Tài chính tiêu dùng

Cục diện 'cuộc chiến' thanh toán điện tử tại Việt Nam

(VNF) - Trở ngại lớn nhất của thị trường thanh toán phi tiền mặt tại Việt Nam hiện nay là nhận thức và niềm tin của khách hàng với các sản phẩm công nghệ tài chính còn thấp. Tuy nhiên, ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch MoMo dự báo sẽ có "một cuộc chiến khốc liệt" của các dịch vụ thanh toán điện tử trong thời gian tới, sau khi giai đoạn hướng dẫn thị trường Việt Nam làm quen với dịch vụ được hoàn tất.  

Cục diện 'cuộc chiến' thanh toán điện tử tại Việt Nam

Hiện có 26 công ty được cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán

2019 là năm thứ 4 Việt Nam thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020 đã được phê duyệt bởi Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán tại Việt Nam giảm từ mức hơn 90% (2016) xuống dưới 10%.

Mặc dù, thương mại điện tử tại Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực, nhưng tỷ lệ thanh toán phi tiền mặt rất thấp.

Theo thống kê của Ngân hàng thế giới (WB), tính đến cuối năm 2017, Việt Nam có lượng giao dịch phi tiền mặt thấp nhất khu vực châu Á, chỉ đạt 4,9%, trong khi tỷ lệ này ở Trung Quốc là 26,1%, Thái Lan là 59,7% và Malaysia là 89%.

"Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt" chỉ ra rằng thanh toán điện tử được là một trong những trụ cột xây dựng Chính phủ điện tử. Do đó, Việt Nam muốn xây dựng thành công Chính phủ điện tử, thì buộc phải triển khai tốt hình thức thanh toán này.

Tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV cho biết đến hết năm 2018 “chỉ có 40% người Việt Nam trên 15 tuổi có tài khoản ngân hàng, và chỉ 4% trong số này sử hữu thẻ tín dụng”. Ông Lực cho biết thêm, “đã có 30 ngân hàng trên toàn hệ thống tiến hành chuyển đổi số nhưng chuyển đổi với các tổ chức lớn, có bộ máy cồng kềnh là không hề đơn giản”.

Điều đó có nghĩa là dư địa dành cho các công ty công nghệ tài chính (fintech) trong lĩnh vực trung gian thanh toán còn rất lớn.

“Với những đất nước đã quen sử dụng các dịch vụ thẻ như Singapore chẳng hạn, không có lý do gì để người dùng chuyển qua dùng GrabPay. Ở Việt Nam hay Indonesia, lúc đầu người dùng có thể e dè, nhưng sau khi trải nghiệm, biết được sự tiện lợi, họ sẽ sử dụng thẻ hay ví để thanh toán”, ông Nguyễn Tuấn Anh, đại diện Grab Financial Group Việt Nam nói.

Dù là một thị trường non trẻ và còn tồn tại nhiều trở ngại như hệ sinh thái công nghệ tài chính chưa hoàn chỉnh; nhận thức và niềm tin của khách hàng với các sản phẩm công nghệ tài chính còn thấp…nhưng thị trường thanh toán điện tử tại Việt Nam không vì thế mà kém hấp dẫn trong mắt các “ông lớn” ngoại.

Tháng 9/2017, gần 1 năm sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020, tập đoàn Samsung đã giới thiệu dịch vụ SamsungPay tại Việt Nam. Sau nửa năm ra mắt, Samsung công bố SamsungPay đã có hơn 400.000 người dùng đăng ký với 500.000 giao dịch. Tổng giá trị giao dịch đạt gần 350 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2017, Sea Group có trụ sở tại Singapore đã liên tiếp hợp tác với công ty cổ phần Phát triển Thể thao Điện tử Việt Nam (VED) để triển khai dịch vụ thanh toán AirPay và công ty Cổ phần giải pháp thanh toán Việt Nam để triển khai dịch vụ thanh toán VNPay.

Trong cùng 1 năm, Sea Group đã nắm bắt được 2 công cụ thanh toán tại thị trường Việt Nam là AirPay và VNPay. Hiện tại, ví điện tử AirPay là kênh đặt hàng và thanh toán chính thức cho Foody/Delivery Now, đồng thời người dùng có thể đặt vé xe ô tô, vé máy bay, thanh toán các hoá đơn, nạp tiền điện thoại, mua mã thẻ game…AirPay cũng hỗ trợ mua thẻ nạp cho nhiều dịch vụ trực tuyến khác như mua vé xem phim, học trực tuyến. Còn VNPay là cổng trung gian kết nối các đơn vị kinh doanh với ngân hàng. Hiện, VNPay là đối tác liên kết với hơn 40ngân hàng, 5 công ty viễn thông và cung cấp dịch vụ cổng thanh toán cho hàng trăm doanh nghiệp tại Việt Nam như Vinmart, VTVcab, Hearb Life, FPT, Cyberpay và các trường đại học trên toàn quốc.

Một tên tuổi lớn không thể bỏ qua trong làng công nghệ cũng nhòm ngó thị trường thanh toán phi tiền mặt tại Việt Nam, đó là Grab.

Tháng 9/2018, Grab công bố hợp tác với Moca, dịch vụ trung gian thanh toán của Việt Nam để cung cấp dịch vụ thanh toán cho thị trường 93 triệu dân. Moca được thành lập năm 2013, xây dựng ứng dụng trên di động giúp người dùng thanh toán trực tiếp với thẻ ATM, thẻ Visa/Mastercard/JCB. Sản phẩm của Moca phục vụ xu hướng thanh toán qua mã QR.

Mặc dù chưa trực tiếp xâm nhập thị trường Việt Nam nhưng ngày 6/11/2017, trong chuyến thăm Việt Nam của  tỷ phú Jack Ma, Chủ tịch Tập đoàn Alibaba, Alipay của Jack Ma cũng đã ký thỏa thuận chiến lược với Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS).

Theo nghiên cứu của công ty tư vấn Solidiance, thị trường công nghệ tài chính Việt Nam năm 2017 đạt khoảng 4,4 tỷ USD.

Tính đến ngày 2/11/2018, Ngân hàng Nhà nước đã cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho 26 công ty, bao gồm Công ty Cổ phần  Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS).

Theo Solidiance, trong số các doanh nghiệp được cấp phép trung gian thanh toán thì MoMo là một trong số những doanh nghiệp hoạt động tích cực với 8 triệu người dùng và tổng giá trị giao dịch ước đạt 12.000 tỷ đồng. Đối tác của MoMo là Standard Chartered Equity và Goldman Sachs. Momo hiện cung cấp hơn 100 dịch vụ thanh toán di động trên cả 2 nền tảng là IOS và Android cho cả 2 đối tượng khách hàng đã có và chưa có tài khoản ngân hàng.

Theo ghi nhận của VietnamFinance, những cái tên phổ biến trên thị trường thanh toán điện tử tại Việt Nam như Ngân lượng, MoMo, Payoo, AirPay, VNPay, 1Pay, SamsungPay, Moca…đều có hợp tác với nước ngoài.

Dịch vụ thanh toán điện tử “thuần Việt” có thể kể đến là ZaloPay của VNG. Tuy nhiên, sau 2 năm thử nghiệm kể từ 2016, đến nay ZaloPay mới có khoảng 150 ngàn người dùng, một con số khiêm tốn so với các đối thủ được trợ lực bởi các “ông lớn” ngoại.

Như đã đề cập ở trên, trở ngại lớn nhất của thị trường thanh toán phi tiền mặt tại Việt Nam hiện nay là nhận thức và niềm tin của khách hàng với các sản phẩm công nghệ tài chính còn thấp. Trong giai đoạn này, các công ty vẫn chủ yếu đẩy tiền khuyến mãi để thu hút người dùng. 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch MoMo dự báo sẽ có "một cuộc chiến khốc liệt" của các dịch vụ thanh toán điện tử trong thời gian tới, sau khi giai đoạn hướng dẫn thị trường Việt Nam làm quen với dịch vụ được hoàn tất.  

Tin mới lên