Tài chính quốc tế

Công cụ tỷ giá – "Một mũi tên, nhằm nhiều đích"

(VNF) - Trong khi các đồn đoán về khả năng quốc tế hóa đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc, một nhóm chuyên gia của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã tới Bắc Kinh để nghiên cứu việc đưa đồng NDT vào "rổ tiền" dự trữ toàn cầu (SDR). Bất ngờ ngày 11 và 2 ngày tiếp sau đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã hạ giá đồng NDT so với đồng USD xuống mức thấp nhất kể từ 3 năm trở lại đây với 4,6%.

Công cụ tỷ giá – "Một mũi tên, nhằm nhiều đích"

Từ gây hiệu ứng toàn cầu…

Điều bất ngờ đã xẩy ra, trong 3 ngày liên tiếp (11-13/8), Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã quyết định hạ giá đồng NDT xuống mức thấp nhất so với cách đây 3 năm, từ 1,9% đến 1,6% và 1,1% khiến cho đồng NDT hạ 4,6% so với đồng USD.

Ngày 14/8, PBOC lại bất ngờ điều chỉnh tăng giá đồng NDT 0,05%, nói là để khắc phục tình trạng yếu kém của nền kinh tế và là bước đi nhằm cải cách hệ thống tiền tệ theo hướng để cho thị trường điều tiết nhiều hơn.

Trong các ngày 18 và 19/8, Trung Quốc lại bơm 230 tỷ NDT (35 tỷ USD) cho 14 tổ chức tài chính với thời hạn sử dụng 6 tháng và lãi suất chỉ là 3,35%, nhằm duy trì khả năng thanh khoản trong hệ thống ngân hàng, đồng thời khuyến khích các ngân hàng sử dụng khoản tiền này để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, các doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp và các mắt xích yếu của nền kinh tế.

Với việc hạ giá kỷ lục của đồng NDT khiến các các đồng tiền khác cũng lao dốc mạnh, nhất là các đồng tiền ở châu Á, châu Mỹ Latinh nơi có quan thương mại lớn với Trung Quốc. Thị trường hàng hóa giảm điểm, trong khi chứng khoán Hồng Kông và trái phiếu Mỹ lại tăng giá.

 Ngay sau khi đồng NDT giảm giá, các đồng tiền của 12 nước chịu tác động giảm giá mạnh nhất là: Nga, Singapore, Hong Kong, Đài Loan, Hàn Quốc, Brazil, Colombia, Mehico, Malaysia, Ấn Độ, Malaysia và Thổ Nhĩ Kỳ. Australia, Hàn Quốc và Singapore giảm ít nhất 1%. Trên thị trường Hồng Kông, đồng NDT cũng giảm hơn 1,6%.

Cùng thời gian, chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương đều giảm từ 0,3% đến 0,5.

Với kinh tế Mỹ cũng ảnh hưởng không nhỏ, nhất là các nhà sản xuất và xuất khẩu do chính sách điều chỉnh tỷ giá đồng NDT của Bắc Kinh. Có chuyên gia nhận xét, trên thực tế Trung Quốc đang "xuất khẩu giảm phát" sang Mỹ. Trong khi đồng USD tăng giá so với 16 đồng tiền chủ yếu, thì đồng đô la Australia, New Zealand, Singapore và Đài Loan giảm mạnh, ít nhất là 0,7%.

Đồng won của Hàn Quốc cũng không thoát khỏi cơn sụt giảm. Vì thế, theo giới phân tích, quyết định của PBOC phá giá đồng NDT sẽ có tác động toàn cầu, cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Giới phân tích còn cho rằng, động thái của phá giá đồng NDT có thể còn  nhằm vào Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), buộc cơ quan này phải trì hoãn kế hoạch nâng lãi suất vào tháng 9 tới.

NDT và USD là hai đồng tiền đang tăng giá trong bối thì trường tài chính toàn cầu đang phải chứng kiến các nước đua nhau nới lỏng tiền tệ. Trung Quốc và Mỹ đều đứng trước nguy cơ giảm phát, và suy giảm tốc độ xuất khẩu khiến hai đồng tiền đều mạnh hơn.

Giờ đây, đồng USD lại tiếp tục tăng giá khiến FED tỏ ra lúng túng thực sự khi đưa ra quyết định cuối cùng vào tháng 9 tới về vấn đề tăng lãi suất như đã hứa hẹn nhiều lần.

Tờ "Thời báo tài chính" của Anh cho là NDT đang trở thành một thế lực mạnh trên phạm vi toàn cầu khi vị thế của đồng tiền này ngày càng được tăng cường để có thể làm thay đổi cán cân hiện nay trong lĩnh vực tài chính và tiền tệ quốc tế là có cơ sở, nếu đồng NDT vượt qua được cuộc "kiểm tra" của thị trường lần này.

Với những áp lực thị trường trong trong thời gian vừa qua, nhất là "cú sốc" do vỡ "bong bóng" chứng khoán cho thấy trong nền kinh tế Trung Quốc vẫn còn nhiều sự yếu kém trong quản lý vĩ mô, nhất là khả năng tạo ra tính bền vững cho quá trình phát triển của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Tuy nhiên, giới phân tích còn cho rằng, chính Trung Quốc sẽ chịu hệ quả không nhỏ từ việc phá giá đồng NDT, vì trên thị trường hàng hóa thì người mua lớn nhất lại là người tiêu dùng Trung Quốc.

Theo chỉ số Bloomberg Commodity Index thì "đồng NDT giảm giá, giá hàng hóa sẽ tăng lên đối với người mua ở Trung Quốc", nên việc thay đổi chính sách tiền tệ rất có thể sẽ nảy sinh hệ quả trái chiều.

Đến kích thích tăng trưởng kinh tế…

Bắc Kinh giải thích rằng, đồng NDT mạnh trên thực tế đã gây áp lực lên kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc. Sản lượng hàng xuất khẩu từ Trung Quốc ra nước ngoài suy giảm đáng kể với mức 8,3% so với cùng kỳ năm trước. 

"Việc giữ tỷ giá NDT/ USD ổn định mang lại lợi ích trong khi đồng NDT đang chạy đua vào SDR, nhưng hiện nay chính sách tiền tệ nới lỏng yêu cầu trước tiên lại là giữ đồng NDT yếu hơn". "Điều này làm tăng thêm sức hấp dẫn cho đồng USD trước khi bước vào cuộc họp tháng tới" của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED).

Giới quan sát cho rằng: "Động thái của PBOC là sự điều chỉnh duy nhất trong kế hoạch duy trì đồng NDT ổn định ở mức ‘hợp lý’. Đồng thời vai trò của thị trường được nâng cao trong việc xác định tỷ giá cố định". IMF cũng phản ứng tích cực đối với động thái điều chính tỷ giá giữa động NDT và đồng USD của Bắc Kinh cho đây là hướng đi phù hợp với cơ chế thị trường.

Ngay sau động thái hạ giá đồng NDT ngày thứ nhất (11/8) John Gorman, người đứng đầu các giao dịch lãi suất đồng USD tại Nomuara Holding Inc châu Á-Thái Bình Dương tại Tokyo lại cho rằng: "Họ nói đây là lần điều chỉnh duy nhất nhưng tôi không nghĩ rằng thị trường thực sự như vậy".

"Đây có thể là khởi đầu của một sự thay đổi rộng lớn hơn. Đó là lý do vì sao thị trường đang phản ứng mạnh mẽ như vậy". Và thực tế đến nay PBOC đã hạ lần thứ 3 liên tiếp và có thể còn diễn ra như dự đoán của John Gorman.

Trong một thời gian dài Bắc Kinh đã cố giữ giá đồng NDT để khuyến khích người dân trong nước mua hàng hóa nhiều hơn và các công ty Trung Quốc có thể đầu tư ra nước ngoài một cách thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, trong tháng 7 xuất khẩu của Trung Quốc bất ngờ giảm xuống 8,3%, nhập khẩu trong cùng thời kỳ cũng giảm 8,1%, sau khi đã giảm 6,1% hồi tháng 6.

Giới quan sát cho rằng, Trung Quốc đã "buộc" phải chọn thời điểm này để phá giá đồng NDT, nhằm nỗ lực hỗ trợ cho các nhà xuất khẩu trong nước, nhằm tăng tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu Trung Quốc, trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang tăng trưởng ở mức chậm nhất kể từ 6 năm trở lại đây.

Các số liệu kinh tế được coi là khá ảm đạm như: xuất khẩu sụt giảm, hoạt động sản xuất tăng trưởng yếu hơn dự báo, tín dụng cũng tăng trưởng chậm lại. Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đang cố gắng cân bằng giữa kích cầu kinh tế và cắt giảm đầu tư dựa vào vay nợ.

Vì thế, nhiều chuyên gia cho rằng việc chững lại và suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc đã trở thành vấn đề cấp bách nhất cần xử lý bằng công cụ tỷ giá.

Đây cũng là điều làm dấy lên sự nghi ngờ về sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đồng thời tác động trực tiếp lên đồng tiền của cả đối thủ cạnh tranh và đối tác thương mại trên phạm vi toàn cầu, nhất là khu vực châu Á và châu Mỹ Latinh, những nơi có quan hệ thương mại lớn với Trung Quốc.

Và chứng minh vị thế của đồng NDT…

Trong mấy năm gần đây, Trung Quốc cố gắng duy trì tình trạng ổn định của đồng NDT so với đồng USD, nhằm khuyến khích sử dụng đồng NDT rộng rãi trên phạm vi toàn cầu để đồng NDT có thể được IMF lựa chọn trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế cùng với các đồng tiền khác như: USD (Mỹ), Euro (Eurozone), Yên (Nhật) Bảng (Anh), Franc (Thụy Sỹ), CAD (Canada), AUD (Australia)… trong "rổ tiền" có Quyền rút vốn đặc biệt (SDR).

Hồi đầu năm nay, giới chức Trung Quốc đã đề nghị IMF đưa đồng NDT vào "rổ tiền" SDR. Theo dự kiến ban đầu, IMF sẽ xem xét đề nghị này của Bắc Kinh vào tháng 10 năm nay. Theo giới phân tích, khả năng đồng NDT trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu là rất lớn, vì nó đã đạt được một số tiêu chí có tính toàn cầu như:

(1) Cho đến nay đã có 30 quốc gia ký với Trung Quốc hợp đồng hoán đổi tiền tệ, có 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có ngân hàng thanh toán của Trung Quốc như: Anh, Đức, Pháp, Luxembourg, Hong Kong, Singapore, Malaysia, Qatar, Canada và Australia. Con số giao dịch trên gần 200 quốc gia cũng đã là 4.800 tỷ NDT.

(2) Thị phần giao dịch thương mại toàn cầu bằng đồng NDT đã tăng hơn 20%; lượng tiền gửi ở nước ngoài đã tăng gấp 10 lần trong 5 năm liên tiếp; và hiện đồng NDT đã có mặt tại hơn 10.000 ngân hàng trên thế giới.

Thị trường trái phiếu niêm yết bằng NDT phát hành ngoài Trung Quốc cũng đã tăng lên hàng chục đợt bán mỗi tháng. Về giá trị đồng NDT trong thập kỷ vừa qua được IMF cho là "khá hợp lý".

(3) Hồi tháng 6/2014, đồng NDT đã vượt franc (Thụy Sỹ) để chiếm vị trí số 7 trong những đồng tiền được sử dụng phổ biến trong thanh toán quốc tế. Trước đó, năm 2012 đồng tiền này còn đứng thứ 20.

Ngoài ra còn phải kể đến một trong những thành công lớn nhất của Trung Quốc trên thị trường tài chính toàn cầu là thành lập được Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB),  57 quốc gia góp mặt trong danh sách các nước chính thức là thành viên sáng lập AIIB, có cả 15 quốc gia thành viên EU – đồng minh của Mỹ (Anh, Đức, Pháp, Italia, Luxembourg, Thụy Sỹ, Áo, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan, Đan Mạch, Phần Lan, Gruzia, Thuỵ Điển, Ba Lan, Tây Ban Nha) tham gia vào ngân hàng này.

Đây cũng là một trong những bước đi nhằm thực hiện tham vọng quốc tế hóa đồng NDT của Trung Quốc.

Trong cuộc họp đầu tiên của các cổ đông sáng lập AIIB ngày 4/5, ngân hàng này đã tuyên bố lấy USD là đồng tiền giao dịch chủ yếu. Đây là đòn tâm lý đánh mạnh vào sự hoài nghi của dự luận về việc Bắc Kinh muốn thông qua AIIB để thao túng thị trường tài chính thế giới.

Có những dự báo còn cho rằng đến năm 2030, NDT có lẽ sẽ sánh ngang USD và một trong những đồng tiền thống trị thị trường thế giới, khả năng tham gia "rổ tiền" dự trữ toàn cầu của đồng NDT là rất cao.

Động thái bất ngờ của PBOC thực sự là "cú va đập mạnh" giữa đồng NDT và đồng USD trong bối cảnh chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Tập Cân Bình sắp diễn ra vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, giới phân tích cũng cho rằng, Trung Quốc đã có những bước đi khá mạnh mẽ để thúc đẩy quá trình đưa đồng NDT vào "rổ tiền " toàn cầu, trong đó quan trọng nhất là việc hạn chế kiểm soát vốn và mở rộng khả năng tự do chuyển đổi của đồng NDT.

Qua đó Trung Quốc tiếp tục (1) tìm kiếm sự đồng thuận của 187 nước thành viên; (2) vượt qua bài kiểm tra của thị trường tài chính; (3) và làm vừa lòng quốc gia có tỷ lệ phiếu bầu trong IMF cao nhất với 17%, đó là Mỹ.

 Mặt khác, Mỹ lâu nay vẫn cáo buộc Trung Quốc "ép giá" đồng NDT để nó không phản ánh đúng với giá trị thực của đồng tiền này. Trước đây giới chức tài chính Mỹ vẫn cho rằng đồng NDT thấp hơn giá trị thực của nó khoảng 5-10%.

Vì thế, rất có thể nhân dịp này Bắc Kinh muốn chứng minh rằng đồng NDT của họ đã được "tự do" chuyển đổi trên thị trường, rằng Trung Quốc đã có bước đi quan trọng trong quá trình cải cách hệ thống tiền tệ, và giá trị thực của đồng NDT không còn bị Trung Quốc cố ý bóp méo như cáo buộc của Mỹ.

Mới đây IMF đã thông báo dự kiến chuyển cuộc họp để xét tuyển thêm các đồng tiền có thể tham gia vào "rổ tiền" có khả năng thanh toán toàn cầu đến tháng 9/2016, thay cho kế hoạch cũ ấn định vào tháng 10/2015, nên Bắc Kinh càng có thêm thời gian để chứng minh những tham vọng "thầm kín" của mình trên thị trường tài chính, đặc biệt là tính toàn cầu của đồng NDT của Trung Quốc.

Tuy nhiên, nếu lần này đồng NDT không khẳng định vị thế toàn cầu của mình thì tính tiêu cực là rất lớn. Điều mà các nhà kinh tế đặc biệt quan ngại là nền kinh tế Trung Quốc tuy phát triển nhanh nhưng tính bền vững bị hạn chế, nguy cơ "bong bóng" vẫn còn cao, sự đổ vỡ của thị trường chứng khoán vừa qua đã chứng minh điều đó.

Mặt khác, cần phải quan tâm là độ tín nhiệm của  đồng NDT hiện vẫn rất khiêm tốn chỉ chiếm 1,4% trong thanh toán toàn cầu, trong khi  tỷ lệ này của đồng USD là 60,7%.

Như vậy, từ chính sách "neo" tỷ giá đồng NDT với đồng USD đến "thả nổi" có quản lý, lần này Bắc kinh đã thực hiện giải pháp chiến lược "bắn một mũi tên, nhằm nhiều đích".

Tuy nhiên, tham vọng thông qua chính sách đồng NDT "yếu" cũng khó có thể giúp Trung Quốc giải quyết được tất cả mọi vấn đề. Điều quan trọng nhất là, Trung Quốc kích cầu xuất khẩu trong bối cảnh sự phục hồi và tăng trưởng toàn cầu vẫn còn yếu ớt, nhất là thị trường châu Âu và cả thị trường Mỹ, Nhật Bản - hai nền kinh tế lớn thứ nhất và thứ ba thế giới.

Vì thế, giới phân tích và dư luận cho rằng, bằng động thái phá giá đồng NDT trong bối cảnh hiện nay, với tham vọng "một mũi tên, nhằm nhiều đích", vừa tăng xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa chạy đua "nước rút" để đồng NDT sớm góp mặt trong "rổ tiền" toàn cầu của Trung Quốc… hiệu quả thực sự của chính sách tỷ giá hiện vẫn còn đang ở phía trước.

Tin mới lên