Công nghệ

Công nghệ tuần qua: AirVisual lọt top tải nhiều tại Việt Nam, Samsung 'tháo chạy' khỏi Trung Quốc

(VNF) - Chất lượng không khí báo động, đặc biệt là tại Hà Nội và TP. HCM khiến ứng dụng kiểm tra chất lượng không khí AirVisual trở thành một trong những ứng dụng được download nhiều nhất tại Việt Nam trong tuần qua.

Công nghệ tuần qua: AirVisual lọt top tải nhiều tại Việt Nam, Samsung 'tháo chạy' khỏi Trung Quốc

AirVisual là ứng dụng được sử dụng để đo mức độ ô nhiễm không khí

AirVisual trở thành 'ứng dụng quốc dân' của người Việt

AirVisual là ứng dụng cung cấp thông tin về mức độ ô nhiễm tại các thành phố trên thế giới theo thời gian thực, cũng như dự đoán về tình trạng không khí tại các thời điểm trong ngày và các ngày trong tuần, từ đó cho phép người dùng sắp xếp chế độ sinh hoạt hay đi lại phù hợp.

Chất lượng không khí trong thời gian vừa qua tại Hà Nội và TP. HCM là một trong những nguyên nhân khiến ứng dụng AirVisual nhận được sự quan tâm đặc biệt tại Việt Nam.

Cụ thể, trên các kho ứng dụng của người dùng IOS và Android, AirVisual nằm trong top các ứng dụng được download hàng đầu tại Việt Nam.

Trong phần đánh giá, nhiều người dùng Việt cũng cho biết sở dĩ họ cài ứng dụng là để biết được chất lượng không khí mỗi ngày tại khu vực mình sinh sống, từ đó có những biện pháp bảo vệ cho mình, đồng thời thông báo đến người thân đặc biệt là người già, trẻ nhỏ.

Một số người dùng cũng góp ý, cho rằng các ứng dụng nên mở rộng các phạm vi đo đạc, đồng thời nên có thêm tính năng cảnh báo khi người dùng đi vào vùng không khí chất lượng kém.

Tại Hà Nội, AirVisual khẳng định họ lấy dữ liệu từ 14 trạm quan trắc, trong đó 10 trạm là của chính phủ, bao gồm 9 trạm của Cổng Thông tin Quan trắc Môi trường, 1 trạm của Đại sứ quán Mỹ và 4 trạm của "người đóng góp (contributors)”.

Tại TP. HCM, AirVisual có dữ liệu từ 7 trạm, gồm Lãnh sự quán Mỹ, các tổ chức phi chính phủ gồm các đối tác của AirVisual (một đại học và các trường học). (Xem thêm)

Samsung dừng sản xuất điện thoại di động tại Trung Quốc

Ngày 2/10, Samsung Electronics cho biết đã chính thức dừng sản xuất điện thoại di động tại Trung Quốc, giữa lúc hãng phải đối mặt với cạnh tranh mạnh mẽ từ các đối thủ sở tại trong thị trường điện thoại thông minh lớn nhất thế giới.

Việc đóng cửa nhà máy điện thoại Samsung cuối cùng ở Trung Quốc diễn ra sau khi hãng này cắt giảm sản xuất tại nhà máy ở thành phố Huệ Châu vào tháng 6 và đình chỉ một nhà máy khác vào cuối năm ngoái, nhấn mạnh sự cạnh tranh gay gắt ở quốc gia đông dân nhất thế giới.

Gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc ngừng sản xuất điện thoại ở Trung Quốc cũng diễn ra trong bối cảnh các nhà sản xuất khác chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc do chi phí lao động tăng và suy thoái kinh tế.

Theo nghiên cứu thị trường của Counterpoint, thị phần của Samsung tại thị trường Trung Quốc đã giảm xuống 1% trong quý đầu tiên từ mức 15% vào giữa năm 2013, do thua thiệt trước các thương hiệu sở tại đang phát triển nhanh như Huawei Technologies và Xiaomi Corp. (Xem thêm).

Thanh tra diện rộng SIM rác trên toàn quốc

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có văn bản chỉ đạo Sở Bộ Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trên cả nước phối hợp với chính quyền địa phương, công an, lực lượng quản lý thị trường... tiến hành thanh tra diện rộng SIM rác trên địa bàn.

Theo đó, đợt thanh tra này sẽ bắt đầu từ tháng 10/2019. Các doanh nghiệp viễn thông di động, tổ chức, cá nhân, cửa hàng, đại lý phân phối, bán SIM điện thoại… sẽ là đối tượng bị thanh tra dịp này.

Để nâng cao hiệu quả, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố, Bộ Công an, Bộ Công Thương cùng phối hợp chỉ đạo đợt thanh tra lần này.

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông hiện nước ta vẫn còn tồn tại hơn 20 triệu SIM rác. (Xem thêm).

Việt Nam lọt top 10 quốc gia có website bị tấn công nhiều nhất thế giới

Theo báo cáo của CyStack - công ty công nghệ hoạt động trong lĩnh vực an ninh mạng, trong quý III/2019, đã có tới 127.367 website bị tấn công trên toàn cầu, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, cứ mỗi phút trôi qua lại có một website bị xâm phạm.

Cũng trong báo cáo của CyStack, số vụ tấn công các website của Việt Nam trong quý III/2019 là 2.523, tăng 113% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với con số trên, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 10 trên bảng xếp hạng các quốc gia bị tấn công website nhiều nhất thế giới trong quý III/2019. Các website có tên miền .com, .vn và .net bị tấn công nhiều nhất.

Theo thống kê của CyStack, trên thế giới đã có tổng số hơn 450.000 website bị tin tặc tấn công và chiếm quyền kiểm soát, cao nhất vào quý II với hơn 175.000 website bị tấn công. Trong đó, đã có 8.356 hệ thống website tại VIệt Nam trở thành nạn nhân của tin tặc. (Xem thêm)

Tin mới lên