Tài chính quốc tế

‘Cú đúp’ gián đoạn nguồn cung từ Mỹ và Nga khiến giá khí đốt châu Âu bật tăng

(VNF) - Nguồn cung khí đốt của châu Âu đã phải chịu một “đòn giáng kép” sau khi một nhà ga xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn của Mỹ cho biết họ sẽ ngừng hoạt động trong ít nhất 3 tháng và phía Nga tuyên bố cắt giảm dòng chảy qua một tuyến đường ống quan trọng đến Đức.

‘Cú đúp’ gián đoạn nguồn cung từ Mỹ và Nga khiến giá khí đốt châu Âu bật tăng

‘Cú đúp’ gián đoạn nguồn cung từ Mỹ và Nga khiến giá khí đốt châu Âu tăng cao.

Công ty Freeport LNG, chiếm khoảng 1/5 lượng LNG xuất khẩu của Mỹ và khoảng 10% lượng nhập khẩu của Châu Âu trong năm nay, hôm 14/6 cho biết việc sửa chữa sau một vụ nổ tại nhà máy vào tuần trước có thể kéo dài đến cuối năm, và chỉ có thể quay lại hoạt động một phần sau 90 ngày nữa. Vì vậy, việc cung cấp khí đốt sang châu Âu sẽ bị tạm ngừng trong ít nhất là 3 tháng tiếp theo.

Freeport trước đó nói rằng nhà máy của họ sẽ đóng cửa trong 3 tuần sau vụ cháy. Nhà máy có công suất xử lý 20,4 tỷ m3 khí tự nhiên mỗi năm, tương đương khoảng 17% tổng công suất hóa lỏng 118 tỷ m3 mỗi năm của Mỹ và 2% tổng sản lượng khí đốt tự nhiên của cả nước.

Cùng ngày, nhà xuất khẩu khí đốt nhà nước Nga Gazprom cho biết sẽ giảm lượng khí đốt giao hàng qua đường ống Nord Stream 1 đến Đức, do công ty Siemens của Đức không đưa các thiết bị bơm khí đốt trở lại trạm nén khí đúng hạn.

Theo Siemens Energy, 5 trong số 8 tuabin khí mà công ty cung cấp cho Gazprom của Nga để giúp nén khí trên đường ống Nord Stream 1 đã bị trừng phạt bởi các lệnh trừng phạt của Canada sau khi được bảo trì tại nhà máy ở Montreal. Ottawa tuần trước đã gia hạn các biện pháp trừng phạt đối với Nga để cấm cung cấp dịch vụ kỹ thuật cho các ngành công nghiệp dầu khí và hóa chất của Nga.

Siemens Energy cho biết: “Do các lệnh trừng phạt do Canada áp đặt, Siemens Energy hiện không thể giao các tuabin khí đã được đại tu cho khách hàng. Chúng tôi đã thông báo cho chính phủ Canada và Đức và đang tìm kiếm một giải pháp khả thi”.

Với khối lượng giao hàng theo kế hoạch hàng ngày là 167 triệu m3, sau khi bị cắt giảm, nguồn cung khí đốt cho Nord Stream 1 sẽ chỉ đạt mức khoảng 100 triệu m3/ngày, Gazprom tuyên bố.

Mối đe dọa kép đối với nhập khẩu khí đốt của châu Âu cho thấy khả năng bị gián đoạn nguồn cung của lục địa này sau khi cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Đồng thời, những tin tức không mấy khả quan này cũng khiến giá khí đốt tại khu vực này tăng cao.

Giá khí chuẩn châu Âu tăng hơn 15% lên 99 EUR/megawatt giờ, trong khi các hợp đồng khí đốt tại Anh giao tháng 7 tăng 25% lên 1,97 bảng/thm (đơn vị nhiệt của Anh), đồng thời, các thương nhân đều cảnh báo về nguồn cung thắt chặt hơn trong những tháng tới.

Trước tình hình nguồn cung khí đốt hạn hẹp tại châu Âu, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cho biết: “Châu Âu đang chìm trong khủng hoảng năng lượng và tình hình sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn khi phương Tây nỗ lực cấm nhập khẩu năng lượng của Moscow”.

“Tất nhiên, các đối thủ của chúng tôi sẽ tiếp tục làm mọi cách để gây ra thiệt hại tối đa cho tổ hợp nhiên liệu và năng lượng của chúng tôi. Hôm nay, họ đang trải qua một cuộc khủng hoảng năng lượng, phạm vi của cuộc khủng hoảng này sẽ chỉ tăng lên. Ngay cả kẻ chủ mưu chống Nga là Mỹ, cũng đã phải gánh chịu hậu quả”, ông Medvedev tuyên bố trên kênh Telegram.

Cựu Tổng thống lưu ý rằng mong muốn của những nước được gọi là "không thân thiện" từ bỏ năng lượng của Nga đã có tác động "cực kỳ tiêu cực" đối với công dân EU. Dữ liệu mới nhất từ cơ quan thống kê Eurostat cho thấy lạm phát hàng năm trong khu vực Eurozone ước tính ở mức 8,1% vào tháng trước, tăng so với mức 7,4% trong tháng 4.

Theo ông Medvedev, mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn, vì các quốc gia phương Tây dường như không muốn dừng cuộc chiến trừng phạt chống lại Nga.

Xem thêm >> Mỹ nới lỏng trừng phạt năng lượng Nga giữa lúc giá xăng tăng cao kỷ lục

Tin mới lên