Tài chính quốc tế

Công ty SPAC được tỷ phú giàu nhất thế giới 'chống lưng' sắp giải thể

(VNF) - Công ty mua lại với mục đích đặc biệt (SPAC, hay còn gọi là công ty séc trắng) lớn nhất châu Âu, Pegasus Europe, được thành lập bởi cựu giám đốc UniCredit, Jean Pierre Mustier và được hỗ trợ bởi tỷ phú giàu nhất thế giới, người sáng lập tập đoàn LVMH Bernard Arnault, sẽ phá sản do không tìm được mục tiêu trong lĩnh vực dịch vụ tài chính.

Công ty SPAC được tỷ phú giàu nhất thế giới 'chống lưng' sắp giải thể

Pegasus Europe được công ty tài chính của tỷ phú Bernard Arnault đầu tư.

Theo Financial Times, Pegasus Europe đã thông báo rằng họ sẽ ngừng hoạt động và chuẩn bị hoàn vốn cho các nhà đầu tư vào đầu tháng 5, nếu được sự chấp thuận của các cổ đông.

“Công ty sẽ không kết thúc công việc kinh doanh trước thời hạn là ngày 3/5/2023, do đó các đồng giám đốc điều hành của công ty đã đề xuất về việc giải thể và thanh lý công ty trong cuộc họp thường niên”, Pegasus cho biết trong một tuyên bố trên trang web của mình.

Pegasus Europe ước tính rằng các cổ đông sẽ nhận được khoảng 10 EUR/cổ phiếu cho bất kỳ khoản thanh toán dự kiến nào được thực hiện vào tháng 7, tương đương với mức giá mà SPAC được niêm yết ở Amsterdam.

Pegasus là công ty mua lại mục đích đặc biệt (SPAC), hay còn gọi là công ty séc trắng, tập trung vào lĩnh vực dịch vụ tài chính châu Âu, được thành lập bởi 2 trong số giám đốc ngân hàng giàu kinh nghiệm nhất châu Âu là Jean-Pierre Mustier và Diego De Giorgi cũng như hỗ trợ từ Tikehau Capital, Financière Agache với tổng mức đầu tư 55 triệu EUR.

Ngoài ra, Financière Agache, công ty dưới trướng ông chủ LVMH Bernald Arnault, và tập đoàn đầu tư Tikehau Capital của Pháp đã cam kết sẽ cung cấp thêm 100 triệu EUR nếu tìm thấy mục tiêu niêm yết.

Sau khi huy động thành công 484 triệu EUR từ các nhà đầu tư tổ chức quốc tế chất lượng cao và được niêm yết trên Euronext Amsterdam vào năm 2021, Pegasus nhắm mục tiêu đến các doanh nghiệp trong ngành dịch vụ tài chính châu Âu, cho rằng lĩnh vực này đã chín muồi để củng cố và tạo bước đột phá sau nhiều thập niên lãi suất thấp và quy định chặt chẽ.

Tuy nhiên, theo nguồn tin của Financial Times, Pegasus đã gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các mục tiêu chất lượng cao với mức giá phù hợp, đặc biệt là sau khi các ngân hàng trung ương bắt đầu tăng lãi suất vào năm ngoái.

Theo đó, công ty đã xem xét hàng chục mục tiêu tiềm năng trong lĩnh vực quản lý tài sản, thanh toán và fintech, đưa ra đề nghị mua lại từ 5-10 mục tiêu trong số đó nhưng không thể tìm được tiếng nói chung về giá giao dịch.

Các công ty séc trắng thường huy động tiền mặt bằng cách niêm yết trên thị trường chứng khoán trước khi tìm kiếm một công ty tư nhân để hợp nhất. Mô hình này thành công vang dội ở Mỹ vào năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng nổ. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, ở cả Mỹ lẫn châu Âu, các công ty SPAC đều đang gặp khó khăn vì không tìm thấy doanh nghiệp để mua và phải trả lại tiền cho các nhà đầu tư khi đến hạn chót để mua lại các công ty mục tiêu.

Được biết, các nhà đầu tư SPAC của Mỹ đã nhận được hàng chục tỷ USD tiền trả lại trong những tháng gần đây. Trong khi đó, rất ít công ty SPAC tại châu Âu hoạt động hiệu quả. 

Pegasus Entrepreneurs, một SPAC khác cũng có cùng nhà tài trợ với Pegasus Europe, là công ty hiếm hoi thành công trong lĩnh vực giải trí. Vào tháng 5/2022, công ty đã thỏa thuận với doanh nhân người Pháp Stéphane Courbit để hợp nhất với Banijay, công ty truyền hình sản xuất MasterChef và công ty đánh bạc trực tuyến Betclic của ông.

Xem thêm >> Từng cạnh tranh với SpaceX, hãng phóng vệ tinh của tỷ phú Richard Branson nộp đơn phá sản

Tin mới lên