Tài chính quốc tế

Covid-19 phơi bày phía sau sự hào nhoáng của nước Mỹ

Nền kinh tế Mỹ với những kỷ lục ấn tượng nay bị Covid-19 bóc trần, lộ ra những tầng lớp yếu thế đằng sau nhóm người giàu hào nhoáng.

Covid-19 phơi bày phía sau sự hào nhoáng của nước Mỹ

Covid-19 phơi bày phía sau sự hào nhoáng của nước Mỹ

Năm 2020, khi có Covid-19 cũng là lúc xuất hiện nhiều cảnh tượng khiến người dân Mỹ nhớ lại giai đoạn đói khổ của cuộc Đại suy thoái 1937. Đó là hình ảnh dòng xe dài hàng dặm trước cửa hàng tạp hóa, công nhân thất nghiệp rồng rắn đi nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp, bệnh nhân xếp hàng qua đêm bên ngoài bệnh viện để được xét nghiệm... Chúng chẳng khác gì hình ảnh một dòng người mệt mỏi xếp hàng chờ cứu trợ năm 1937. Sau lưng họ là tấm áp phích khổng lồ, cổ động về cuộc sống Mỹ, với 2 khẩu hiệu "World’s highest standard of living" (tạm dịch: Tiêu chuẩn sống cao nhất thế giới) và "There’s no way like the American Way" (tạm dịch: Không một phong cách nào giống như Lối sống Mỹ).

Ôtô xếp hàng chờ trước một cửa hàng thực phẩm tại San Antonio vào tuần trước. Ảnh: AP

Nền kinh tế Mỹ, được ca ngợi vì những thành công kỷ lục gần đây, bất ngờ gặp rủi ro khi những nhu cầu cơ bản nhất như thực phẩm, nơi ở, chăm sóc y tế đột ngột chông chênh. Hôm thứ năm (16/4), Bộ Lao động Mỹ cho biết đã có thêm 5,2 triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Suốt 4 tuần qua, đã có 22 triệu người mất việc, bằng tổng số việc làm mới được tạo ra trong 9,5 năm trước khi Covid-19 xuất hiện.  

Chắc chắn, sự bùng phát của đại dịch và động thái cố gắng kiềm chế nó sẽ tạo ra những khó khăn mới. Nhưng có lẽ đáng kể hơn là cuộc khủng hoảng đã bộc lộ những lỗ hổng sâu sắc, lâu dài trong hệ thống kinh tế Mỹ.

"Chúng ta xây dựng một nền kinh tế không có khả năng hấp thụ được các cú sốc", Joseph Stiglitz, một nhà kinh tế từng đoạt giải Nobel bình luận, "Chúng ta tạo ra một hệ thống như thể đang tối đa hóa lợi nhuận nhưng có rủi ro cao hơn và khả năng phục hồi thấp hơn".

Ngay trước khi có đại dịch, nền kinh tế Mỹ vốn đã bị phân cực. Một trong những thành tựu ấn tượng là tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong nửa thế kỷ, thị trường chứng khoán tăng vọt và quãng thời gian tăng trưởng liên tục dài kỷ lục.

Ở một mặt rất khác là bất chấp nhiều năm GDP tăng trưởng nhưng người lao động phải vật lộn với nhu cầu thiết yếu. Lịch làm việc không thường xuyên khiến tiền lương hàng tuần tăng đột biến và giảm xuống một cách khó lường. 4 trong số 10 người trưởng thành không có sẵn tiền dự phòng để trang trải cho một chi phí phát sinh đột suất cỡ 400 USD.

Ngay cả những người Mỹ trung lưu, cũng trở nên ngày càng lo lắng trong những thập kỷ gần đây về tài chính mong manh và triển vọng của con cái họ. Kể từ khi suy thoái kết thúc, nền kinh tế đã tạo ra khối tài sản khổng lồ. Tuy nhiên, người lao động nhận được một phần nhỏ trong số đó.

Trong chưa đầy hai thập kỷ, thu nhập tiền lương và lợi ích ở khu vực tư nhân đã giảm 5,4 điểm phần trăm, theo một nghiên cứu của McKinsey Global Institute vào năm ngoái, tức giảm trung bình 3.000 USD một năm, điều chỉnh theo lạm phát. "Đối với nhiều gia đình lao động, tăng lương chưa đủ mạnh để họ trang trải nhu cầu cơ bản", Fed chi nhánh Boston kết luận trong một báo cáo năm ngoái.

Tại các công ty lớn, nhân viên đã thấy chi phí cho các khoản đóng về chăm sóc sức khỏe tăng nhanh gấp đôi so với tiền lương của họ trong thập kỷ qua, theo Peterson-Kaiser Health System Tracker. Chi phí cho nhà ở cũng tăng lên. Hàng triệu người thuê nhà dành hơn một nửa thu nhập cho nhà ở. Các hộ gia đình có thu nhập trung bình cũng bị ảnh hưởng bởi chi phí nhà ở leo thang. Nhóm này phải dành hơn một phần ba thu nhập cho tiền thuê nhà.

"Rất nhiều người trong nền kinh tế đang sống ở rìa, và một sự kiện như thế này (Covid-19) đẩy họ ra luôn", ông Stiglitz nói, "Chúng ta là nơi duy nhất trong thế giới tiên tiến khi có những người sống ở rìa mà không có mạng lưới an sinh bên dưới".  

Tiến bộ công nghệ và toàn cầu hóa được cho là một phần nguyên nhân tạo ra bất ổn kinh tế cho người lao động. Nhưng ông Stiglitz cũng chỉ trích suy nghĩ ngắn hạn phổ biến ở các công ty Mỹ. Các hãng hàng không - đang được hỗ trợ khẩn cấp bởi chính phủ - đã sử dụng hàng tỷ USD lợi nhuận để mua lại cổ phiếu của họ, thay vì đầu tư vào nhân viên, năng lực sản xuất hoặc dự phòng suy thoái.

Chỉ riêng trong năm 2018, các công ty trong S&P 500 đã chi 806 tỷ USD để mua lại cổ phiếu của chính họ với giá đang bùng nổ nhằm tìm kiếm lợi nhuận nhanh chóng. Khi dịch bệnh bắt đầu, nhiều công ty trong số này đã sa thải hàng triệu công nhân, cắt bảo hiểm y tế của họ.

Một cuộc khảo sát gần đây của SurveyMonkey và Apartment List, cho biết một phần tư người thuê nhà chỉ trả một phần hoặc không thể trả nổi trong tháng này. "Những con số này là vô cùng đáng lo ngại", ông Igor Popov, nhà kinh tế trưởng tại Apartment List, đánh giá.

"Trong một cuộc suy thoái kinh tế điển hình, khi thu nhập bị ảnh hưởng, nhiều gia đình có thể thu hẹp diện tích thuê hoặc chuyển đến cùng nhau để giảm thiểu các khoản tiền nhà. Nhưng chúng ta đang trong lệnh 'ở yên tại nhà' nên việc di chuyển và hạ cấp nhà thuê rất khó", ông nói.

Xe của người nghèo xếp hàng nhận cứu trợ thực phẩm miễn phí tại San Antonio hôm 7/4. Ảnh: San Antonio Express News

Những người khó khăn nhất có thể sẽ gặp khó khăn hơn. Trước khi đại dịch bùng phát, Destination: Home, một tổ chức phi lợi nhuận ở Thung lũng Silicon có kế hoạch hỗ trợ tài chính 7 triệu USD cho khoảng 1.000 gia đình.

Vào tháng 3/2020, tổ chức này đã huy động thêm 11 triệu USD để cứu trợ Covid-19 nhưng đã ngập trong đơn đăng ký. Họ nhận 4.500 đơn chỉ trong 3 ngày và phải ngừng chấp nhận đăng ký. Danh sách chờ đã có gần 10.000 người và đang tăng lên mỗi ngày. "Không có gì mà tôi không từng trải khi nói đến tình trạng vô gia cư", Jennifer Loving, CEO Destination: Home nói. "Nhưng điều này là thảm khốc không thể hiểu nổi".  

Trong một báo cáo về tác động kinh tế của đại dịch, Fed chi nhánh Richmond cảnh báo rằng những gánh nặng lớn nhất sẽ rơi vào những người vốn dễ bị tổn thương nhất, tức những người làm công việc lương thấp, không an toàn.

Phiên An (theo The New York Times)

Tin mới lên