Tài chính quốc tế

Cú lội ngược dòng của đồng ruble

(VNF) - Việc đồng ruble sụt giá kỷ lục so với đồng USD từng được xem như dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Nga đang đứng trước bờ vực sụp đổ. Tuy nhiên, đồng nội tệ Nga đã có cú bật tăng ngoạn mục sau khi chính quyền nước này tung ra loạt biện pháp, từ yêu cầu nước ngoài mua khí đốt bằng ruble đến tăng mạnh lãi suất, thúc đẩy đồng ruble hồi sinh mạnh mẽ.

Cú lội ngược dòng của đồng ruble

Đồng ruble rớt giá kỷ lục kéo lạm phát tăng cao.

Đồng ruble rớt giá kỷ lục kéo lạm phát tăng cao

Sau khi Nga động binh với Ukraine hồi cuối tháng 2, Mỹ và các nước đồng minh đã tung loạt đòn trừng phạt khắc nghiệt nhắm vào nền kinh tế của nước này, đẩy các thị trường tài chính vào hỗn loạn.

Biện pháp trừng phạt nặng tay nhất là khi các nước phương Tây tuyên bố ngắt kết nối một số ngân hàng Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT), hệ thống kết nối hơn 11.000 ngân hàng và tổ chức tài chính tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đồng thời, những nước này cũng đóng băng dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga (CBR), nhằm vào khả năng tiếp cận hơn 600 tỷ USD mà Điện Kremlin đang dự trữ, cản trở khả năng hỗ trợ đồng ruble của nước này.

Thêm vào đó, thị trường chứng khoán Nga hồi đầu tháng 3 liên tiếp đóng cửa, hoạt động giao dịch liên quan nợ công Nga cũng không thể thực hiện. Đồng ruble vì thế mà lao dốc không phanh, có lúc giảm xuống còn gần 140 ruble đổi 1 USD và gần 150 ruble đổi 1 euro, ghi nhận mức thấp nhất lịch sử.

Việc đồng ruble liên tục rớt giá khiến nhiều người dân Nga lo lắng, bất chấp tỷ giá hối đoái tại ngân hàng tăng cao họ vẫn đổ xô đến các máy ATM và chi nhánh ngân hàng để rút tiền mặt.

Trong bối cảnh đồng ruble mất khoảng 40% giá trị so với đồng USD kể từ đầu năm, giá cả hàng hóa tại Nga tăng vọt khiến lạm phát của nước này liên tục lập đỉnh. Cơ quan thống kê Liên bang Nga (Rosstat) cho biết giá cả trong tháng Ba, tháng hoàn chỉnh đầu tiên kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine, đã tăng 7,5% so với tháng trước đó. Giá của gần như mọi loại hàng hóa, từ thực phẩm thiết yếu, dược phẩm đến ô tô đều tăng mạnh.

Tỷ lệ lạm phát tại nước này vì thế cũng tăng lên 17,49%, mức cao nhất kể từ tháng 2/2002. Trong đó, lạm phát giá thực phẩm, vốn là một mối lo ngại lớn đối với những người Nga có thu nhập thấp, đã lên đến 19,5% so với cùng kỳ năm 2021. Các chuyên gia phân tích của ngân hàng đầu tư Renaissance Capital dự đoán lạm phát của Nga sẽ đạt đỉnh ở mức 24% vào mùa hè này, tức tăng gấp 6 lần so với mức mục tiêu mà CBR đặt ra.

Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin thân cận với chính phủ Nga cho biết Bộ Kinh tế nước này dự báo GDP của Nga sẽ giảm hơn 10% trong năm nay. Đây sẽ là mức suy giảm GDP lớn nhất của Nga kể từ năm 1994, theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Nga nỗ lực giải cứu

Ngay từ cuối tháng 2, chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin và CBR đã tiến hành loạt biện pháp khẩn cấp nhằm hỗ trợ đồng nội tệ. CBR ngay lập tức tăng lãi suất từ 9,5% lên 20% để hạn chế đà rút tiền của khách hàng, bù đắp rủi ro mất giá của đồng ruble cũng như kiềm chế lạm phát.

CBR cũng đã áp dụng cách tương tự vào năm 2014 khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và lĩnh loạt đòn trừng phạt của phương Tây. Bên cạnh đó, CBR đã giới hạn số lượng ngoại tệ mà người dân nước này có thể rút từ tài khoản ngân hàng ở mức 10.000 USD trong vòng 6 tháng, số còn lại sẽ được trả bằng ruble.

Ngân hàng này cũng yêu cầu các công ty xuất khẩu phải giữ 80% dự trữ của họ bằng đồng ruble, có nghĩa là các tập đoàn lớn sẽ phải bán ngoại tệ. CBR cũng áp mức phí 30% với các giao dịch mua ngoại tệ của cá nhân, còn Bộ Tài chính Nga quyết định dừng mua ngoại tệ và vàng trong năm nay.

Tiếp đến, ngành năng lượng cũng là nhân tố chính đóng vai trò đòn bẩy hỗ trợ đồng ruble. Một số nước phương Tây đã tung các biện pháp nhằm hạn chế khả năng thu ngoại tệ của Nga, đặc biệt là USD và Euro.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chừng nào dầu thô và khí đốt của Nga vẫn còn khách mua, tỷ giá đồng ruble sẽ tiếp tục được hỗ trợ. Ông Josep Borrell, Ủy viên cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU), cho biết kể từ khi chiến sự tại Ukraine nổ ra, liên minh này đã chi tới 35 tỷ euro (38,2 tỷ USD) để mua năng lượng Nga.

Dù biết việc này đồng nghĩa với việc “cung cấp tài chính” cho chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, ông Josep Borrell cũng phải thừa nhận rằng không thể lập tức cấm vận nhập khẩu khí đốt của Nga vì một số quốc gia thành viên vẫn quá lệ thuộc vào nguồn cung này và chưa tìm được giải pháp thay thế thỏa đáng.

Đặc biệt, Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây đã ban hành sắc lệnh yêu cầu các nước “không thân thiện” phải thanh toán bằng đồng ruble khi mua khí đốt của Nga.

Sau đó, ông chủ Điện Kremlin đã nới lỏng một nấc, cho phép khách mua nước ngoài tiếp tục thanh toán bằng ngoại tệ nhưng chỉ sau khi mở tài khoản tại ngân hàng được ủy quyền của Nga là Gazprombank.

Điện Kremlin gọi cơ chế thanh toán mới này là “hệ thống nguyên mẫu” trong việc thanh toán bằng đồng ruble, đồng thời tuyên bố khí đốt sẽ không phải là mặt hàng xuất khẩu duy nhất của Nga được thanh toán bằng phương thức như trên. Với Nga, việc này sẽ cung cấp dòng chảy ngoại tệ mạnh, đồng thời thúc đẩy nhu cầu đối với đồng ruble.

Bất chấp sự phản đổi của Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và EU, hai nước thuộc khối này là Slovakia, Hungary sau đó đã tuyên bố sẵn sàng chấp nhận thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng ruble nếu cần thiết.

Ông Vahan Kerobyan, Bộ trưởng Kinh tế Armenia, cũng cho biết nước này đã thanh toán một số khoản mua khí đốt của Nga bằng đồng ruble với tỷ lệ phù hợp. Đồng nội tệ Nga vì thế đã phục hồi đáng kinh ngạc trong tháng 4, có lúc 68 ruble đổi được 1 USD, vượt ngưỡng giá trị trước thời điểm cuộc xung đột tại Ukraine diễn ra.

Nhà phân tích Alexei Golovinov của ngân hàng Promsvyazbank (PSB) thậm chí còn dự đoán rằng tỷ giá đồng ruble so với đồng USD trong tháng 4 và tháng 5 có thể giảm xuống vùng 60 - 65 ruble/USD nếu CBR không bãi bỏ các hạn chế giao dịch tiền tệ hiện nay và hoạt động của các nhà xuất khẩu vẫn được duy trì ổn định.

Tuy nhiên, giá trị đồng nội tệ Nga cũng đã đảo chiều giảm nhẹ sau khi CBR quyết định nới lỏng các biện pháp kiểm soát vốn tạm thời, trong đó có việc cắt giảm lãi suất cơ bản từ 20% xuống 17%.

Rõ ràng, Nga không thể giữ lãi suất 20% quá lâu khi nền kinh tế này được dự báo sẽ giảm hơn 10% trong năm nay. Giới chuyên gia cho rằng bất chấp sự tăng giá gần đây, triển vọng của đồng ruble có vẻ kém khả quan hơn trong dài hạn. Theo ông William Jackson, Giám đốc công ty Capital Economics chuyên nghiên cứu các thị trường mới nổi, dù đồng ruble đã phục hồi nhưng không thể phủ nhận việc các lệnh trừng phạt đang gây tổn hại nặng nề cho nền kinh tế Nga.

Xem thêm >> Việt Nam phản ứng việc Trung Quốc cấm đánh bắt cá tại Biển Đông

Tin mới lên