Thị trường

Công ty mẹ của GoViet sẽ tăng tỷ trọng thị trường quốc tế lên 50%

Hiện thành công của Gojek chủ yếu đến từ Indonesia là chủ đạo, với 80% người dùng; 20% còn lại đến từ Việt Nam, Singapore và Thái Lan. Trong số đó, Việt Nam là thị trường phát triển mạnh mẽ nhất.

Công ty mẹ của GoViet sẽ tăng tỷ trọng thị trường quốc tế lên 50%

Công ty mẹ của GoViet sẽ tăng tỷ trọng thị trường quốc tế lên 50% (Ảnh: The Straits Times)

Gojek-Công ty ứng dụng gọi xe hàng đầu của Indonesia và cũng là công ty mẹ của GoViet, đặt mục tiêu nâng tỷ trọng của thị trường quốc tế từ 20% lên thành 50% trong thời gian tới.

Thông tin này được hai đồng CEO mới của Gojek là ông Kevin Aluwi và ông Andre Soelistyo công bố ngay sau khi ông Nadiem Makarim, Sáng lập viên của siêu ứng dụng Gojek, vừa được Tổng thống Indonesia Joko Widodo bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Văn hóa.

"Chúng tôi có tham vọng lớn đối với thị trường quốc tế và đang dịch chuyển nhanh trên hành trình này trên cơ sở nhanh chóng cải tiến các quy trình, nhằm đạt được các tiêu chuẩn quốc tế mà các công ty niêm yết toàn cầu cần đạt được,” ông Kevin Aluwi, đồng sáng lập và đồng CEO của Gojek nói.

Hiện thành công của Gojek chủ yếu đến từ Indonesia là chủ đạo và chiếm tới 80% tổng số người dùng, 20% còn lại đến từ Việt Nam, Singapore và Thái Lan; trong đó Việt Nam là thị trường quốc tế đầu tiên và đang phát triển mạnh mẽ nhất, thông qua công ty liên kết GoViet.

Nhận định về mục tiêu đầy tham vọng này, ông trùm ngành năng lượng của Indonesia là Garibaldi Thohir-người sẽ trở thành Ủy viên Chủ tịch để lãnh đạo Ban giám đốc không điều hành của Gojek, cho hay: "Sự tăng trưởng của Gojek ở Việt Nam và Thái Lan là phi thường. Ở Đông Nam Á, Indonesia hiện đang là thị trường lớn nhất. Ai có thể chiếm lĩnh được thị trường Indonesia thì sẽ trở thành nhà vô địch, vì Indonesia đại diện cho 1/2 thị trường Đông Nam Á".

Hiện Gojek đang tiến gần đến mục tiêu huy động 2 tỷ USD từ nay đến cuối năm từ các nhà đầu tư lớn như Google, Tencent, JD, Mitsubishi, Visa, AIA, Astra... Công ty cũng đang chuẩn bị ráo riết cho mục tiêu Phát hành lần đầu ra công chúng (IPO).

Hai đồng CEO mới của Gojek - Kevin Aluwi (trái) và Andre Soelistyo. (Nguồn: CTV/Vietnam+)

Tại Việt Nam, công ty liên kết với Gojek là GoViet, ra mắt tại Tp. Hồ Chí Minh vào tháng 8/2018 và Hà Nội vào tháng 9/2018. GoViet nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Gojek về nguồn lực, chuyên môn và công nghệ. Vào tháng 8/2019, GoViet đã công bố cán mốc 100 triệu cuốc xe, kết nối hơn 125 nghìn đối tác tài xế với hàng triệu khách hàng và 70 nghìn đối tác tài xế.

Các dịch vụ của GoViet hiện tại đang tập trung ba mảng sản phẩm chính là GoBike (gọi xe công nghệ), GoSend (giao hàng) và GoFood (giao nhận thực phẩm). Nhiều người đặt câu hỏi về sự bền vững của công ty, khi từ 6 tháng nay không đưa ra sản phẩm mới. Tuy nhiên, trong hai tháng qua, GoViet đã phát triển thêm 25 nghìn đối tác tài xế và hơn 10 nghìn nhà hàng. Nếu như dựa trên chiến lược mở rộng thị trường đầy tham vọng của Gojek như hai đồng CEO vừa chia sẻ và dựa trên thực tế Việt Nam là thị trường quốc tế quan trọng nhất hiện tại của GoViet, thì có vẻ như sự “chững lại” của GoViet đang là một bước đi chiến lược của công ty để siết chặt lại vấn đề quản trị, chuẩn hóa quy trình, chuẩn bị cho một sự bùng nổ mới.

Gojek là kỳ lân (unicorn) có giá trị nhất ở Indonesia và là một trong những kỳ lân đắt giá nhất khu vực Đông Nam Á, được định giá hơn 10 tỷ USD. Nền tảng Gojek được coi là siêu ứng dụng với hơn 20 dịch vụ từ vận tải đến thanh toán, giao nhận thực phẩm, logistics, giải trí, và các dịch vụ “tạo phong cách sống". Ứng dụng của Gojek đã bao phủ 207 thành phố, với hơn 155 triệu lượt tải, kết nối 25 triệu người dùng thường xuyên với hơn 2 triệu đối tác tài xế, hơn 500.000 đối tác nhà hàng và hơn 60.000 nhà cung cấp dịch vụ.

Tin mới lên