Thị trường

Công ty Vận tải biển Sài Gòn sa sút nghiêm trọng, cổ đông 'cầu cứu' UBND TP. HCM, đề xuất SAMCO thoái vốn

(VNF) - Công ty TNHH Dịch vụ Tiếp vận Toàn Cầu (GLS) đang sở hữu 37,42% vốn tại Công ty Cổ phần Vận tải biển Sài Gòn (SSC) đã gửi đơn kiến nghị khẩn cấp lên UBND TP. HCM vì SSC làm ăn kém hiệu quả và yêu cầu SAMCO thoái vốn.

Công ty Vận tải biển Sài Gòn sa sút nghiêm trọng, cổ đông 'cầu cứu' UBND TP. HCM, đề xuất SAMCO thoái vốn

SSC là công ty có lợi thế về kho bãi, nằm ở vị trí trung tâm, thuận tiện phát triển kho bãi và logistics, nhưng hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với lợi thế này (ảnh minh họa)

Tại SSC, GLS đang nắm 37,42% vốn còn Tổng công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (SAMCO) nắm quyền sở hữu với 51% vốn. 

SAMCO là doanh nghiệp nhà nước, trực thuộc UBND TP. HCM, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con với 27 đơn vị thành viên và 7.213 lao động; kinh doanh đa ngành, trong đó ngành chính là sản xuất các sản phẩm cơ khí giao thông, vận tải và cung cấp dịch vụ về giao thông, vận tải chất lượng cao. 

Trước những hoạt động kinh doanh kém hiệu quả của SSC, GLS đã nhiều lần gửi văn bản trao đổi thông tin với SAMCO tìm hướng phát triển. Đồng thời, GLS cũng gửi văn bản “cầu cứu” lãnh đạo UBND TP. HCM có ý kiến với SAMCO sớm khắc phục những bất cập tại SSC.

Theo đơn GLS gửi đến SAMCO và lãnh đạo UBND TP. HCM, SSC là công ty có lợi thế về kho bãi, nằm ở vị trí trung tâm, thuận tiện phát triển kho bãi và logistics, nhưng hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với lợi thế này.

Cụ thể, năm 2019, công ty đạt sản lượng trung bình 12.307 teu/tháng. Năm 2020, sản lượng trung bình là 12.472 teu/tháng. Đến năm 2021 sản lượng trung bình giảm xuống còn 8.419 teu /tháng. Năm 2022 kế hoạch sản lượng dự kiến cũng chỉ 8.800 teu/tháng.

Sản lượng năm 2021 giảm 30% so với năm 2020 và 2019, trong khi giá tăng 23% nên việc tăng doanh thu và lợi nhuận chủ yếu phụ thuộc vào giá tăng theo thị trường. 

Ngoài ra, các vấn đề về đầu tư và tăng trưởng năng lực hoạt động bãi cũng tồn tại nhiều bất cập, cụ thể: khai thác diện tích bãi 26.661 m2, không đổi qua 3 năm.

Về kế hoạch đầu tư mở rộng bãi, nhiều năm công ty không phát triển được thêm m2 nào, mặc dù cơ hội và định hướng phát triển đã được nhiều lần đại hội đồng cổ đông thông qua. Doanh nghiệp đang bị tụt hậu, không theo kịp với tốc độ tăng trưởng của thị trường và các đơn vị cùng ngành kho, bãi. 

Dù có thâm niên hơn 40 năm hoạt động, tuy nhiên quy mô tổng tài sản của SSC so với các đơn vị cùng ngành nghề ở mức rất thấp. Tổng tài sản SSC năm 2021 chỉ tăng trưởng 8% so với 2016, trong khi chỉ số đó của Công ty Cổ phần Đại lý Vận tải SAFI (SFI) là 75%, của Công ty Cổ phần Transimex (TMS) là 84%.

Quy mô vốn chủ sở hữu SSC ở mức rất thấp, năm 2021 chỉ tăng trưởng 9% so với 2016, trong khi chỉ số đó của SFI là 82%, của TMS là 231%, Công ty Cổ phần Kho vận Miền Nam (STG) là 47%.

Phục vụ cho chuỗi logistics tổng hợp, nhưng tại khu vực TP. HCM  SSC không có đầu xe vận tải, còn tại chi nhánh Hải Phòng có 3 đầu xe nhưng đã quá cũ. Kho CFS được dùng làm địa điểm thu gom hàng lẻ phục vụ công tác xuất/nhập khẩu hàng hóa hiện đã xuống cấp trầm trọng, mái kho đã cũ, nên thường xuyên bị dột nước; hệ thống phòng cháy chữa cháy cũ, không đáp ứng được yêu cầu. Ngoài ra, kho chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý, hoàn công, đăng ký theo đúng các quy định của nhà nước nên có nhiều yếu tố rủi ro về pháp lý khi vận hành. 

Các bãi container manh mún, nền bãi xuống cấp, địa hình khó bố trí, sắp xếp container bài bản, hiệu quả nên rất khó có thể tăng thêm sản lượng. Bãi container chính lại nằm ngay cửa các kho hàng CFS gây cản trở hoạt động vận hành của kho và cũng như gây mất an toàn. 

Dự án bãi 6.480 đã đầu tư từ năm 2016 và hoàn thành năm 2017 nhưng chưa nghiệm thu, chưa bàn giao đưa vào sử dụng do quá trình nghiệm thu phát sinh hư hỏng nghiêm trọng ảnh hưởng chung đến sản lượng của SSC.

Lô đất 2.100m2 đầu tư hơn 10 năm bỏ không, không triển khai. Một số lô đất tại Trung tâm kho vận Linh Xuân đã được đầu tư từ khá lâu còn vướng các thủ tục pháp lý và xen kẹt nên vẫn chưa thể đưa vào khai thác hoặc khó khai thác, sử dụng làm giảm hiệu quả đầu tư. Suốt 3 năm qua, đại hội đồng cổ đông đã thông qua về mặt chủ trương nhưng không thể triển khai vì chưa có quyết định về nguồn vốn triển khai.

Dù có cổ đông chi phối SAMCO là doanh nghiệp lớn hoạt động ngành logistics, nhưng số liệu doanh thu hàng năm do SSC đảm nhận làm dịch vụ cho SAMCO và các đơn vị trực thuộc có tỷ trọng trong tổng doanh thu hoạt động giao nhận khá khiêm tốn và có xu hướng giảm mạnh những năm gần đây: năm 2017 đạt 2,65 tỷ đồng (khoảng 7,3%), năm 2018 đạt 1,29 tỷ đồng (khoảng 3,4%), năm 2019 là 1,09 tỷ đồng (khoảng 6,8%) và năm 2020 là 764 triệu đồng (khoảng 9,6%).

Đại diện GLS kiến nghị, để có thể nắm bắt được cơ hội tạo thế đứng vững chắc và phát triển, đòi hỏi rất cần thiết và cấp bách đối với SSC là phải cải tổ mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực.

SSC đang xây dựng chiến lược phát triển kinh doanh giai đoạn 5 năm 2022-2026, định hướng đến năm 2030. Và để có cơ sở xây dựng chiến lược phát triển kinh doanh, điều rất quan trọng và cần thiết là nắm bắt, hiểu rõ kỳ vọng, định hướng phát triển của các cổ đông lớn, đặc biệt từ cổ đông công ty mẹ - SAMCO.

Trong văn bản “cầu cứu” lãnh đạo UBND TP. HCM, GLS kiến nghị lãnh đạo UBND chỉ đạo SAMCO thực hiện lộ trình thoái vốn tại SSC như tại Quyết định 7321/QĐ-UBND ngày 31/12/2013 của UBND TP. HCM, tuân thủ đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp; phù hợp với chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.

Tin mới lên