Tài chính

Cổ phiếu VTR 'lao dốc' mạnh vì đâu?

Sau 7 phiên niêm yết trên sàn UpCoM, cổ phiếu của Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam - Vietravel (UpCOM: VTR) đã "lao dốc" không phanh.

Cổ phiếu VTR 'lao dốc' mạnh vì đâu?

Cổ phiếu VTR 'lao dốc' mạnh vì đâu?

Sau khi niêm yết trên sàn ngày 27/9 với giá chào sàn 40.000đ/cp, cổ phiếu VTR đã tăng trần lên 50.000 đồng/cổ phiếu. Sau đó, VTR đã có 4 phiên tăng trần và đạt giá trị vốn hoá trên 1.000 tỷ đồng, bước vào top doanh nghiệp có vốn ngàn tỷ trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Đến phiên giao dịch ngày 2/10, giá cổ phiếu này đã đạt đỉnh 85.100 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, sau ngày đạt đỉnh, giá cổ phiếu VTR đã trượt dốc mạnh. Riêng phiên giao dịch ngày 7/10, cổ phiếu này đã giảm sàn 15% về mốc giá hơn 66.000 đồng /cp. Chốt phiên giao dịch, VTR vẫn còn dư bán sàn 1,4 nghìn cổ phiếu và tổng khớp lệnh mới đạt 10.500 cổ phiếu.

Đến phiên giao dịch ngày 8/10, cổ phiếu VTR "đỏ sàn" với chỉ gần 18.000 cổ phiếu được khớp lệnh. Chốt phiên, giá cổ phiếu VTR giảm 14,2% xuống mức 58.000đ/cp.

Nhiều nhà đầu tư ngỡ ngàng không hiểu điều gì đang xảy ra đối với cổ phiếu VTR. Mặc dù cổ phiếu VTR đã giảm khá mạnh, nhưng cầu bắt đáy gần như không có. Chuỗi giá giảm nhanh, thanh khoản yếu không kém gì lúc tăng nóng của VTR cho thấy, nhà đầu tư không mấy mặn mà với cổ phiếu VTR như nhiều dự đoán trước đó.

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế về việc góp ý đối với dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam của VTR.

Theo Bộ GTVT, dự án Vietravel có quy mô 3 máy bay vào năm 2020 và 8 máy bay vào năm 2024, tổng mức đầu tư 700 tỷ đồng. Bộ GTVT đánh giá mô hình khai thác dự kiến của Dự án Vietravel là cung cấp chuyến bay thuê chuyến, phục vụ du lịch.

Tuy nhiên, VTR đối mặt với các khó khăn tiềm ẩn khi đầu tư phát triển mô hình này. Theo đó, khách du lịch thường xuất phát từ các trung tâm vận tải hàng không như TP HCM, Hà Nội, Đà nẵng. Trong trường hợp khai thác chuyến bay thuê chuyến không hiệu quả, công ty sẽ khai thác thường lệ và sẽ phải sử dụng các cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh để đậu tàu bay qua đêm. Điều này sẽ gây khó khăn cho cho hệ thống hạ tầng hàng không.

"Với mộ hình khai thác thuê chuyến, Công ty Vietravel sẽ khó có được slot tại các cảng hàng không nói trên vì mới tham gia thị trường, không thể có slot lịch sử", Bộ GTVT cho biết.

Ông Nguyễn Huy Hưng- Nhà đầu tư trên sàn MSB, cho rằng sở dĩ cổ phiếu VTR giảm mạnh là do, dù VTR khá nổi tiếng trong ngành du lịch, nhưng trên góc độ đầu tư thì cổ phiếu VTR không thực sự hấp dẫn, vì một số lý do sau đây:

Thứ nhất, do mới lên sàn và cổ đông hiện hữu không bán ra cổ phiếu nên các nhà đầu tư chiến lược lớn không có cửa mua vào cổ phiếu VTR. 

Thứ hai, doanh thu của VTR khá lớn, từ 6.000- 7.000 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận trong nhiều năm chỉ từ 20- 60 tỷ đồng. 

Thứ ba, với vốn chủ sở hữu tính đến 30/6/2019 chỉ đạt 230 tỷ đồng, nhưng quy mô nợ phải trả đã lên đến hơn 1.400 tỷ đồng. Trong khi đó, VTR vừa chốt phát hành trái phiếu không chuyển đổi riêng lẻ với tổng giá trị 700 tỷ đồng, lãi suất 11%/năm, thời hạn 2 năm. Tức, mỗi năm, riêng phần lãi suất phải trả đã khoảng 77 tỷ đồng. Điều này gây áp lực trả nợ rất lớn đối với VTR. 

Theo ông Nguyễn Duy Hưng, từ những phân tích nói trên cho thấy, giá cổ phiếu VTR có thể sẽ còn tiếp tục điều chỉnh sâu hơn nữa so với mức giá hiện nay (58.000đ/cp) để về giá trị thực.

Tin mới lên