Nhân vật

Con trai Chủ tịch Lê Viết Hải được đề cử vào ban lãnh đạo Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình

(VNF) - Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HBC) mới đây đã công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020.

Đáng chú ý, tại cuộc họp lần này này, HĐQT Hòa Bình sẽ trình cổ đông thông qua đơn từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019-2024 của ông Trương Quang Nhật. Trước đó, ông Nhật đã có đơn từ nhiệm và đã được HĐQT thông qua trong cuộc họp cuối tháng 5.

Để thay thế vị trí này, công ty dự kiến trình cổ đông bổ sung 1 thành viên nhiệm kỳ 2019-2024, ứng viên được đề cử bởi HĐQT là ông Lê Viết Hiếu - Phó tổng giám đốc đối ngoại khu vực miền Bắc.

Ông Lê Viết Hiếu.

Được biết ông Lê Viết Hiếu sinh năm 1992, tốt nghiệp chuyên ngành Tài chính Doanh nghiệp tại trường California Polytechnic State University (Mỹ).

Trở về Việt Nam, ông Lê Viết Hiếu làm việc 2 năm tại ngân hàng Shinhan với vị trí Chuyên viên Tín dụng doanh nghiệp trước khi làm việc tại Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình. Từ tháng 12/2016 – tháng 3/2018, ông Hiếu là Phó Giám đốc phát triển thị trường nước ngoài, Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình. Từ tháng 4/2018 – tháng 5/2019, ông Hiếu giữ chức Giám đốc phát triển thị trường nước ngoài. Từ tháng 6/2019 đến nay, ông Hiếu đảm nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc đối ngoại khu vực miền Bắc của Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 được Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình công bố trước đó, doanh thu thuần quý vừa qua của HBC giảm tới 34% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 2.441 tỷ đồng. Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp giảm 45% xuống còn 188 tỷ đồng.

Trong kỳ, HBC ghi nhận 14,4 tỷ đồng doanh thu tài chính. Ngoài ra còn có lợi nhuận khác trên 18 tỷ đồng. Tuy nhiên, gánh nặng chi phí vẫn bào mòn gần hết nguồn thu.

Theo đó, chi phí tài chính quý I/2020 của HBC ở mức 66,1 tỷ đồng, tăng 17%; chi phí bán hàng ở mức 10,3 tỷ đồng, tăng 14%; chi phí quản lý doanh nghiệp trên 119 tỷ đồng, giảm 6%. Bên cạnh đó, HBC còn ghi nhận khoản lỗ 6,4 tỷ đồng từ công ty liên doanh liên kết.

Trừ đi cả chi phí thuế, chốt quý, lợi nhuận sau thuế (lãi ròng) của HBC chỉ vỏn vẹn hơn 5 tỷ đồng, giảm tới 95% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của HBC âm (-) tới 533 tỷ đồng trong quý I/2020, chủ yếu do doanh nghiệp này phải chi lượng lớn tiền để chi trả các khoản phải trả, đặc biệt là các khoản phải trả người bán ngắn hạn, cùng với đó là tiền chi để gia tăng hàng tồn kho.

Thêm vào đó, HBC cũng quyết định giảm bớt nợ vay nên dòng tiền thuần từ hoạt động tài chính cũng âm (-) gần 100 tỷ đồng.

Mặc dù hoạt động đầu tư đem về dòng tiền thuần dương (+) 162 tỷ đồng nhưng lượng tiền này là không đủ để bù đắp sự "hụt" đi của dòng tiền kinh doanh và dòng tiền tài chính. Do đó, tiền và tương đương tiền đã sụt giảm hơn 460 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm, xuống còn 106 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của HBC tới thời điểm cuối tháng 3 ở mức gần 4.000 tỷ đồng. Nợ phải trả gấp 2,7 lần vốn chủ sở hữu, ở mức trên 10.700 tỷ đồng; trong đó, nợ vay ở mức trên 4.800 tỷ đồng, cao hơn vốn chủ sở hữu, là tín hiệu cho thấy nợ phải trả nói chung và nợ vay nói riêng đang là một gánh nặng đối với doanh nghiệp này.

Tin mới lên