Ngân hàng

Cuộc đua 'zero fee' thêm phần quyết liệt

(VNF) - "Zero fee" - chính sách miễn phí giao dịch ngân hàng, một mặt buộc ngân hàng phải hy sinh nguồn thu từ dịch vụ thanh toán, riêng TPBank còn hy sinh cả nguồn thu từ phí rút tiền mặt qua ATM, trong khi vẫn phải gánh các chi phí giao dịch liên quan; mặt khác lại giúp ngân hàng nhanh chóng tăng quy mô khách hàng cũng như tăng lượng tiền gửi không kỳ hạn.

Cuộc đua 'zero fee' thêm phần quyết liệt

TPBank miễn phí cả giao dịch online lẫn giao dịch rút tiền qua ATM (Ảnh minh họa)

Trong một động thái đáng chú ý mới đây, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã quyết định miễn phí cho tất cả khách hàng của ngân hàng này khi chuyển tiền online qua ứng dụng internet banking - TPBank eBank, dù cho tài khoản nhận ở bất cứ ngân hàng nào tại Việt Nam.

Đặc biệt, khi dùng thẻ ATM của TPBank rút tiền tại tất cả các máy ATM trên toàn quốc (ngoại trừ HSBC, Standard Chartered, Ngân hàng liên doanh Việt - Nga), khách hàng cũng sẽ không phải tốn bất kỳ chi phí nào.

Chuyển tiền online và rút tiền từ thẻ ATM là hai trong số những giao dịch phổ biến được khách hàng sử dụng nhiều nhất trong giao dịch ngân hàng. Tới thời điểm hiện tại, đây là ngân hàng đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam miễn cùng lúc hai loại phí này.

Bên cạnh TPBank, hiện có 2 ngân hàng khác cũng áp dụng chính sách "zero fee", nhưng chỉ miễn phí các giao dịch trực tuyến, là Techcombank và VIB. Trong đó, Techcombank là mẫu hình thành công tiêu biểu cho chính sách này. Một vài ngân hàng khác cũng có chính sách miễn phí giao dịch, nhưng hạn chế ở từng đối tượng khách hàng, đa phần chỉ vì mục đích thu hút khách hàng sử dụng một/một vài dịch vụ nhất định.

"Zero fee" một mặt buộc ngân hàng phải hy sinh nguồn thu từ dịch vụ thanh toán, riêng TPBank còn hy sinh cả nguồn thu từ phí rút tiền mặt qua ATM, trong khi vẫn phải gánh các chi phí giao dịch liên quan; mặt khác lại giúp ngân hàng nhanh chóng tăng quy mô khách hàng cũng như tăng lượng tiền gửi không kỳ hạn.

Sở dĩ tăng lượng tiền gửi không kỳ hạn quan trọng là bởi loại tiền gửi này có lãi suất rất thấp. Cùng một lượng tiền gửi huy động được, ngân hàng nào càng có tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn cao thì chi phí vốn của ngân hàng đó càng thấp, tạo lợi thế cạnh tranh lớn trong cuộc đua lãi suất cũng như giúp nâng cao tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận.

"Zero fee" là chính sách cốt lõi giúp tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn trong tổng tiền gửi khách hàng (tỷ lệ CASA) của Techcombank vượt cả Vietcombank và MB. Điều này đáng chú ý là bởi Vietcombank có lợi thế lớn trong các giao dịch của cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, trong khi MB "bao" hầu hết các chi tiêu quốc phòng (cả chi tiêu tổ chức lẫn cá nhân); lợi thế đặc thù giúp tỷ lệ CASA của hai ngân hàng này ở mức rất cao so với mặt bằng chung.

Tất nhiên, chỉ miễn phí thôi là không đủ. Song song với chính sách "zero fee" phải là các giải pháp đồng bộ khác nhằm biến ngân hàng trở thành ngân hàng giao dịch chính của khách hàng. Có như vậy, số dư tiền gửi thanh toán mới cao và bền vững.

Trở lại với trường hợp của TPBank, "nước cờ zero fee" toàn diện, cả chuyển tiền online lẫn rút tiền ATM, cho thấy TPBank thực sự tham vọng trong việc gia tăng quy mô khách hàng cũng như nâng tỷ lệ CASA; trong đó, mục tiêu gia tăng quy mô khách hàng là rất quan trọng bởi là một "ngân hàng công nghệ", nếu tệp khách hàng nhỏ, công nghệ sẽ không thể giúp TPBank tạo ra khác biệt lớn trong chi phí cũng như doanh thu so với các ngân hàng khác.

Báo cáo tài chính năm 2018 cho thấy, TPBank ghi nhận 268 tỷ đồng thu nhập từ dịch vụ thanh toán (tăng gấp 2,1 lần năm 2017), song song với đó là 131 tỷ đồng chi phí về dịch vụ thanh toán. 9 tháng năm 2019, con số này lần lượt ở mức 299 tỷ đồng (tăng 67% so với cùng kỳ năm 2018) và 137 tỷ đồng.

Như vậy, TPBank nhiều khả năng sẽ phải hy sinh nguồn thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, bất chấp nguồn thu này đang tăng rất nhanh. Điều này một lần nữa cho thấy tham vọng lớn của "ngân hàng công nghệ" này.

Kể từ khi về tay "đại gia ngành vàng" Đỗ Minh Phú, TPBank không chỉ xử lý dứt điểm "ung nhọt" nợ xấu để lại từ quá khứ mà còn ghi dấu bằng tăng trưởng lợi nhuận thần tốc.

Từ mức lỗ nặng năm 2011 (lỗ trên 1.300 tỷ đồng), lợi nhuận trước thuế năm 2012 (năm ông Đỗ Minh Phú bắt đầu tái cơ cấu) của TPBank đã lên mức 116 tỷ đồng và đạt mức 2.257 tỷ đồng năm 2018, nghĩa là tăng gấp gần 20 lần sau 7 năm. Tính chung giai đoạn 2013 - 2018, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế bình quân của ngân hàng này lên đến 76%/năm.

9 tháng năm 2019, TPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 2.400 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến cả năm nay, mức lợi nhuận sẽ đạt khoảng 3.200 tỷ đồng.

Tin mới lên