Tài chính

Công ty Khoáng sản Bà Rịa - Vũng Tàu: Bất thường quá trình cổ phần hóa

Dù đã được cổ phần hóa (CPH) từ năm 2016 nhưng đến nay, việc bàn giao Công ty TNHH MTV Khoáng sản Bà Rịa - Vũng Tàu (Công ty Khoáng sản) giữa Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC, đơn vị sở hữu Công ty Khoáng sản) và Công ty Cổ phần Khoáng sản Vũng Tàu vẫn chưa thể hoàn tất do hai bên còn nhiều “khúc mắc”.

Công ty Khoáng sản Bà Rịa - Vũng Tàu: Bất thường quá trình cổ phần hóa

Công ty Khoáng sản Bà Rịa - Vũng Tàu: Bất thường quá trình cổ phần hóa

Bán xong vốn nhà nước mới thấy “thiếu tiền”?

Sự việc bắt nguồn vào năm 2016, khi SCIC thực hiện cổ phần hóa, bán 100% phần vốn nhà nước tại Công ty Khoáng sản. Quá trình xây dựng phương án, kế hoạch cổ phần hóa, bán đấu giá cổ phần được chỉ đạo bởi Trưởng Ban chỉ đạo cổ phần hóa - ông Lê Song Lai, Phó tổng giám đốc SCIC. Còn Phó giám đốc chi nhánh SCIC phía Nam (ông Lê Việt Thành, Chủ tịch HĐQT của Công ty Khoáng sản thời điểm đó) là người chỉ đạo trực tiếp nhằm thực hiện phương án cổ phần hóa.

Theo thông báo, giá trị thực tế của doanh nghiệp để cổ phần hóa Công ty Khoáng sản là hơn 183,3 tỷ nhưng giá trị phần vốn nhà nước chỉ là hơn 79,4 tỷ do có các khoản nợ phải trả hơn 109,9 tỷ. 

Khi SCIC thực hiện bán đấu giá cổ phần, giá trị phần vốn nhà nước tại Công ty Khoáng sản đã được nhà đầu tư mua với giá hơn 113,1 tỷ. Sau khi nhà đầu tư nộp đủ tiền mua theo giá trên và số nợ phải trả, Công ty Khoáng sản đổi tên thành Công ty Cổ phần Khoáng sản Vũng Tàu (trụ sở xã Long Tân, huyện Đất Đỏ) và được nhận bàn giao các mỏ để tiếp tục hoạt động khai thác khoáng sản theo ngành nghề đăng ký. 

Việc bàn giao cơ sở vật chất tài sản và các mỏ từ SCIC sang Công ty Cổ phần Khoáng sản Vũng Tàu đã cơ bản hoàn tất. Tuy nhiên, việc bàn giao một số hồ sơ tài liệu nhằm đảm bảo Công ty Cổ phần Khoáng sản Vũng Tàu có toàn quyền trong quản lý sử dụng đất, tài sản vẫn chưa thực hiện xong. 

Trong khi Công ty Cổ phần Khoáng sản Vũng Tàu nhiều lần hối thúc đối tác thực hiện sớm thủ tục này thì SCCI lại cho rằng vốn nhà nước tại công ty cũ vẫn còn 29,4 tỷ nên chưa thể bàn giao hoàn toàn công ty (bán 5 triệu cổ phần với giá 10.000 đồng/cổ phần, tương đương vốn điều lệ công ty mới là 50 tỷ đồng). 

Ngoài ra, SCCI còn đề nghị Công ty Cổ phần Khoáng sản Vũng Tàu cung cấp nhiều hồ sơ tài liệu khác và cho rằng “đây là tài liệu cần thiết để phục vụ cho việc quyết toán cổ phần hóa”.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2011 từng chỉ rõ sai phạm tại Công ty Khoáng sản nhưng đến 2016 khi cổ phần hóa công ty vẫn chưa được khắc phục. 

Trong khi đó, Công ty Cổ phần Khoáng sản Vũng Tàu cho rằng khoản tiền hơn 29,4 tỷ mà SCIC đòi hỏi là vô lý vì nhà đầu tư đã mua toàn bộ 100% vốn nhà nước tại Công ty Khoáng sản theo công bố chính thức, công khai theo phương án cổ phần hóa.

Và khi đã bán hết 100% vốn thì cũng đồng nghĩa rằng SCIC đã không còn quyền điều hành ở công ty cổ phần nữa nên không có quyền yêu cầu được cung cấp số hiệu, tài liệu liên quan. Trách nhiệm của SCIC là cần bàn giao công ty theo đúng giá số liệu đã công bố khi cổ phần hóa.

Hậu quả của quá khứ yếu kém trong quản lý, điều hành công ty?

Đánh giá vụ việc trên, một số luật sư cho rằng, để giải quyết vướng mắc giữa hai bên do xuất hiện hai cách hiểu trên, cần xem lại phương án cổ phần hóa Công ty Khoáng sản năm 2016. 

Phương án này đã có sự bất hợp lý khi xác định vốn điều lệ của công ty sau cổ phần hóa chỉ là 50 tỷ (tương đương 5 triệu cổ phần) trong khi giá trị phần vốn nhà nước tại Công ty Khoáng sản lại được tính là hơn 79,4 tỷ. Phải chăng những tranh cãi hiện nay xuất phát từ việc tổng giá trị cổ phần (tương ứng với vốn điều lệ công ty cổ phần là 50 tỷ) đã được xác định thấp hơn giá trị phần vốn nhà nước tại Công ty Khoáng sản là 29,4 tỷ?

Theo tìm hiểu, liên quan đến việc cổ phần hóa Công ty Khoáng sản năm 2016 còn xuất hiện nhiều điểm bất thường khác. Đơn cử, tại thời điểm đó, tranh chấp giữa Công ty Khoáng sản với một số đối tác đã góp vốn, hợp tác đầu tư kinh doanh chưa được giải quyết. 

Nhiều dấu hiệu cho thấy tài sản hữu hình và vô hình (quyền khai thác khoáng sản tại một số mỏ) là của các đối tác, do các đối tác tạo nên chứ không phải của Công ty Khoáng sản. Ngoài ra, trữ lượng khoáng sản tại một số mỏ, hoặc giá trị công trình bị tính toán cao hơn thực tế, dẫn đến giá trị doanh nghiệp bị “đội” lên nhiều.

Liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản tại Công ty Khoáng sản, năm 2011, Thanh tra Chính phủ từng có kết luận thanh tra chỉ ra một số sai phạm gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích nhà nước, xã hội và các doanh nghiệp. Tuy nhiên, cho đến thời điểm cổ phần hóa năm 2016 thì kết luận thanh tra này cũng như ý kiến của lãnh đạo Chính phủ đều không được công ty thực hiện. Và dường như các sai phạm này đều bị “phớt lờ” khi thực hiện cổ phần hóa. 

Sau đó, năm 2017, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình vẫn có ý kiến nêu rõ chỉ đạo của Thủ tướng năm 2011 về vụ việc đã không được thực hiện. Hiện Công ty Khoáng sản đã được cổ phần hóa nhưng quyền lợi các doanh nghiệp tư nhân đã đầu tư, góp vốn, hợp tác kinh doanh chưa được xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật.

Phải chăng ngoài phương án cổ phần hóa thiếu hợp lý thì nguyên nhân dẫn đến vướng mắc trong việc bàn giao Công ty Khoáng sản như hiện nay là hậu quả từ sự yếu kém trong quản lý, điều hành công ty từ những năm trước đây? Đặc biệt, nếu có việc xây dựng, phê duyệt phương án, kế hoạch thực hiện cổ phần hóa, bán công khai 100% phần vốn nhà nước tại Công ty Khoáng sản nhưng nay phải “chạy theo” nhà đầu tư để đòi thêm hàng chục tỷ đồng (có dấu hiệu gây thất thoát, thiệt hại cho nhà nước) thì ai chịu trách nhiệm? 

Một luật sư đánh giá, tranh cãi về khoản 29,4 tỷ và vướng mắc trong bàn giao Công ty Khoáng sản rất có thể sẽ  phải nhờ Tòa án phân xử. Tuy nhiên, trong khi vẫn chưa bên nào khởi kiện ra tòa thì quá trình cổ phần hóa Công ty Khoáng sản năm 2016 cần phải được cơ quan chức năng kiểm tra, xem xét làm rõ. 

Tin mới lên