Tài chính

Cục phòng, chống tham nhũng vào cuộc sau các lùm xùm ở Lọc hóa dầu Bình Sơn

Hạn chế đối tác vào đàm phán, vi phạm nguyên tắc về cạnh tranh, ký kết các hợp đồng bất bình đẳng với các đối tác khác nhau, nhiều dấu hiệu tiềm ẩn tiêu cực, gây thiệt hại cho chính doanh nghiệp đã buộc Cục phòng, chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) phải vào cuộc… là những gì diễn ra tại Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR).

Cục phòng, chống tham nhũng vào cuộc sau các lùm xùm ở Lọc hóa dầu Bình Sơn

Cục phòng, chống tham nhũng vào cuộc sau các lùm xùm ở Công ty CP Lọc hóa Dầu Bình Sơn.

Cục Phòng, chống tham nhũng vào cuộc

Ngày 15/8, Cục Phòng, chống tham nhũng (TTCP) đã có công văn số 189/C.IV – P1 gửi lãnh đạo BSR để yêu cầu đơn vị này cung cấp các bản sao hợp đồng bán sản phẩm hạt nhựa đã ký với 5 đối tác là Công ty Cổ phần Nhựa OPEC, Công ty Cổ phần Hóa chất Nhựa Đà Nẵng, Công ty Cổ phần Petroseco Miền Trung, Tổng công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí (DCM), Công ty Cổ phần Nhà và Thương mại Dầu khí.

Cục Phòng, chống tham nhũng cũng yêu cầu lãnh đạo BSR cung cấp tài liệu về 2 lần chào bán theo giá giao ngay, kết quả chào bán (các mức giá, đơn vị trúng) và tài liệu thỏa thuận để xác định thành tố Pre trong giá bán của hợp đồng ký dài hạn.

Nguyên nhân dẫn tới Cục Phòng, chống tham nhũng của TTCP đưa ra yêu cầu trên là bởi đơn vị nhận được những phản ánh dấu hiệu tiêu cực trong việc bán sản phẩm hạt nhựa (polypropylene) của BSR và có thể gây hại cho BSR hàng chục tỉ đồng.

Cụ thể, công suất hoạt động của BSR khoảng 15.000 tấn/tháng. BSR ký hợp đồng kỳ hạn 3 năm từ 2018 – 2021 với cơ cấu giá bán được thỏa thuận hàng năm (2018 là 15 USD/tấn) với 5 đối tác trên. 

Trong 6 tháng đầu năm 2018, BSR đã có 4 lần bán số hàng xuất dư hàng tháng giá 15 USD/tấn, có 2 lần bán số hàng xuất dư với giá chào bán giao ngay là 52 USD/tấn. Giá chào bán chênh lệch rất lớn với giá thỏa thuận tiềm ẩn tiêu cực làm thiệt hại cho BSR trong 6 tháng đầu năm số tiền lên tới 2.886.000 USD.

Hiện tại, BSR đang dự kiến bán toàn bộ số hàng xuất dư 6 tháng cuối năm 2018 khoảng 2.000 tấn cho đối tác với giá 15 USD/tấn. Việc làm này của BSR sẽ gây hại cho BSR khoảng 444.000 USD.

Đó là các nội dung mà công văn của Cục Phòng, Chống tham nhũng đánh giá.

“Thiệt đơn thiệt kép” vì cách lựa chọn đối tác

Nói về các đối tác của BSR, có thể thấy nhiều vấn đề cần được cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ. Thay vì việc phải mời rộng rãi các đối tác tham gia vào việc tiêu thụ sản phẩm Polyproylene (PP), BSR chỉ lựa chọn 5 đối tác cung cấp hàng hóa đã thể hiện sự không phù hợp về nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh.

Trong khi đó, dựa trên Quyết định 4523/QĐ-BSR của BSR về việc phê duyệt tiêu chí lựa chọn khách hàng, phương thức đàm phán và danh sách Tổ đàm phán hợp đồng tiêu thụ sản phẩm Polypropylene (PP) Dung Quất giai đoạn 2018 – 2021, trên cơ sở các tiêu chí lựa chọn khách hàng theo quy định, BSR sẽ phát hành công văn mời các khách hàng đáp ứng được năng lực, kinh nghiệm để đưa vào danh sách đàm phán. Thậm chí, quy định này còn chi tiết đến mức đề ra quá trình đàm phán sẽ được thực hiện qua hai vòng.

Vòng 1, BSR sẽ phát hành công văn thông báo khối lượng bán và đề nghị các khách hàng trong danh sách đàm phán thông báo giá chào mua, khối lượng bằng văn bản vào số fax bí mật của BSR. Tổ đàm phán ghi nhận bằng biên bản làm cơ sở để đàm phán ở vòng tiếp theo.

Vòng 2, với kết quả chào của khách hàng ở vòng 1 kết hợp với các thông tin thị trường, khối lượng cung cấp PP trên thị trường khu vực, giá nhập khẩu của các đơn vị, Tổ đàm phán sẽ tiến hành đàm phán để thống nhất khối lượng và giá bán với từng khách hàng.

Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn trái ngược khi BSR đã thực hiện mời hạn chế 5 đơn vị mà sau này đều trở thành đối tác của BSR như đã nêu trên.

Việc mời hạn chế này đã vi phạm nguyên tắc cạnh tranh và quyền tự quyết của BSR, tạo nên nguy cơ thao túng thị trường, thiệt hại dễ nhận thấy nhất là sản phẩm của BSR bị giảm cạnh tranh và từ đó dẫn tới lợi ích của BSR bị xâm phạm.

Nghi hoặc càng bị đẩy cao về việc có hay không “cài cắm” doanh nghiệp “quân xanh” trong 5 đối tác của BSR khi 2 trong số 4 doanh nghiệp đã lập tức bán hàng trao tay để thu ăn chênh lệch cho Nhựa OPEC ngay tại xưởng PP của BSR.

Rõ ràng, 2 đơn vị này đã không đáp ứng được tiêu chí “nhà thầu đủ năng lực cho phân phối PP của BSR” bởi đối tác đã không những không tạo được giá trị gia tăng cho hệ thống phân phối, quảng bá sản phẩm của BSR mà còn tạo cơ hội cho Nhựa OPEC tăng tính độc quyền trong cung cấp nguồn hàng ra thị trường.

Trong khi đó BSR “bị qua mặt” mất trắng một phần lợi nhuận của lô hàng ngay trong xưởng sản xuất của chính mình khi bộc lộ rõ giá xác định chưa sát thị trường, nếu BSR bán thẳng còn có thể tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Xem thêm: Ngành thuế sẽ tiếp tục nghiên cứu việc phân cấp xử lý xoá nợ cho doanh nghiệp

Tin mới lên