Tài chính

Đã có 4 đại gia ngoại tranh mua 36% cổ phần của Genco 3

(VNF) – 4 nhà đầu tư ngoại tầm cỡ thế giới đến từ Ấn Độ, Thái Lan, Hàn Quốc và Trung Đông cùng đăng ký muốn mua 36% cổ phần của Tổng công ty phát điện 3 (Genco 3) để trở thành nhà đầu tư chiến lược.

Đã có 4 đại gia ngoại tranh mua 36% cổ phần của Genco 3

Bốn nhà đầu tư ngoại tranh ‘chung kết U23’ mua 36% cổ phần tại Genco 3

Thông tin này được ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra tại buổi hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư (roadshow) vào Genco 3, vào chiều 25/1.

Phát biểu tại hội thảo, Phó tổng giám đốc EVN cho biết theo phương án cổ phần hoá Genco 3 đã được Thủ tướng phê duyệt, Nhà nước sẽ giữ nguyên vốn tại doanh nghiệp và phát hành thêm cổ phiếu 49% để tăng vốn điều lệ.

Vốn điều lệ của EVN Genco 3 tại thời điểm cổ phần hóa được xác định là 20.809 tỷ đồng. Cổ phần EVN nắm giữ là 1.061.300.000 cổ phần (tương đương 51% vốn điều lệ).

Sau cổ phần hoá EVN sẽ giữ 51% vốn tại Genco 3 đến hết năm 2019. Từ năm 2020, trường hợp EVN đàm phán được với các ngân hàng cho vay về tái cấu trúc được các khoản nợ của Genco 3 thì tập đoàn có thể sẽ thoái vốn xuống dưới mức chi phối, từ 51% xuống dưới 50%.

"Việc bán vốn Genco 3 sẽ giúp doanh nghiệp này vay vốn đầu tư các dự án điện mới, cũng như trả một phần các khoản nợ vay vốn nước ngoài do Chính phủ bảo lãnh", ông Đinh Quang Tri cho hay.

Cũng tại hội thảo, ông Đinh Quốc Lâm, Tổng giám đốc EVN Genco 3, cũng cho biết lượng cổ phần bán đấu giá công khai hơn 267 triệu (tương đương gần 12,9% vốn điều lệ). Lượng bán cho nhà đầu tư chiến lược tương đương 36% vốn điều lệ, hơn 749 triệu cổ phần. Người lao động được mua hơn 3,4 triệu cổ phần, chiếm trên 0,16% vốn điều lệ.

Theo Tổng giám đốc EVN Genco 3, việc bán cổ phần lần đầu ra công chúng sẽ được diễn ra tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) theo phương thức bán đấu giá công khai với giá khởi điểm là 24.600 đồng/cổ phần.

Các nhà máy điện thuộc Genco 3 có tổng công suất lắp đặt 6.304 MW tương đương khoảng 16% tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện quốc gia. Năm 2017, doanh nghiệp này ước tính doanh thu đạt khoảng 34.632 tỷ đồng, lợi nhuận sản xuất điện 1.276 tỷ đồng, bằng 218,7% kế hoạch dự kiến.

Năm 2018, ngoài nhiệm vụ sản xuất điện năng, tổng công ty này dự kiến khởi công 2 dự án điện mặt trời, đồng thời triển khai các thủ tục đầu tư dự án Trung tâm điện lực Long Sơn sử dụng khí đốt hóa lỏng (LNG) tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ông Đinh Quang Tri tiết lộ các nhà đầu tư ngoại đều là những công ty lớn về sản xuất điện trên thế giới.

Đơn cử như nhà đầu tư từ Ấn Độ có công suất trên 10.000 MW, đầu tư mỏ than tại Indonesia, Australia.

Nhà đầu tư Thái Lan có kinh nghiệm trong phát triển tuabin phí, có dòng tiền mặt lớn.

Nhà đầu tư từ Trung Đông cũng là nhà đầu tư chuyên mua các nhà máy điện trên thế giới, công ty này cũng có thể cung cấp nguồn khí, khiến giá khí cạnh tranh hơn giá khí trong nước.

Nhà đầu tư Hàn Quốc là nhà đầu tư có kinh nghiệm và cũng đang đầu tư một dự án BOT tại Việt Nam

"4 nhà đầu tư này rất tiềm năng. Cuộc đấu giá chọn nhà đầu tư chiến lược vào ngày 15/3 là cuộc đấu hấp dẫn như trận chung kết bóng đá nam U23 Việt Nam và U23 Uzbekistan", ông Đinh Quang Tri ví von.


Tin mới lên