Tài chính quốc tế

Cơ quan giám sát cạnh tranh của Trung Quốc bổ sung nguồn lực để tăng cường trấn áp Big Tech

(VNF) - Không chỉ riêng Alibaba, một loạt công ty công nghệ khác cũng không tránh khỏi "lưới trời" của chính phủ Trung Quốc.

Cơ quan Quản lý Quy định Thị trường Trung Quốc (SAMR) mới đây đã ra thông báo cho biết Bắc Kinh đang có kế hoạch bổ sung nguồn lực, sửa đổi luật cạnh tranh sau các đề xuất tăng mức phạt và mở rộng tiêu chí đánh giá sự kiểm soát của một công ty đối với thị trường.

Cụ thể, cơ quan giám sát cạnh tranh tại Bắc Kinh dự định tăng số nhân sự lên khoảng 20-30 người, đồng thời giao thêm quyền xem xét các vụ việc cho văn phòng địa phương và tìm nguồn bổ sung nhân lực từ các cơ quan chính phủ khác đối các vụ việc cần điều tra mở rộng.

Bên cạnh đó, ngân sách phân bổ cho điều tra chống độc quyền, các hoạt động hàng ngày và các dự án nghiên cứu cũng được tăng cường.

Được biết, văn phòng chống độc quyền của SAMR được thành lập vào đầu năm 2018 và là cơ quan duy nhất có thẩm quyền giám sát các hoạt động độc quyền trong nước. Chỉ trong vài tháng qua, văn phòng đã đưa ra nhiều điều luật mới nghiêm ngặt hơn đối với vấn đề này.

Quyền hạn của SAMR được bổ sung khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cân nhắc cần thiết phải “tăng cường chống độc quyền” nhằm kiềm chế những công ty khổng lồ đóng vai trò chi phối trong lĩnh vực tiêu dùng của nước này.

SAMR bắt đầu mở rộng sự hiện diện của mình ở nhiều thành phố hơn như Hàng Châu và Thâm Quyến. Họ cũng bắt đầu thuê ngoài nhiều dịch vụ nghiên cứu như phân tích kinh tế và công nghiệp, để đẩy nhanh các vụ việc đang diễn ra, một trong những nguồn tin cho biết.

Các giám đốc điều hành của hầu hết các công ty công nghệ lớn hiện đã được yêu cầu phải báo cáo định kỳ cho cục chống độc quyền về các giao dịch sáp nhập hoặc các hoạt động có thể vi phạm quy tắc chống độc quyền.

Alibaba vừa bị chính quyền Trung Quốc phạt 2,8 tỷ USD vì vi phạm luật chống độc quyền.

Hôm 10/4 vừa qua là một "bước tiến" bất ngờ của SAMR khi công bố án phán khủng chưa từng có lên tới 2,8 tỷ USD đối với tập đoàn công nghệ hàng đầu tại Trung Quốc, Alibaba. Theo đó, tập đoàn này bị cáo buộc đã “lợi dụng vị thế vượt trội của mình trên thị trường” để giảm khả năng cạnh tranh của đối thủ, tác động tới đổi mới kinh tế mạng và gây ảnh hưởng tiêu cực tới người dùng.

Án phạt này thể hiện thách thức đối với một loạt công ty trong nước cũng như những công ty toàn cầu đang hoạt động tại nước này, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ. 

Đối mặt với các quy định nghiêm ngặt của chính phủ, đại diện phía Alibaba cho biết Alibaba không dựa vào "các thỏa thuận độc quyền" để giữ chân các thương gia, vì chỉ một số lượng nhỏ các cửa hàng hàng đầu trên nền tảng thương mại điện tử Tmall của họ đã được thỏa thuận như vậy.

"Với quyết định hình phạt này, chúng tôi như đã nhận được hướng dẫn về một số vấn đề cụ thể theo luật chống độc quyền”, Phó chủ tịch điều hành Alibaba Joe Tsai cho biết trong một cuộc gọi hội nghị với các nhà đầu tư và các phóng viên.

"Tôi muốn nói rằng chúng tôi rất vui vì có thể giải quyết vấn đề một cách nhẹ nhàng", ông Tsai nói.

Tuy nhiên, công ty vẫn sẽ tuân thủ mọi quy định từ phía SAMR, đồng thời vẫn nỗ lực mở rộng hoạt động và tạo mọi điều kiện cho các thương gia, bao gồm cả việc cắt giảm phí cho họ.

Hiện tại, trọng tâm của các nhà đầu tư là xem ai trong số các công ty công nghệ nội địa lớn có thể là mục tiêu tiếp theo của cơ quan giám sát chống độc quyền Trung Quốc.

Fred Hu, Chủ tịch công ty cổ phần tư nhân Primavera Group, cho biết: "Các công ty công nghệ khác nên khôn ngoan cho rằng họ có thể bị giám sát và phạt tương tự. Việc phạt nặng đối với một trong những công ty công nghệ thống trị của đất nước cũng gửi một thông điệp mạnh mẽ rằng các cơ quan quản lý Trung Quốc, giống như các đối tác châu Âu, đang nghiêm túc về việc kiềm chế Big Tech".

Theo Reuters, các nhà chức trách Mỹ và châu Âu cũng có những động thái tương tự về chống độc quyền trong những năm gần đây.

Xem thêm >> Cổ phiếu Alibaba tăng 8% sau khi bị phạt 'khủng' 2,8 tỷ USD

Tin mới lên