Tài chính tiêu dùng

Công ty bảo hiểm nào liên quan đến trách nhiệm bảo hiểm cho vụ cháy Công ty Rạng Đông?

Sau sự cố hoả hoạn tại kho hàng của Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (HoSE: RAL) cách đây hơn một tháng, bảo hiểm và bồi thương thiệt hại luôn là vấn đề được người dân hết sức quan tâm.

Công ty bảo hiểm nào liên quan đến trách nhiệm bảo hiểm cho vụ cháy Công ty Rạng Đông?

Công ty bảo hiểm nào liên quan đến trách nhiệm bảo hiểm cho vụ cháy Công ty Rạng Đông?

Có bao nhiêu công ty bảo hiểm liên quan đến vụ cháy này? Rạng Đông đã tham gia mua bảo hiểm bao nhiêu và tổng mức độ thiệt hại thuộc trách nhiệm của nhà bảo hiểm là bao nhiêu? Các doanh nghiệp bảo hiểm liên quan đã có kế hoạch như thế nào về việc chi trả bồi thường cho RAL? Đây là những thắc mắc mà người dân đang chờ lời giải đáp.

Trả lời báo chí cuối tuần trước, ông Ngô Việt Trung, Phó cục trưởng Cục quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết Tổng công ty Bảo hiểm PVI (PVI) là nhà bảo hiểm cấp đơn bảo hiểm cháy, nổ cho RAL.

“Theo số liệu PVI cung cấp, số tiền bảo hiểm là 450 tỷ đồng, ước số tiền bồi thường thuộc phạm vi bảo hiểm khoảng 150 tỷ đồng. Hiện PVI đang phối hợp với các bên có liên quan để xác định thiệt hại, thu thập chứng từ, tài liệu có liên quan để làm căn cứ giải quyết bồi thường bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm và quy định pháp luật", ông Trung cho biết.

Liên quan đến khâu bán bảo hiểm và bồi thường bảo hiểm thời gian qua của các công ty bảo hiểm, ông Trung cho biết thời gian qua, các doanh nghiệp bảo hiểm đã tích cực, chủ động triển khai bán bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tới các cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ; kịp thời giải quyết bồi thường bảo hiểm cho các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ khi không may bị thiệt hại do cháy, nổ.

Điển hình như vụ cháy ở Công ty Meiko Eletrics Việt Nam tại Hà Nội năm 2012 đã bồi thường 520 tỷ đồng; các tổn thất xảy ra ngày 13-14/5/2014 do một số đối tượng gây rối tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh gây ra đã bồi thường 1.209 tỷ đồng; vụ cháy ở Công ty Cổ phần Ôtô Trường Hải (THACO) tại Quảng Nam năm 2016 đã bồi thường khoảng 340 tỷ đồng; vụ cháy ở Công ty THHH Kwong Lung Meko đầu năm 2017 tại Cần Thơ ước bồi thường khoảng 396 tỷ đồng...

Chính sách bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là hết sức cần thiết, là giải pháp tài chính hữu hiệu giúp các tổ chức, cá nhân không may bị thiệt hại do cháy, nổ gây ra sớm khôi phục sản xuất kinh doanh và ổn định đời sống.

Bởi lẽ, trong quá trình vận hành, sử dụng và sản xuất kinh doanh, các tổ chức, cá nhân cũng khó có thể phòng tránh được hết các rủi ro cháy, nổ.

Về việc trách nhiệm tham gia bảo hiểm cháy nổ của các doanh nghiệp thời gian qua, ông Trung cũng cho biết Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) mới là cơ quan có thông tin chi tiết về số cơ sở tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc trong thời gian qua.

Các quy định cụ thể của nhà nước về bảo hiểm cháy nổ đối với doanh nghiệp:

Thực hiện Luật Phòng cháy, chữa cháy và Luật Kinh doanh bảo hiểm về chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với các cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ, Bộ Tài chính và Bộ Công an đã phối hợp trình Chính phủ ban hành Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày 8/11/2006 của Chính phủ quy định chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc (Nghị định số 130/2006/NĐ-CP) và Nghị định số 46/2012/NĐ-CP ngày 22/5/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 4/4/2003 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy và Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày 8/11/2006 của Chính phủ quy định chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc (Nghị định số 46/2012/NĐ-CP).

Sau hơn 10 năm thực hiện, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đã tạo lập hành lang pháp lý minh bạch, thống nhất, thuận lợi cho các doanh nghiệp bảo hiểm  trong việc triển khai  bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; nâng cao nhận thức về sự cần thiết của bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc và ý thức đề phòng hạn chế rủi ro cháy, nổ của các tổ chức, cá nhân có cơ sở nguy hiểm về cháy nổ; tạo công cụ cho các Bộ, ngành liên quan và các cấp chính quyền địa phương trong công tác quản lý, giám sát việc triển khai thực hiện  bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

Đồng thời, thông qua bồi thường bảo hiểm đã giúp các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do cháy, nổ chủ động khắc phục thiệt hại và khôi phục sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống.

Ngày 23/2/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 23/2018/NĐ-CP quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, thay thế Nghị định số 130/2006/NĐ-CP và Nghị định số 46/2012/NĐ-CP.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 23/2018/NĐ-CP, cơ quan, tổ chức và cá nhân có cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có) phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tại các doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm cháy, nổ theo quy định pháp luật.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 23/2018/NĐ-CP, khuyến khích các cơ quan, tổ chức và cá nhân không thuộc đối tượng phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định tại Nghị định này mua bảo hiểm cháy, nổ trên cơ sở thỏa thuận với doanh nghiệp bảo hiểm và phù hợp với quy định pháp luật.

 

Tin mới lên