Bất động sản

Công ty Yên Khánh bị thu hồi dự án BOT đường nối Võ Văn Kiệt với cao tốc TP. HCM - Trung Lương

(VNF) - Sau 6 năm thi công chậm trễ, dự án BOT đường nối Võ Văn Kiệt với cao tốc TP.HCM - Trung Lương do Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh của Đinh Ngọc Hệ (tức Út "trọc") làm chủ đầu tư vừa bị UBND Tp. HCM thu hồi.

Công ty Yên Khánh bị thu hồi dự án BOT đường nối Võ Văn Kiệt với cao tốc TP. HCM - Trung Lương

Dự án BOT đường nối Võ Văn Kiệt với cao tốc TP.HCM - Trung Lương chỉ dài 2,7km nhưng vốn đầu tư giai đoạn 1 lên tới 1.500 tỷ đồng

Báo cáo UBND TP.HCM, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết hợp đồng BOT dự án này có thời gian thực hiện từ năm 2015-2017. Đến nay, dự án ước tính chỉ đạt 12% khối lượng xây lắp, trong khi thời gian thực hiện trong hợp đồng đã hết. 

Sở trước đó đã có nhiều văn bản yêu cầu nhà đầu tư khắc phục các vi phạm hợp đồng, nhưng nhà đầu tư vẫn chưa thể khắc phục và chưa chứng minh đủ phần vốn chủ hữu theo quy định. Đồng thời, nhà đầu tư chưa có cam kết của ngân hàng về việc đảm bảo cho vay để tiếp tục hoàn thành dự án theo hợp đồng.

Trước những sai phạm nêu trên, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình đã chấp thuận đề nghị của Sở Giao thông vận tải TP.HCM về việc chấm dứt trước thời hạn hợp đồng BOT dự án này.

Phó thủ tịch giao Sở Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với các sở ngành làm việc với các đơn vị liên quan về những thủ tục để chấm dứt hợp đồng với nhà đầu tư. Đồng thời đề xuất phương án tiếp tục đầu tư hoàn thành dự án này theo quy định.

Theo thiết kế, dự án BOT đường nối Võ Văn Kiệt với cao tốc TP.HCM - Trung Lương dài 2,7km do Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh (nhà đầu tư) và doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH MTV BOT TP.HCM - Trung Lương thực hiện.

Công trình được kỳ vọng sẽ giúp giải toả áp lực giao thông cửa ngõ phía Tây Tp.HCM đoạn qua huyện Bình Chánh vốn đang quá tải nghiêm trọng.

Những sai phạm của Đinh Ngọc Hệ (Út "trọc")

Út "trọc" là biệt danh của ông Đinh Ngọc Hệ, Chủ tịch HĐQT của Công ty cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn, thâu tóm hàng loạt dự án BOT, BT béo bở từ bắc chí nam như: cầu Hạc Trì (Phú Thọ), cầu Thủ Thiêm 3, dự án nhượng quyền thu phí cao tốc Tp.HCM - Trung Lương, mua lại Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1)...

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, từ khi thành lập (tháng 9/2009) đến tháng 12/2014, Công ty Thái Sơn có rất ít nhân công; chủ yếu chỉ có nhân viên phòng hành chính, lái xe, kế toán, thủ quỹ... và một số ít cán bộ kỹ thuật xây dựng (các năm 2009, 2010, 2011, 2013 chỉ có 1 người; năm 2012 không có; tháng 12/2014 có 4 người thuộc phòng dự án).

Theo hồ sơ tham gia dự thầu các dự án với vai trò là thành viên liên danh và nhà thầu xây lắp, Công ty Thái Sơn BQP có kê khai về kinh nghiệm là đã tham gia một số dự án với vai trò nhà thầu, nhưng thực tế chỉ đứng tên, chưa trực tiếp thực hiện gói thầu, dự án nào tương tự như hồ sơ yêu cầu hay hồ sơ mời thầu.

Tuy vậy, Công ty Thái Sơn BQP đã được Bộ GTVT và các địa phương chỉ định làm nhà đầu tư, nhà thầu của hàng loạt dự án BOT, BT và các dự án thi công xây lắp khác, như: Dự án đầu tư xây dựng cầu Việt Trì (Phú Thọ) theo hình thức hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư hơn 1.900 tỉ đồng; Dự án khôi phục cải tạo QL20 (Lâm Đồng) theo hình thức BOT kết hợp BT có tổng mức 4.110 tỉ đồng; Trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương; Nút giao trung tâm Q.Long Biên (Hà Nội), các gói thầu ở sân bay Cam Ranh, Pleiku...

Đáng chú ý, sau khi được lựa chọn, trúng thầu, Công ty Thái Sơn đã chuyển nhượng lại cho các đơn vị khác thực hiện. Cụ thể, một số gói thầu tại các dự án BOT, BT (cầu Việt Trì mới, QL20) chủ yếu do TCT 319 và Cienco 1 thi công.

Kiểm tra tại 2 dự án BOT này, TTCP khẳng định các ban quản lý dự án phê duyệt yêu cầu hồ sơ mời thầu; Bộ GTVT thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư không đúng quy định về vốn chủ sở hữu, dẫn đến đánh giá năng lực tài chính không chính xác. Mặt khác, nhà đầu tư đề xuất mức thu phí không đúng quy định nhưng vẫn được Bộ GTVT chấp thuận là vi phạm quy định.

Tương tự, tại gói thầu số 6 (giá trị hợp đồng hơn 606 tỉ đồng) thuộc dự án kéo dài và nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn và sân đỗ máy bay Cảng hàng không Pleiku, sau khi liên danh Cienco 4 và TCT xây dựng công trình hàng không (ACC) trúng thầu đã chuyển nhượng phần việc giá trị 120 tỉ đồng cho Công ty Thái Sơn thi công.

Sau đó, Công ty Thái Sơn lại chuyển nhượng toàn bộ khối lượng công việc này cho Công ty CP đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu 168 VN (gọi tắt Công ty 168). Thực tế, Công ty 168 cũng không trực tiếp thi công mà tiếp tục chuyển nhượng cho Công ty CP tư vấn đầu tư xây dựng và thương mại Dương Đạt, Gia Lai thi công. Dù Công ty Thái Sơn BQP không trực tiếp thi công nhưng vẫn được nhà thầu chính nghiệm thu, thanh toán khối lượng công việc hoàn thành.

Thanh tra Chính phủ cho rằng, "thực chất Công ty Thái Sơn BQP không có đủ năng lực về máy móc, thiết bị, nhân công và kinh nghiệm để đáp ứng yêu cầu thực hiện các dự án, gói thầu nhưng vẫn được các chủ đầu tư lựa chọn trúng thầu... sau đó bán thầu".

 


 

Tin mới lên