Bất động sản

COO Indochina Capital: ‘Không ai trên thế giới có thể đảm bảo cam kết lợi nhuận 8 – 12%’

(VNF) - Ông Michael Piro, Giám đốc điều hành (Chief Operating Officer – COO) của Indochina Capital Corporation, cho rằng mức cam kết lợi nhuận 8 – 12% trong thời gian 8 – 10 năm của các chủ đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam là không tưởng.

COO Indochina Capital: ‘Không ai trên thế giới có thể đảm bảo cam kết lợi nhuận 8 – 12%’

Ông Michael Piro, Giám đốc điều hành Indochina Capital Corporation

Phát biểu tại ‘Diễn đàn bất động sản du lịch biển Việt Nam năm 2018” được tổ chức sáng nay (4/8) tại Hà Nội, ông Michael Piro nhấn mạnh “Không một ai trên thế giới có thể đảm bảo mức độ lợi nhuận này”.

“Theo kinh nghiệm của chúng tôi, đạt được mức lợi nhuận như vậy là vô cùng khó . Các nhà đầu tư và người mua nước ngoài đã bắt đầu cảm nhận được rõ những rủi ro của việc cam kết lợi nhuận cao và bắt đầu từ chối các giao dịch trên cơ sở này”, ông cho biết.

Cam kết lợi nhuận là một trong những chính sách chủ đạo được các chủ đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng áp dụng để lôi kéo khách hàng. Theo thống kê của Crystal Bay Group, tại 10 địa phương phát triển bất động sản nghỉ dưỡng lớn nhất cả nước, có 63% số dự án condotel và 44% số dự án biệt thự nghỉ dưỡng cung cấp chương trình này. Các dự án áp dụng chương trình cam kết lợi nhuận chủ yếu là các dự án được mở bán từ năm 2015.

Mức độ cam kết lợi nhuận rất đa dạng, tùy thuộc vào loại hình sản phẩm, chủ đầu tư và địa phương. Chẳng hạn với condotel, mức cam kết lợi nhuận tại Quảng Ninh là 10 – 12% (trong 5 – 8 năm), tại Quảng Bình là 10% (trong 5 năm), tại Quảng Nam là 9% (trong 10 năm), tại Đà Nẵng là 8 – 12% (trong 5 – 10 năm), tại Nha Trang là 6 – 11% (trong 2 – 10 năm)…

Với biệt thự nghỉ dưỡng, mức cam kết lợi nhuận tại Quảng Nam là 9 – 10% (trong 5 – 10 năm), tại Quy Nhơn là 10% (trong 10 năm), tại Phú Quốc là 9 – 10% (trong 3 – 15 năm)…

Mặc dù đã được công bố khá lâu tuy nhiên cho đến nay, chương trình cam kết lợi nhuận vẫn gây ra rất nhiều tranh cãi về tính khả thi.

Trao đổi với báo chí bên lề Diễn đàn bất động sản du lịch biển Việt Nam năm 2018 về vấn đề này, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, cho rằng phải chờ đến cuối năm 2018, đầu năm 2019, thời điểm các dự án bất động sản đi vào bàn giao và hoạt động, mới có thể đánh giá bước đầu về chương trình cam kết lợi nhuận.

“Tại Đà Nẵng, chúng tôi hiện chưa thấy có tranh chấp nào. Tại một số dự án, các chủ đầu tư đã bàn giao vào thực hiện đúng cam kết. Chúng tôi nghĩ rằng 1 - 2 năm đầu sẽ không có chuyện gì xảy ra. Các chủ đầu tư dù bị lỗ nhưng vẫn có thể chịu được. Chúng ta phải đợi 5 năm để xác định họ có thể chịu lỗ đến mức độ nào”, bà Dung nói.

Bà Dung cũng cho rằng phải ở trong trường hợp bất đắc dĩ các chủ đầu tư mới phá vỡ cam kết lợi nhuận đã ký với khách hàng.

“Chúng ta cũng biết để đưa ra chương trình cam kết lợi nhuận thì ở mức độ nào đó, họ (chủ đầu tư – PV) cũng đã tính toán mức giá bán cho người mua rồi. Tức là họ đã tăng giá ở mức nào đó.

“Khi họ làm bài toán trả lợi nhuận cam kết cho khách hàng trong vòng 10 – 12 năm, tôi tin chủ đầu tư đã tính toán kỹ, cho dù thị trường có đảo chiều thì cách nào đó họ vẫn đảm bảo được lơi nhuận cho người mua”, bà Dung nhận định.

Đánh giá về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng 2 quý cuối năm, bà Dương Thùy Dung cho rằng thị trường chỉ phát triển chậm lại chứ không chững lại. “Phân khúc khách sạn và căn hộ khách sạn sẽ tiếp tục được chào bán, thậm chí tốt hơn nửa đầu năm. Còn với mảng biệt thự nghỉ dưỡng, tôi cho rằng sẽ tiếp tục chậm vì đây là loại hình đòi hỏi khả năng chi trả cao”, bà Dung nói.

Tin mới lên