Bất động sản

Công ty Ấn Độ muốn đầu tư xây dựng công viên dược phẩm tại Việt Nam

(VNF) - Theo đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu, một nhóm công ty dược Ấn Độ mong muốn đầu tư xây dựng công viên dược phẩm (Pharma Park), mô hình khu công nghiệp chuyên sản xuất dược tại Việt Nam.

Công ty Ấn Độ muốn đầu tư xây dựng công viên dược phẩm tại Việt Nam

Ý tưởng về công viên dược phẩm có nhiều triển vọng. (Ảnh minh họa)

Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ vừa phối hợp với Công ty Sri Avantika (Ấn Độ) tổ chức hội thảo trực tuyến kết nối đầu tư xây dựng công viên dược phẩm tại Việt Nam. Cùng dự có đại diện các tỉnh/thành: Đà Nẵng, Long An, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, Hải Dương, Khánh Hòa, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa.

Tại hội thảo, đại sứ Phạm Sanh Châu cho biết đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đang tích cực tìm kiếm và xúc tiến đầu tư từ các doanh nghiệp sở tại trên nhiều lĩnh vực, trong đó có dược phẩm.

Đây là lĩnh vực Ấn Độ đặc biệt có thế mạnh với vị trí thứ ba về khối lượng và thứ 14 về giá trị dược phẩm trên toàn cầu. Các công ty dược phẩm hàng đầu của Ấn Độ đã nhận được chứng chỉ quốc tế từ Mỹ, EU và Australia.

Cũng theo đại sứ Phạm Sanh Châu, hiện nay, đại sứ quán đang làm việc với một nhóm công ty dược Ấn Độ mong muốn đầu tư xây dựng công viên dược phẩm (Pharma Park), mô hình khu công nghiệp chuyên sản xuất dược tại Việt Nam.

Theo đó, nhóm công ty này mong muốn xây dựng một công viên dược phẩm tại Việt Nam và sau đó mời các công ty dược từ Ấn Độ, Mỹ và châu Âu sang đặt nhà máy sản xuất tại đây. Khu công nghiệp này sẽ có cả các nhà máy sản xuất dược liệu/phụ liệu và các nhà máy thuốc thành phẩm để khắc phục điểm yếu về nguồn cung dược liệu trong chuỗi sản xuất dược tại Việt Nam.

Đại sứ quán đã tổ chức đoàn công tác tham quan nhà máy sản xuất của nhóm công ty này tại thành phố cảng Visakhapatnam và nhận thấy ý tưởng về công viên dược phẩm có nhiều triển vọng.

Hội thảo được tổ chức nhằm kết nối nhóm các nhà đầu tư này với các địa phương của Việt Nam để các bên cùng khám phá khả năng hợp tác và đưa ý tưởng công viên dược phẩm trở thành hiện thực tại Việt Nam.

Một số tiêu chí ban đầu như: vị trí xây dựng công viên dược phẩm gần các cảng biển nhưng không quá xa thành phố và có hạ tâng giao thông tốt để thuận tiện cho việc nhập khẩu nguyên liệu thô và xuất khẩu thành phẩm; diện tích đất sạch tích lý tường từ 500 - 1000 ha (tối thiểu 300 ha) cùng những ưu đãi cho xây dựng hạ tầng và sản xuất kinh doanh từ chính quyền; nguồn cung năng lượng không gián đoạn; nguồn nước sạch đảm bảo sản xuất; nguồn cung nhân lực dồi dào...

Công viên Dược phẩm Visakhapatnam được nhiều công ty đa quốc gia như Hospira, Hetero, Shasun, Natco, Eisai... lựa chọn đặt nhà máy. Các nhà máy tại khu vực Visakhapatnam đóng góp tới 30% tổng sản lượng thuốc xuất khẩu của cả Ẩn Độ.

Đặc biệt, nhà máy sản xuất thuốc thành phẩm số 2 của công ty VKT, với vốn đầu tư 20 triệu USD, mới hoạt động với công suất 25% đã đem về doanh thu năm đầu 10 triệu USD.

Nhà máy sản xuất thuốc và dược liệu số 3 của công ty SMS, được xây dựng trên diện tích 40ha với vốn xây dựng 86 triệu USD (2010), có doanh thu hàng năm gần 90 triệu USD và sử dụng khoảng 800 nhân công.

Tin mới lên