Tài chính

Công ty mẹ - TKV: Hàng loạt khoản đầu tư tài chính đứng trước nguy cơ mất vốn

(VNF) – Tính đến thời điểm hết năm 2016, Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (Công ty mẹ - TKV) đã đầu tư vốn ra ngoài đơn vị hàng chục nghìn tỷ đồng, trong đó có hàng loạt khoản đầu tư có độ rủi ro cao, tiềm ẩn nguy cơ mất vốn.

Công ty mẹ - TKV: Hàng loạt khoản đầu tư tài chính đứng trước nguy cơ mất vốn

Công ty mẹ - TKV đầu tư vào nhiều đơn vị có rủi ro cao về tài chính

Công ty mẹ - TKV đầu tư ngoài doanh nghiệp 16.000 tỷ đồng

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2016, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty mẹ - TKV giảm so với năm 2015, trong đó lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 273 tỷ đồng (bằng 41% so với năm 2015).

Tại ngày 31/12/2016, vốn chủ sở hữu của Công ty mẹ - TKV là 33.958 tỷ đồng; hệ số bảo toàn vốn là 1,03.

Công ty mẹ có tổng nợ phải thu là 18.790 tỷ đồng, giảm 3.716 tỷ đồng so với đầu năm; nợ phải trả là 64.668 tỷ đồng, giảm 925 tỷ đồng so với đầu năm.

Về hiệu quả sản xuất kinh doanh, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/nguồn vốn đầu tư của chủ sở hữu năm 2016 đạt 0,73% (năm 2015 đạt 1,99%). Tại ngày 31/12/2016, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 1,9 lần; hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn là 0,92.

Tại thời điểm 31/12/2016, Công ty mẹ - TKV đã đầu tư vào 46 công ty con với tổng số tiền 16.204 tỷ đồng (trong đó lĩnh vực than là 14 đơn vị, khoáng sản 5 đơn vị, sản xuất điện 1 đơn vị, sản xuất vật liệu nổ 1 đơn vị, sản xuất cơ khí 4 đơn vị, tư vấn và đào tạo 4 đơn vị, dịch vụ 6 đơn vị và lĩnh vực khác 11 đơn vị).

Bên cạnh đó, Công ty mẹ - TKV cũng đầu tư vào 8 công ty liên kết với giá trị vốn đầu tư là 101 tỷ đồng và đầu tư vào các đơn vị khác với giá trị vốn đầu tư là 83 tỷ đồng.

Góp vốn vào nhiều đơn vị rủi ro về tài chính

Trong hàng chục đơn vị được TKV góp vốn, có một số đơn vị có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu vượt mức 3 lần, hệ số khả năng thanh toán hiện thời dưới 0,5.

Có thể kể đến như: Công ty Cổ phần than Tây Nam Đá Mài (hệ số nợ 5,05; hệ số khả năng thanh toán 0,12), Công ty Cổ phần Đưa đón thợ mỏ (hệ số nợ 3,73; hệ số khả năng thanh toán 0,48), Công ty Cổ phần than Cọc 6 (hệ số nợ 3,63; hệ số khả năng thanh toán 0,44), Công ty than Cao Sơn (hệ số nợ 6,64; hệ số khả năng thanh toán 0,37).

Hay như: Công ty Cổ phần vận tải thủy (âm vốn chủ sở hữu, hệ số khả năng thanh toán 0,27), Công ty Cổ phần Cromit Cổ Định Thanh Hóa (lỗ lũy kế bằng 34% vốn chủ sở hữu).

Một số đơn vị khác có hệ số khả năng thanh toán hiện thời trên mức 0,5 nhưng có một trong những dấu hiệu như: hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần hoặc còn lỗ lũy kế.

Cụ thể, Công ty Cổ phần than Mông Dương (hệ số nợ 4,53), Công ty Cổ phần than Hà Lầm (hệ số nợ 12,91), Công ty Cổ phần than Vàng Danh (hệ số nợ 5,66), Công ty Cổ phần Cơ khí Mạo Khê (hệ số nợ 8,47), Tổng công ty Điện lực TKV (lỗ lũy kế 354 tỷ đồng, hệ số nợ 3,73).

Bên cạnh đó, một số đơn vị đã đầu tư vốn từ nhiều năm đến nay đã tạm dừng hoạt động do chưa được cấp giấy phép khai thác (hoặc cấp phép lại) tạo nên rủi ro không thu hồi đủ vốn như:

Công ty Cổ phần Cromit Cổ Định Thanh Hóa, vốn điều lệ 400 ty đồng, TKV góp 379,196 tỷ đồng (chiếm 94,8%). Hiện nay, công ty đang tạm dừng hoạt động do chưa được tỉnh Than Hóa cấp giấy phép khai thác.

Công ty đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục, hồ sơ xin cấp phép khai thác mỏ Cromit Cổ Định Thanh Hóa. Dự án nhà máy Ferocrom của Công ty còn tồn tại trong việc bàn giao, nghiệm thu, quyết toán với nhà thầu Trung Quốc do nhà thầu này đã về nước.

Hoặc như Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê, vốn chủ sở hữu của công ty này là 1.783 tỷ đồng, trong đó TKV đã góp 1.122 tỷ đồng (chiếm 62,92%). Công ty có khoản lỗ lũy kế đến thời điểm 30/6/2017 là 24,483 tỷ đồng. Hiện nay, dự án tạm dừng theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Tin mới lên