Ngân hàng

Cuộc đua CASA của các ngân hàng

Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng giúp các ngân hàng tiết kiệm chi phí, tăng biên lãi ròng (NIM) trong hoạt động tín dụng. Vì thế, cuộc đua CASA được các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh trong 2022.

Cuộc đua CASA của các ngân hàng

Cuộc đua CASA của các ngân hàng

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc phụ trách ban điều hành Vietcombank cho biết, kết thúc năm 2021, hầu hết các chỉ tiêu hoạt động kinh doanh của ngân hàng đều đạt và vượt kế hoạch ĐHĐCĐ và HĐQT giao với tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu huy động vốn theo đúng định hướng.

Huy động vốn thị trường 1 đạt 1.154.000 tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm 2020. Tỷ trọng huy động vốn không kỳ hạn (CASA) bình quân đạt 32,2%, tăng 3,3 điểm % so với năm 2020.

Bên cạnh đó đó, tính đến hết ngày 31/12/2021, dư nợ bình quân của VietinBank tăng 12,3% so với năm 2020; tỷ trọng dư nợ bán lẻ và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt 57%, cải thiện tích cực so với năm 2020; thu ngoài lãi tăng trên 20%; nguồn vốn CASA tăng hơn 20% so với cùng kỳ.

Tỷ trọng tiền gửi CASA/tổng nguồn vốn năm 2021 của VietinBank đạt 20%. Lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt và vượt kế hoạch ĐHĐCĐ giao (16.800 tỷ đồng trước thuế), đồng thời ngân hàng đặt mục tiêu tăng 10 - 20% trong năm 2022.

Ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank, cho hay, 2021 là một năm khó khăn đối với Việt Nam, do chịu những ảnh hưởng nặng nề từ làn sóng thứ 4 của đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh nhiều thách thức đó, Techcombank vẫn cố gắng đạt kỷ lục hơn 1 tỷ USD lợi nhuận trước thuế.

Thu nhập hoạt động cả năm 2021 của Techcombank tăng 35,4% và tỷ lệ CASA dẫn đầu ngành đạt mức 50,5%.

Techcombank tập trung vào chuyển đổi và đầu tư vào công nghệ số để đáp ứng nhu cầu của tập khách hàng ngày càng tăng nhanh, góp phần tiếp tục thúc đẩy giá trị giao dịch ngân hàng điện tử, tăng ở mức ấn tượng 81%.

Tổng thu nhập hoạt động năm 2021 của Techcombank tăng 35,4% so với cùng kỳ năm trước, lên 37,1 nghìn tỷ đồng, nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ từ cả thu nhập lãi và thu nhập từ hoạt động dịch vụ.

Nhưng thu nhập từ lãi tại Techcombank đạt 26,7 nghìn tỷ đồng, tăng 42,4% so với cùng kỳ năm trước, dẫn dắt bởi biên lãi thuần (NIM - tính trên 12 tháng gần nhất) đạt 5,6% (so với mức 4,9% của năm 2020). Một phần nhờ tỷ lệ CASA của ngân hàng này đang cao nhất thị trường hiện nay.

Thu nhập từ hoạt động dịch vụ của Techcombank cũng tăng 42,4%, đạt 7,8 nghìn tỷ đồng trong năm 2021 với sự đóng góp từ tất cả các loại phí chủ chốt.

Đánh giá về năm 2022, Techcombank lạc quan nhưng vẫn rất thận trọng. Techcombank cho biết, luôn duy trì việc quản lý rủi ro thận trọng, tối ưu hóa chi phí, đầu tư vào con người và số hóa, nhờ đó chúng tôi có vị thế tốt để nắm bắt mọi cơ hội khi nền kinh tế dự kiến phục hồi mạnh mẽ hơn trong năm 2022.

Trong năm qua, tín dụng của MSB tăng trưởng trên 20% theo chỉ tiêu được NHNN cấp, kết hợp với cơ cấu nguồn vốn hiệu quả, nhờ đó thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt 6.112 tỷ đồng tăng gần 30% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng hơn 58% trong cơ cấu tổng thu nhập thuần của ngân hàng.

Đáng chú ý, nguồn thu ngoài lãi tăng trưởng 92% so với năm 2020 với sự đóng góp mạnh mẽ từ tăng trưởng từ doanh thu hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối và góp vốn mua cổ phần. Tiền gửi khách hàng tăng hơn 8%, đạt 94.616 tỷ đồng, trong đó CASA chiếm tỷ trọng khoảng 36%, nằm trong top của thị trường các ngân hàng.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB cho biết, ngân hàng đặt mục tiêu năm 2022 đạt lợi nhuận trước thuế 6.800 tỷ đồng - tương đương 30%, tăng trưởng tín dụng ở mức trên 20% tùy vào sự phê duyệt của NHNN, quy mô tài sản đạt 230.000 tỷ đồng.

Chiến lược tập trung chuyển đổi số, số hóa ngân hàng hiện hữu tiếp tục được MSB đẩy mạnh với mục tiêu vào nhóm các ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn/tổng huy động vốn (CASA) cao nhất hệ thống trong năm 2022.

Xem thêm: Tổng cục Đường bộ kiến nghị 'bêu' tên nhà thầu giao thông vi phạm chất lượng

Tin mới lên