Ngân hàng

Credit Suisse báo động tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng Việt Nam

(VNF) - Theo Credit Suisse, nếu tăng trưởng tín dụng năm nay vẫn tăng với tốc độ như những năm vừa qua, thì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (capital adequacy ratio - CAR) của 4 trong 6 ngân hàng lớn nhất Việt Nam sẽ tụt xuống dưới 10% vào cuối năm nay.

Credit Suisse báo động tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng Việt Nam

Trang The Financialist của Ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sỹ) mới đây đã có một viết nhận định về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2016. Bài viết của tác giả Ashley Kindergan mở đầu bằng một câu hỏi: "Bạn hãy nêu tên một quốc gia châu Á có chi phí lao động rẻ, thu hút hàng loạt các nhà đầu tư nước ngoài - là động lực phát triển kinh tế theo định hướng xuất khẩu và hiện tại đang dần chuyển sang xu hướng tăng trưởng dựa vào tiêu dùng. Câu trả lời của bạn sẽ là Trung Quốc? Tuy nhiên, Việt Nam cũng là một đáp án không sai".

Theo bài viết, chi phí nhân công ở Trung Quốc đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây, khiến một số lượng lớn các nhà sản xuất di chuyển hoạt động sang Việt Nam, thậm chí một số còn quyết định chọn Việt Nam là nơi đặt cửa hàng kinh doanh đầu tiên của mình.

Xu thế Việt Nam đang trở thành một trung tâm sản xuất toàn cầu mới là một trong những lý do khiến Credit Suisse đưa ra dự đoán về tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2017 đạt 6,3%, mức tăng trưởng cao thứ ba trong nhóm các nền kinh tế mới nổi, chỉ sau Trung Quốc (6,6%) và Ấn Độ (7,8%).

Mặc dù tốc độ tăng trưởng này thấp hơn so với mức tăng trưởng 6,7% đạt được trong năm 2015 và ngay cả khi xuất khẩu của Việt Nam cũng đang có xu hướng giảm xuống, các nhà phân tích của Credit Suisse vẫn cho rằng nhu cầu tiêu thụ nội địa là động lực giúp duy trì đà phát triển kinh tế trong nước. "Chậm hơn, nhưng an toàn hơn" - đó là mô hình tăng trưởng mà Credit Suisse nhận định về kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng với tốc độ đáng kinh ngạc vào đầu thập niên này và đã đạt đỉnh ở mức tăng 34,2% trong năm 2011. Mặc dù đà tăng trưởng này dự kiến sẽ chậm lại (từ 7,1% năm 2015 còn 6,9% năm 2016 - theo Credit Suisse) do nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc giảm xuống, kinh tế Mỹ chậm lại cùng tình hình kinh tế toàn cầu chưa nhiều khởi sắc, nhưng khi so sánh với mức bình quân cả châu Á (trừ Nhật Bản), thì tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang trội hơn 10% -15%.

Dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn đang chảy mạnh vào Việt Nam. Credit Suisse dự kiến ​​tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ đạt 13 tỷ USD trong năm nay và vẫn còn ở mức cao, mặc dù giảm so với mức 14,5 tỷ USD trong năm 2015.

Trong năm 2014 - 2015, tổng doanh số bán lẻ đã tăng lần lượt 8,4% và 9,2%. Sự sụt giảm của giá nhiên liệu và thực phẩm đã làm tăng sức mua của người Việt, cùng mức tăng thu nhập từ 10% năm 2014 lên 14% trong năm 2015. Các ngân hàng cũng tăng cường cho vay tiêu dùng cá nhân. Tổng dư nợ tín dụng cá nhân đã tăng 43% trong nửa đầu năm 2015 so với cùng kỳ 2014. 

Tuy nhiên, Credit Suisse nhận định, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đứng trước nhiều thách thức như tính thanh khoản hạn chế, số lượng doanh nghiệp niêm yết còn tương đối ít, cộng thêm các giới hạn về sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Các nhà phân tích chứng khoán của Credit Suisse cho rằng, các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực tiêu dùng ở Việt Nam như Vinamilk hay FPT là "rất đáng được để mắt tới".

Các nhà phân tích này tỏ ra thận trọng khi xem xét lĩnh vực ngân hàng và bất động sản của Việt Nam. Việc gia tăng tỷ lệ nợ xấu cùng với bong bóng bất động sản trong vòng 5 năm qua đã gây áp lực đáng kể đến tỷ lệ vốn của các ngân hàng.

Theo Credit Suisse, nếu tăng trưởng tín dụng năm nay vẫn tăng với tốc độ như những năm vừa qua, thì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (vốn tự có trên tổng tài sản có rủi ro - CAR) của 4 trong 6 ngân hàng lớn nhất Việt Nam sẽ tụt xuống dưới 10% vào cuối năm nay. 

Trước đó, theo báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước (không bao gồm Ngân hàng Chính sách xã hội) tại thời điểm cuối tháng 9/2015 chỉ ở mức 9,28% - cao hơn mức tối thiểu quy định của NHNN là 9% song lại thấp nhất trong hệ thống các tổ chức tín dụng và cũng thấp hơn nhiều so với mức trung bình của toàn ngành.

Tỷ lệ an toàn vốn của nhóm ngân hàng cổ phần trong khi đó ở mức 13,31% - tương đương mức bình quân của hệ thống (13,32%). Tỷ lệ an toàn vốn CAR của các ngân hàng liên doanh và nước ngoài đạt 34,17% trong khi của công ty tài chính, cho thuê là 25,03%, của tổ chức tín dụng hợp tác là 33,54%.

Tính đến cuối tháng 1/2016, CAR của các ngân hàng nhà nước và tư nhân đều yếu đi, về mức lần lượt 9,38% và 12,44%. Thời điểm cuối năm 2015, con số này lần lượt là 9,42% và 12,74%.

Ngoài ra, theo dự báo của Credit Suisse, việc áp dụng phương pháp quản trị vốn và rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II đối với 10 ngân hàng lớn của Việt Nam cũng có thể khiến tỷ lệ này giảm thêm đến 3 điểm phần trăm, do các quy định ngặt nghèo hơn về vốn. 

Điều này có thể dẫn đến khả năng 3 trong số 6 ngân hàng lớn nhất Việt Nam sẽ có tỷ lệ an toàn vốn ở dưới ngưỡng chuẩn quốc tế là 9%, và buộc các ngân hàng này phải huy động vốn thêm từ 400 triệu USD đến 900 triệu USD, tương đương 8% đến 35% giá trị vốn hóa.

Mặc dù Credit Suisse không mong đợi một cuộc khủng hoảng ngân hàng sẽ xảy ra và tin rằng cho vay bất động sản sẽ được thắt chặt lại, còn nguồn cung cho cơ sở hạ tầng sẽ được duy trì ổn định, nhưng năm nay có thể sẽ là "một chuyến đi gập ghềnh" với các cổ đông ngân hàng Việt Nam. 

Tin mới lên