Thị trường

Covid-19 là 'cú hích' cho các sàn thương mại điện tử Việt Nam

Các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng từ người dùng mới lên tới 41% sau đại dịch. Hầu hết người bắt đầu mua hàng cho biết sẽ tiếp tục sử dụng hình thức mua sắm mới kể cả khi dịch bệnh qua đi.

Covid-19 là 'cú hích' cho các sàn thương mại điện tử Việt Nam

TMĐT Việt đang là thị trường màu mỡ, nhất là ngành bán lẻ

Thời điểm đại dịch Covid bùng phát, thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đạt được mức tăng trưởng ấn tượng 18%, quy mô thị trường lên đến 11,8 tỷ USD, chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Theo báo cáo của Adsota và SOL Premier, các nền tảng TMĐT tại Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng từ những người dùng mới lên tới 41%. Đáng chú ý, có tới 91% trong số đó quyết định sẽ tiếp tục sử dụng các nền tảng TMĐT này kể cả khi thế giới đã vượt qua đại dịch. Với mức tăng trưởng ấn tượng đó, Việt Nam nhanh chóng trở thành “miếng bánh hấp dẫn” tại khu vực Đông Nam Á.   

Báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cũng cho thấy, năm 2020, doanh thu TMĐT Việt Nam đạt quy mô khoảng 13,2 tỷ USD, đạt tốc độ tăng trưởng 15%.  

Google, Temasek và Bain & Company cũng dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020 – 2025 là 29% và tới năm 2025 quy mô TMĐT nước ta có thể đạt 52 tỷ USD và là một trong những thị trường TMĐT giàu tiềm năng nhất trong khu vực. 

Trước ảnh hưởng rõ rệt của đại dịch Covid-19, hành vi mua hàng của người tiêu dùng Việt Nam đã có những sự thay đổi nhất định. Các hoạt động mua sắm bên ngoài như siêu thị, cửa hàng hay chợ truyền thống được người tiêu dùng giảm thiểu tối đa, thay vào đó, họ có xu hướng tăng cường và tập trung hơn cho những chi tiêu có thể thực hiện tại nhà. 

Năm 2020 cũng chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của các hoạt động mua sắm trực tuyến ở nhiều ngành hàng. Trong đó, phải kể đến là các mặt hàng thiết yếu (đặc biệt là thực phẩm và chăm sóc cá nhân với mức tăng 45,9%), dịch vụ Internet, nhà ở và tiện ích và chăm sóc sức khỏe. 

Trái ngược với xu hướng gia tăng này, việc chi tiêu cho các sản phẩm/dịch vụ làm đẹp và giải trí giảm mạnh, do những biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt được các địa phương đưa ra, để hạn chế khả năng lan rộng của dịch bệnh.

Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy các hoạt động mua sắm diễn ra nhiều hơn trên các nền tảng online. Không chỉ mua sắm trực tuyến, người dùng cũng tận dụng mạng xã hội và các công cụ tìm kiếm để nghiên cứu, so sánh các sản phẩm rồi mới đưa ra quyết định mua sắm. 

Adsota dẫn một báo cáo nghiên cứu của Google cho thấy, có tới 83% người Việt Nam nghiên cứu kỹ các sản phẩm trên mạng trước khi đưa ra quyết định, trong đó 69% sử dụng Google. 

Đáng chú ý, theo nhận định của các chuyên gia, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến độ nhạy cảm về giá của người tiêu dùng không còn là yếu tố hàng đầu trong việc ra quyết định mua sắm. “Thời điểm này, người tiêu dùng có xu hướng tiết kiệm hơn, nhưng thay vì lựa chọn những mặt hàng giá rẻ họ lại quan tâm tới những sản phẩm có chất lượng tốt và có lợi cho sức khỏe”, Adsota nhận định.

Chẳng hạn, theo khảo sát, đối với mặt hàng thực phẩm, số liệu khảo sát cho thấy hơn 60% hộ gia đình Việt Nam sử dụng đồ uống không đường hoặc ít đường. Các sản phẩm thay thế sữa hoặc không có sữa cũng đang dần phổ biến ví dụ như “sữa hạt” - đồ uống làm từ các loại hạt được cho là bổ dưỡng hơn đối với sức khỏe tim mạch so với sữa thông thường.

Trong khi đó, giá cả vẫn là một trong những yếu tố quan trọng đối với các mặt hàng điện tử. Tuy nhiên 2 tiêu chí khiến khách hàng “xuống tiền” cho mặt hàng này lại là chất lượng cao và thương hiệu uy tín lâu đời. 

Tin mới lên