Bất động sản

Cử tri mòn mỏi chờ đường sắt cao tốc TP. HCM - Cần Thơ gần 170.000 tỷ: Bộ GTVT nói gì?

(VNF) - Theo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), do dự án đường sắt cao tốc TP. HCM - Cần Thơ có quy mô lớn, tính chất kỹ thuật phức tạp, thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia, nên việc nghiên cứu chuẩn bị đầu tư cần được xem xét một cách kỹ lưỡng nhằm bảo đảm hiệu quả, tính khả thi và đáp ứng các yêu cầu về kinh tế - kỹ thuật.

Cử tri mòn mỏi chờ đường sắt cao tốc TP. HCM - Cần Thơ gần 170.000 tỷ: Bộ GTVT nói gì?

Tổng mức đầu tư của dự án đường sắt cao tốc TP. HCM - Cần Thơ dự kiến là 169.540 tỷ đồng. (Ảnh minh họa)

Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời kiến nghị cử tri TP. Cần Thơ về việc đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và tuyến đường sắt cao tốc TP. HCM - Cần Thơ.

Theo đó, cử tri TP. Cần Thơ đề xuất sớm thực hiện chủ trương và tập trung các nguồn lực để đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và tuyến đường sắt cao tốc TP. HCM - Cần Thơ, nhằm tạo điều kiện sớm giải quyết ùn tắc giao thông, góp phần tạo thêm nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long như hiện nay và trong thời gian tới.

Trả lời cử tri về việc triển khai dự án đường bộ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Bộ GTVT cho biết dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.

Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 18 để triển khai thực hiện. Đến nay, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án đầu tư các dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và đoạn Hậu Giang - Cà Mau, với nguồn vốn ngân sách nhà nước đã được cân đối trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Thời gian thực hiện dự án là từ năm 2021, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.

Để đảm bảo tiến độ theo yêu cầu, Bộ GTVT cho biết đang quyết liệt chỉ đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (đơn vị quản lý dự án) khẩn trương hoàn tất các thủ tục để triển khai thi công đồng loạt trước ngày 31/3/2023 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Về việc triển khai tuyến đường sắt TP. HCM - Cần Thơ, Bộ GTVT cho biết theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường sắt TP. HCM - Cần Thơ có chiều dài khoảng 174km, quy mô đường đôi, khổ 1.425mm, dự kiến nghiên cứu đầu tư trong giai đoạn đến năm 2030.

Hiện nay, Bộ GTVT đã giao Ban Quản lý dự án đường sắt nghiên cứu chuẩn bị đầu tư dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Theo Bộ GTVT, do dự án có quy mô lớn, tính chất kỹ thuật phức tạp, thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia, nên việc nghiên cứu chuẩn bị đầu tư cần được xem xét một cách kỹ lưỡng nhằm bảo đảm hiệu quả, tính khả thi và đáp ứng các yêu cầu về kinh tế - kỹ thuật.

Để sớm hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, báo cáo các cấp có thẩm quyền về chủ trương đầu tư dự án, Bộ GTVT đề nghị UBND TP. Cần Thơ và các địa phương chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT trong quá trình nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư dự án.

Giữa tháng 6 vừa qua, đoàn công tác của Bộ GTVT cũng đã có cuộc họp với các tỉnh thành gồm TP. HCM, Cần Thơ, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Bình Dương về dự án đường sắt TP. HCM - Cần Thơ.

Theo báo cáo của liên danh tư vấn TEDI SOUTH - TRICC - TEDI, tốc độ chạy tàu của dự án được điều chỉnh còn 190km/giờ cho tàu khách và 120km/giờ cho tàu hàng (trước đây xây dựng phương án tốc độ chạy tàu là hơn 200km/giờ). Thời gian chạy tàu cũng được điều chỉnh với phương án mới từ TP. HCM đi Cần Thơ mất 75 - 80 phút (thay vì 45 phút như phương án trước đây). Tổng mức đầu tư của dự án cũng rút xuống còn 169.540 tỷ đồng, tương đương hơn 7 tỷ USD (phương án trước đó là 10 tỷ USD).

Theo tính toán của đơn vị tư vấn, mật độ giao thông dọc hành lang khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long đến 2055 đạt khoảng 27 triệu hành khách/ngày và 54 triệu hàng hóa/ngày. Tuy nhiên, hiện nay các phương thức vận tải chưa đáp ứng được nhu cầu. Do vậy, cần phải xây dựng tuyến đường sắt TP. HCM – Cần Thơ trước năm 2034 để đáp ứng nhu cầu vận tải, thúc đẩy phát triển kinh tế của  vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tin mới lên