Tài chính

Cơ quan thuế đang rà soát, chưa đặt vấn đề truy thu thuế với L/C

Thời gian gần đây, dư luận xôn xao vì có thông tin cho rằng, cơ quan thuế đang yêu cầu các ngân hàng rà soát, kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với các khoản thu từ thư tín dụng L/C phát sinh từ 1/1/2011 đến nay.

Cơ quan thuế đang rà soát, chưa đặt vấn đề truy thu thuế với L/C

Tổng cục Thuế đang yêu cầu các cục thuế phối hợp với các ngân hàng rà soát về L/C, chưa đặt vấn đề truy thu thuế đối với trường hợp này.

Điều này đã khiến Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, việc thu như vậy là không đúng bản chất và có văn bản kiến nghị gửi Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước. Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết, Tổng cục Thuế chưa đặt vấn đề truy thu thuế GTGT đối với các khoản thu từ L/C, mà mới hướng dẫn các cục thuế cùng ngân hàng rà soát lại vấn đề này.

- Thưa ông, vì sao lại có thông tin Tổng cục Thuế quyết định truy thu thuế GTGT đối với L/C?

Tôi xin khẳng định rằng, Tổng cục Thuế chưa bao giờ đặt vấn đề truy thu thuế GTGT như một số thông tin báo chí nêu.  

Tôi xin nói rõ, Luật thuế GTGT ngay từ khi được ban hành và có hiệu lực từ 1/1/1999 cho đến nay, chúng ta vẫn không có thay đổi nào đối với hoạt động tài chính, tín dụng được quy định trong luật. Hoạt động cho vay và đi vay liên quan đến hoạt động huy động vốn cho nền kinh tế, cho nên tất cả các lần sửa đổi vẫn giữ nguyên quy định trong luật là không thu thuế GTGT đối với các nghiệp vụ tín dụng, nghiệp vụ tài chính được quy định cụ thể trong Điều 4 của Luật thuế GTGT.

Điểm thứ hai, cơ quan thuế là một trong những cơ quan thực thi pháp luật, phải thực hiện thu thuế theo quy định của pháp luật. Không chỉ tuân thủ theo các luật về thuế, mà chúng tôi cũng phải tuân thủ theo các quy định của các luật chuyên ngành khác.  

Nhân việc này, tôi cũng nói thêm rằng, theo Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 có hiệu lực từ 1/1/2011, tại khoản 15 Điều 4 thì L/C là hình thức thanh toán, chứ không phải hình thức tín dụng.  Sở dĩ cơ quan thuế có văn bản đề nghị các cục thuế phối hợp với các ngân hàng để rà soát vì trong một số năm gần đây, một số cơ quan thuế, một số ngân hàng, một số tổ chức tín dụng được các cơ quan chức năng kiểm toán, thanh tra, kiểm tra và nêu vấn đề này. Vấn đề đặt ra là ngân hàng và cơ quan thuế đã thực hiện đúng quy định về thuế GTGT đối với L/C chưa?

Về phía cơ quan thuế, chúng tôi cũng rất thận trọng. Tổng cục Thuế đã ban hành công văn yêu cầu các cục thuế hướng dẫn các ngân hàng rà soát lại để kê khai thuế cho đúng, một trong các nội dung rà soát có L/C. Chúng ta phải tôn trọng Luật Các tổ chức tín dụng. Nội dung này cũng có nhiều tranh cãi, bản thân tôi thì thấy rằng, nếu đã là cho vay, đã là bảo lãnh ngân hàng thì chắc chắn không phải nộp thuế GTGT, nhưng nếu là dịch vụ thì đề nghị thực hiện khai và nộp thuế theo luật định. Chúng tôi khẳng định cơ quan thuế không thể làm sai luật.

Cũng tại công văn của Tổng cục Thuế, chúng tôi không nêu vấn đề truy thu thuế GTGT, mà chỉ hướng dẫn các cục thuế đồng hành cùng ngân hàng rà soát lại việc kê khai thuế GTGT lâu nay đang thực hiện như thế nào.

- Như ông vừa nói, nếu như không phải hoạt động bảo lãnh, hoạt động tín dụng thì sẽ không phải nộp thuế GTGT. Nhưng theo quy định về L/C thì đó là hoạt động bảo lãnh thanh toán của ngân hàng, các ngân hàng đã phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cho hoạt động bảo lãnh này. Ông nói gì về điều này?

Tôi xin khẳng định lại rằng, hoạt động cho vay, hoạt động đi vay, hoạt động bảo lãnh không chịu thuế GTGT. Vấn đề cung ứng dịch vụ thanh toán L/C được quy định rất rõ tại khoản 15, Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng. Chúng ta thực hiện theo pháp luật, chứ không theo nguyên lý hay đạo lý. Cơ quan thuế không thể quyết định có thu thuế hay không thu thuế, mà phải thực hiện theo pháp luật quy định. Luật tín dụng quy định thế nào,  luật thuế quy định thế nào chúng ta phải thực hiện. Việc này có sự giám sát của toàn xã hội.

- Như vậy dịch vụ L/C này đã diễn ra đã lâu rồi, vì sao cơ quan thuế không đặt vấn đề đó là dịch vụ để thu thuế GTGT ngay từ đầu, mà đến bây giờ mới đặt vấn đề này?

Không phải bây giờ chúng tôi mới đặt vấn đề, mà quy định của pháp luật về L/C như thế nào thì cơ quan thuế thực hiện đúng như vậy. Ngoài luật, còn có nghị định, thông tư hướng dẫn chi tiết. Tất cả các văn bản này đều không đặt vấn đề thu thuế GTGT đối với hoạt động bảo lãnh và cho vay, mà chỉ thu thuế GTGT với dịch vụ. Dịch vụ nào đều được được quy định rõ trong luật. Như tôi được biết, trước đây L/C là một hình thức tín dụng hỗn hợp. Còn hiện nay thì Luật Các tổ chức tín dụng đã quy định rất rõ đó là dịch vụ thanh toán.

Tôi cũng nói thêm rằng, các tổ chức tín dụng, các ngân hàng luôn là những người nộp thuế chân chính. Chúng tôi luôn đánh giá cao các đơn vị này đã thực hiện rất tốt chính sách pháp luật về thuế. Ngoài ra, trong Luật Quản lý thuế có quy định người nộp thuế được tự khai, tự tính, tự nộp, tự chịu trách nhiệm với tờ khai của mình. Cơ quan thuế không can thiệp sâu vào việc tự khai của doanh nghiệp, chỉ khi nào thanh tra, kiểm tra phát hiện sai sót thì mới hướng dẫn người nộp thuế.

Nghiệp vụ tín dụng lâu nay các ngân hàng tự khai với cơ quan thuế. Nhưng như tôi đã nói trên đây, vừa qua cơ quan kiểm toán, thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đã nêu vấn đề này và đặt vấn đề tại sao L/C theo Luật Các tổ chức tín dụng nói rằng đây là hoạt động dịch vụ mà ngân hàng kê khai không đúng. Từ ý kiến này, để đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật, Tổng cục Thuế mới có chỉ đạo các cục thuế cùng với ngân hàng rà soát lại.

- Giả sử trong trường hợp chúng ta xác định L/C là dịch vụ và tiến hành thu thuế GTGT, theo ý kiến của Hiệp hội Ngân hàng, thuế GTGT là thuế gián thu. Nếu truy thu từ 1/1/2011 thì các ngân hàng phải truy thu ngược lại đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, điều này sẽ gây khó khăn. Theo Tổng cục Thuế, nếu trường hợp thu thì sẽ như thế nào?

Giả sử khi đã thống nhất được L/C là dịch vụ thì ngân hàng sẽ phải khai bổ sung thuế GTGT. Sau khi khai bổ sung, ngân hàng lấy nguồn nào để nộp là trách nhiệm của ngân hàng, cơ quan thuế không can thiệp.

- Sau khi rà soát, ai sẽ là người quyết định đây là dịch vụ hay bảo lãnh cho vay để quyết định thu hay không thu, thưa ông?

Như chúng ta đã biết, Quốc hội là cơ quan ban hành luật; Chính phủ ban hành nghị định quy định chi tiết một số điều; các bộ, cơ quan thuộc chính phủ sẽ ban hành các thông tư hướng dẫn với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực chuyên ngành. Pháp luật quy định đến đâu, quy định đến thời điểm nào áp dụng thì chúng ta tuân thủ theo quy định đó, thời điểm đó. Ngành Thuế cũng phải tuân thủ, không thể thực hiện khác được. 

Kiến nghị của Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, việc thu thuế GTGT với trường hợp L/C là không đúng bản chất. Nhưng như tôi đã nói, thu thuế là thu theo luật, chứ không phải thu theo đạo lý, chúng ta đều phải tuân thủ.

- Mở rộng ra phạm vi quốc tế, theo kinh nghiệm của ông thì các quốc gia khác có thu thuế với dịch vụ L/C này không, thưa ông?

Trong gần 200 nước áp dụng thuế GTGT, thì 50% nước trong số đó có thu dịch vụ L/C. Vì hàng hóa dịch vụ trong một quốc gia, thì quốc gia đó có quyền thu thuế GTGT, đó là nội luật của mỗi quốc gia. Với Việt Nam, chúng ta không bê y nguyên những quy định đó vào áp dụng được, mà phải dựa trên nền tảng pháp luật của Việt Nam. 

Luật thuế GTGT lần đầu tiên có hiệu lực thi hành từ 1/1/1999 vẫn quy định rất rõ và hiện nay cơ quan thuế đang thực hiện thu thuế GTGT theo hướng dẫn của Thông tư 219/2013/TT-BTC, Thông tư số 26/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Xin cảm ơn ông!

Tin mới lên