diễn đàn chứng khoán, tiếng "ai oán" đã vang lên. Nhiều nhà đầu tư cá nhân đã rất "ngán ngẩm" với 3 chữ cái này.

Câu hỏi lớn nhất đặt ra là VNM sẽ giảm đến khi nào?

Xét về "thiên thời", diễn biến dịch Covid-19 và "siêu chu kỳ" tăng giá hàng hóa vẫn đang khiến các nhà đầu tư e dè với VNM.

Dù vậy hiện nay, cần lưu ý rằng giá cổ phiếu VNM đã giảm khá sâu. Cách đây gần 5 năm, vào tháng 8/2016, cổ phiếu VNM có giá điều chỉnh ngang bằng mức giá hiện tại.

Thêm vào đó, tỷ suất cổ tức hiện nay đã tương đối hấp dẫn. Cổ tức tiền mặt năm 2020 ở mức 4.100 đồng/cổ phiếu, tương ứng tỷ suất cổ tức so với giá đóng cửa phiên gần nhất là 4,7%, cao hơn so với trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng.

Còn nếu so với lãi suất huy động kỳ hạn 1 năm đang phổ biến ở mức khoảng 5,5 - 6,5% thì tỷ suất cổ tức tiền mặt của cổ phiếu VNM sẽ hấp dẫn hơn nếu giá cổ phiếu lùi về khoảng 74.500 đồng/cổ phiếu, tức là tiếp tục giảm khoảng 14% từ mức giá hiện nay. Tuy nhiên, nếu lùi về mức này thì thực sự thị giá VNM đã "rẻ" so với đại đa số các cổ phiếu trên sàn xét trên khía cạnh tỷ suất cổ tức tiền mặt, nhất là khi Vinamilk nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì mức cổ tức tối thiểu như hiện nay bởi vị thế của "nữ hoàng" ngành sữa rất vững chắc, do đó lợi nhuận dù khó tăng mạnh nhưng cũng khó giảm sâu, thêm vào đó, nhu cầu đầu tư của Vinamilk là không lớn khi công suất hiện tại đã có thể đáp ứng được sản xuất trong 3-5 năm tới.

Còn nếu xét theo hệ số định giá P/E, hiện P/E của Vinamilk đã về mức ngang bằng VN-Index và thấp hơn khoảng 20% so với trung bình ngành.

Trong ngắn hạn khó có thể đoán định giá cổ phiếu VNM sẽ đi về đâu nhưng với những nhà đầu tư tin tưởng vào khả năng điều hành của ban lãnh đạo Vinamilk thì mức giá hiện tại đã tương đối hấp dẫn xét trên cả khía cạnh tỷ suất cổ tức và định giá P/E. Mức giá này xuất hiện khi Vinamilk ở vào thời kỳ khó khăn đặc biệt khi đầu vào tăng giá mạnh nhưng đầu ra lại khó tăng tương ứng do sức mua người tiêu dùng ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Khi mọi thứ dần thuận lợi hơn cho Vinamilk, nếu ban lãnh đạo chèo lái tốt, mức giá này liệu sẽ còn xuất hiện?

Tất nhiên, nếu không còn sự tin tưởng vào ban lãnh đạo Vinamilk trong việc duy trì và phát triển công ty thì dù cổ phiếu VNM có giảm nữa, nhà đầu tư cũng không nên "xuống tiền", bởi "đáy" hôm nay có thể là "đỉnh" của ngày mai.

Tin mới lên