Tài chính

Covid-19 'ghìm chân' lợi nhuận của Petrolimex (PLX)

(VNF) - Kết thúc ba tháng cuối năm 2021, đại dịch đã khiến sản lượng tiêu thụ xăng dầu của PLX suy giảm, đồng thời giá dầu WTI diễn biến kém tích cực cũng ảnh hưởng lớn tới lợi nhuận gộp của doanh nghiệp.

Covid-19 'ghìm chân' lợi nhuận của Petrolimex (PLX)

Covid-19 'ghìm chân' lợi nhuận của Petrolimex (PLX)

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, HoSE: PLX) tiền thân là Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam, thành lập vào năm 1995. PLX chủ yếu xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối và bán lẻ các sản phẩm xăng dầu.

PLX là nhà cung cấp xăng dầu lớn nhất thị trường nội địa với hơn 50% thị phần, mạng lưới phân phối hơn 2.700 cửa hàng trực thuộc và 2.800 đại lý trên toàn quốc. PLX cũng hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh khác như bảo hiểm, ngân hàng, vận tải với các thương hiệu PLC, PGC, PG Bank, PG Insurance.

Mới đây, PLX đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021, trong đó ghi nhận doanh thu thuần 49.372 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên do biên lợi nhuận gộp giảm mạnh, PLX chỉ thu về gần 3.050 tỷ đồng lãi gộp, thấp hơn 18% so với cùng kỳ.

Quý IV/2021, chi phí tăng chính tăng cao 58% lên 260 tỷ đồng; trong khi đó tổng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm hơn 5% xuống còn 2.630 tỷ đồng. PLX cũng ghi nhận khoản lợi nhuận khác hơn 227 tỷ đồng, tăng gấp 7,5 lần cùng kỳ.

Kết thúc ba tháng cuối năm 2021, lợi nhuận sau thuế của PLX đạt trên 700 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước đó. EPS giảm từ 689 đồng xuống còn 453 đồng.

Lũy kế cả năm 2021, PLX báo cáo doanh thu đạt 169.113 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3.111 tỷ đồng, lần lượt tăng 36,% và 148% so với thực hiện năm 2020. Như vậy, mặc dù quý IV khá ảm đạm song "ông trùm" xăng dầu trong nước vẫn vượt 12% kế hoạch lợi nhuận năm.

PLX cho biết quý IV vừa qua, sự bùng phát của làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ tư đã khiến sản lượng kinh doanh xăng dầu suy giảm, đồng thời gây ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của công ty liên kết ở các lĩnh vực hóa dầu của PLX. Bên cạnh đó, giá dầu thế giới (WTI) rớt thảm ở nửa cuối quý IV cũng tác động đến biên lãi gộp và phát sinh tăng trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho tại thời điểm cuối quý là gần 200 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ hoàn nhập 42 tỷ đồng).

Đây là các tác nhân "ghìm chân" lợi nhuận của PLX trong bối cảnh doanh thu tăng gấp rưỡi so với quý IV/2020.

Cuối năm 2021, tổng tài sản của PLX đạt 64.300 tỷ đồng, tăng 5,2% so với hồi đầu năm. Trong đó, tài sản chủ yếu là tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn với 18.025 tỷ đồng, chiếm 28% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 14.757 tỷ đồng, chiếm 23% tổng tài sản; tồn kho đạt 13.160 tỷ đồng, chiếm 20,5% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 7.090 tỷ đồng, chiếm 11% tổng tài sản.

Tại báo cáo mới nhất, Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) kỳ vọng doanh thu của PLX sẽ cải thiện rõ rệt trong năm 2022 khi đại dịch được kiểm soát với tỷ lệ tiêm chủng ngày càng tăng cao. PHS cũng cho rằng giá dầu thế giới sẽ ổn định ở mức 70 USD/thùng, qua đó giúp doanh thu của PLX có thể đạt 77.600 tỷ đồng, tăng 18% so với năm trước và lợi nhuận sau thuế đạt 4.200 tỷ đồng, tăng trưởng 39%.

Cùng với việc sở hữu thị phần cung cấp xăng dầu nội địa lớn nhất cả nước, nghị định 95/2021/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 2/1/2022 sẽ giúp ổn định giá xăng dầu hơn và hỗ trợ đảm bảo lợi nhuận của PLX trước những biến động bất lợi của giá cả quốc tế.

Mặt khác, trong khi mức tiêu thụ xăng dầu trên đầu người của Việt Nam thuộc hàng thấp nhất trong khu vực thì tốc độ tăng trưởng ô tô đang diễn ra rất nhanh chóng và người dân có xu hướng di cư ra xa các trung tâm đô thị. Xu hướng này được kỳ vọng sẽ kích thích tiêu thụ xăng dầu và thắp sáng triển vọng dài hạn cho PLX.

Tin mới lên