Tài chính

Cổ phiếu Yeah1 chào sàn với giá ‘khủng’ 250.000 đồng: Định giá dựa trên cơ sở nào?

(VNF) – Có độ chênh lớn giữa tiềm lực tài chính cũng như lợi nhuận của Yeah1 so với mức định giá khi lên sàn.

Cổ phiếu Yeah1 chào sàn với giá ‘khủng’ 250.000 đồng: Định giá dựa trên cơ sở nào?

Yeah1 sẽ chào sàn với mức giá 250.000 đồng/cổ phiếu.

Theo thông báo mới đây của Sở giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE), cổ phiếu YEG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Yeah1 sẽ chính thức giao dịch trên sàn HoSE vào ngày 26/6 với mức giá chào sàn là 250.000 đồng/cổ phiếu.

Với hơn 27,37 triệu cổ phiếu lên sàn, giá trị vốn hóa của Yeah1 ngay khi lên sàn sẽ đạt trên 6.800 tỷ đồng và có thể tăng lên trên 8.200 tỷ đồng ngay sau khi chốt phiên giao dịch đầu tiên.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2018 của Yeah1 cho thấy tiềm lực tài chính của tập đoàn này nhỏ hơn nhiều so với mức định giá khi lên sàn. Tính đến hết ngày 31/3/2018, vốn chủ sở hữu của Yeah1 ở mức 330 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng nợ phải trả ở mức 479 tỷ đồng.

Tổng tài sản của Yeah1 ở mức 809 tỷ đồng. Trong đó tập trung lớn nhất ở các khoản phải thu ngắn hạn với 382 tỷ đồng, chiếm tới 47% tổng tài sản; kế đến là lợi thế thương mại với 106 tỷ đồng, chiếm 13%.

Về kết quả kinh doanh, quý I/2018, Yeah1 đạt doanh thu thuần 330 tỷ đồng, tăng 89% so với cùng kỳ năm 2017. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 39 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần.

Năm 2018, Yeah1 đặt kế hoạch đạt doanh thu thuần 1.600 tỷ đồng, tăng 90% so với năm 2017. Lợi nhuận trước thuế đạt 172 tỷ đồng, tăng 109%.

Hiện Yeah1 chưa công bố công khai bản cáo bạch nên cơ sở cho việc định giá chưa được tiết lộ chính thức. Tuy nhiên, tạm tính theo mức lợi nhuận sau thuế kế hoạch 172 tỷ đồng cùng mức định giá 6.800 tỷ, P/E của Yeah1 ở mức khoảng 40 lần – thuộc hàng cao nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng Yeah1 được định giá kết hợp theo cả phương pháp chiết khấu dòng tiền. Do tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của Yeah1 là rất nhanh, dư địa thị trường còn nhiều nên việc sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền cho phép đưa ra định giá cao cho Yeah1, dựa trên dự phóng lợi nhuận “khủng” trong tương lai.

Thực tế, việc P/E cao của Yeah1 cũng có thể được thị trường chấp nhận bởi tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận của tập đoàn này. Tăng trưởng lợi nhuận nhanh cho P/E của Yeah1 có thể giảm nhanh xuống mức trung bình của thị trường chỉ sau vài năm. Hơn nữa, nếu P/E của các công ty tương tự Yeah1 trên thế giới cũng cao thì đây cũng có thể là cơ sở cho việc định giá cao.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), chi phí quảng cáo trực tuyến/tổng chi phí quảng cáo tại Việt Nam vẫn còn rất thấp so với các quốc gia khác cũng như bình quân toàn cầu.

Xét trên toàn thế giới, năm 2017 là năm đầu tiên quảng cáo trực tuyến vượt qua quảng cáo trên TV. Chi phí quảng cáo trực tuyến đạt 209 tỷ USD trên toàn cầu (41% thị phần) trong khi quảng cáo trên TV đạt 178 tỷ USD (35% thị phần).

Điều này cho thấy Việt Nam vẫn còn đang trong giai đoạn đầu phát triển của quảng cáo trực tuyến và Yeah1 là cái tên thống trị trong ngành.

“Nhìn vào các đặc điểm dân số học của Việt Nam, có thể thấy được tiềm năng vô cùng lớn cho Yeah1 nói riêng và quảng cáo trực tuyến nói chung: 45,2 triệu dân số trẻ; 49,1 triệu người dùng internet; 46 triệu người dùng mạng xã hội và 125 triệu thuê bao điện thoại”, VDSC cho hay.

Tin mới lên