Ngân hàng

Cựu lãnh đạo Navibank: ‘Viện kiểm sát đang truy tố oan chúng tôi hay đang bỏ lọt tội phạm?’

(VNF) – Cựu Phó tổng giám đốc Navibank Nguyễn Giang Nam, trong bài tự bào chữa trước Tòa, cho rằng trong vụ án Huyền Như, cơ quan điều tra đã "bỏ lọt" một số đối tượng khi điều tra vụ án.

Cựu lãnh đạo Navibank: ‘Viện kiểm sát đang truy tố oan chúng tôi hay đang bỏ lọt tội phạm?’

10 lãnh đạo Navibank trước Tòa

Ngày 19/3, Tòa án nhân dân TP. HCM đã tuyên án đối với 10 bị cáo là nguyên lãnh đạo Ngân hàng TMCP Nam Việt - Navibank về tội "Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", gây thiệt hại cho ngân hàng này 200 tỷ đồng.

Các bị cáo bị truy tố về hành vi lấy tiền của Navibank gửi tại VietinBank chi nhánh TP. HCM với lãi suất cao, vượt quá lãi suất trần theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, tạo điều kiện cho Huyền Như chiếm đoạt của Navibank 200 tỷ đồng.

Hội đồng xét xử đã tuyên án Tổng giám đốc Lê Quang Trí 13 năm tù. Các nguyên Phó tổng giám đốc Nguyễn Giang Nam, Nguyễn Hồng Sơn, Cao Kim Sơn Cương cùng mức án 12 năm tù.

Nói lời sau cùng tại Tòa, bị cáo Nguyễn Giang Nam, nguyên Phó tổng giám đốc Navibank, đã có bài tự bào chữa, cho rằng mức án của Tòa là quá nặng và cơ quan điều tra đang có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm trong vụ án.

Trong phần bào chữa của mình, bị cáo Nguyễn Giang Nam cho rằng sau khi vụ án "Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm" xảy ra, tuy Navibank không hề có bất kỳ kỷ luật nào, thậm chí đều giữ tất cả mọi người lại làm việc ở vị trí cũ, nhưng với ý thức trách nhiệm của mình, các cán bộ đều lần lượt nghỉ việc, hầu hết đều không còn làm trong ngành ngân hàng.

Theo ông Nam, nếu như Bộ luật hình sự 2015 có hiệu lực vào 01/07/2016 như kế hoạch thì "chúng tôi đã không bị khởi tố vào ngày 20/07/2016, vỏn vẹn 20 ngày sau khi Luật này được Quốc hội cho hoãn thi hành".

"Cuối cùng Bộ luật hình sự 2015 đã có hiệu lực ngày 01/01/2018, nếu như thông thường thì 10 người chúng tôi không còn là đối tượng của 1 điều luật đã bị bãi bỏ. Thế nhưng, Nghị quyết 41 của Quốc hội ban hành, trong đó Điều 165 vẫn áp dụng theo Bộ luật hình sự cũ với những vụ án đã khởi tố trước đó, đã một lần nữa tước đi của chúng tôi cơ hội thoát khỏi các cáo buộc này", ông Nam nói.

Cựu lãnh đạo cho hay vẫn luôn tự hào trong bất kể tình huống nào xảy ra, các cán bộ Navibank đều "không hề tư lợi một đồng nào, kể cả trong suy nghĩ lẫn trong thực tế. Thế nên thật là éo le khi mà cả 10 người ở đây, đã lần lượt rời khỏi ngân hàng mỗi người 1 nghề khác nhau thì đùng 1 cái lại quay trở lại ngồi cùng nhau trên 1 vị trí, ở 1 hoàn cảnh mà chắc chắn không ai muốn". 

"Trong suốt thời gian xét xử, đặc biệt khi vị đại diện Viện kiểm sát đọc lời luận tội, có thể nói tất cả chúng tôi đều bị sốc. Tôi xin phép được nói ra ngoài một tí, khi vụ án Huỳnh Thị Huyền Như xảy ra, ngân hàng ACB, quy mô lớn hơn NVB rất nhiều lần, số tiền thiệt hại 718 tỷ lớn hơn gấp 3 lần con số 200 tỷ của NVB, HĐQT ACB có họp ra biên bản và bị truy tố, Tòa phán xử mức án cao nhất là 7 năm tù. Còn chúng tôi, kính thưa vị đại diện Viện kiểm sát, 7 năm sau thời điểm xảy ra vụ án, đang đối diện với mức án được các vị đề nghị thấp nhất là 8-9 năm tù. Tôi không hiểu tại sao lại có sự khập khiễng đến phi lý ở đây", ông Nam nói tiếp.

"Và thậm chí là tất cả những cá nhân, tổ chức liên quan đến vụ án Huyền Như này, chỉ có chúng tôi là những cá nhân bị khởi tố điều tra, truy tố vì vi phạm Thông tư 02, đặc biệt là chúng tôi bị truy tố trên tư cách người gửi tiền. Không một cá nhân, tổ chức nào gửi tiền với lãi suất cao hơn 14% dù là trong hay ngoài vụ án Huyền Như bị khởi tố, truy tố vì vi phạm Thông tư 02 ngoài chúng tôi. Như vậy liệu rằng Viện kiểm sát đang truy tố oan chúng tôi, hay là Viện kiểm sát đang bỏ lọt tội phạm?

Về vấn đề này tôi cũng đã từng hy vọng là thông qua đối đáp với Viện kiểm sát sẽ giúp Hội đồng xét xử làm sáng tỏ vấn đề. 10 người chúng tôi, ngay từ khi bị khởi tố, mặc dù cũng biết là bị can, bị cáo có quyền im lặng, tất cả chưa bao giờ sử dụng quyền im lặng. Chúng tôi luôn cố gắng hết sức mình hợp tác với các cơ quan điều tra để góp phần làm sáng tỏ sự thật và qua đó minh oan cho chúng tôi".

Bài tự bào chữa của ông Nam cũng cho rằng mức án bị tuyên buộc là "vô cùng nặng, nặng một cách phi lý".

"Tôi cho là, theo đánh giá của cá nhân tôi, là rất thiếu tình cảm, rất vô cảm. Tôi biết các vị cũng chỉ là đại diện cho một cơ quan giữ quyền công tố chứ không phải là vấn đề cá nhân gì ở đây, nhưng mà rõ ràng 10 con người ở đây, với 10 gia đình phía sau lưng, không hiểu các vị đánh giá mức độ vi phạm nếu có như thế nào mà các vị đưa ra mức án vô cùng nặng nề, 107 - 117 năm cho 10 người. Trong đó thậm chí những bị cáo như Phạm Thị Thu Hiền không hiểu mình vi phạm cái gì.

Tôi thấy Viện kiểm sát tại tòa cũng phải đồng ý những điểm mà chị Hiền đưa ra: không là thành viên ALCO, làm đúng nhiệm vụ của mình, nhưng vẫn bị Viện kiểm sát đề nghị mức án ưu ái là 8 - 9 năm tù.

Tôi vẫn giữ vững niềm tin là vị Chủ tọa và Hội đồng xét xử sẽ xem xét hết mọi vấn đề, mọi ngóc ngách để đưa ra phán quyết công bằng, hợp lý cho chúng tôi. Tuy nhiên tôi vẫn mong các vị bên Viện kiểm sát khi đưa ra những lời buộc tội cần kèm theo chứng cứ chứng minh, đặc biệt khi cả 10 người chúng tôi đều kêu oan. Đến giờ này chúng tôi vẫn tiếp tục kêu oan, và khi các vị đại diện Viện kiểm sát, thay vì giữ quyền công tố lại đi giữ quyền im lặng vốn là của chúng tôi, không trả lời, từ chối trả lời, tôi lại cho là mình vừa bị oan thêm 1 lần nữa", ông Nam nói.

Tin mới lên