Thị trường

Đà Nẵng chuẩn bị 2.300 tỷ đồng hàng hóa phục vụ Tết, sức mua sắm bắt đầu tăng

(VNF) - Nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết của người dân, các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh phân phối hàng hóa trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã chuẩn bị lương thực, thực phẩm thiết yếu với tổng giá trị khoảng 2.300 tỷ đồng.

Đà Nẵng chuẩn bị 2.300 tỷ đồng hàng hóa phục vụ Tết, sức mua sắm bắt đầu tăng

Người dân mua bánh, kẹo Tết tại chợ Cồn (TP. Đà Nẵng)

Bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng, cho biết tổng giá trị các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết năm nay khoảng 2.300 tỷ đồng. Hàng hóa đa dạng, phong phú, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân. Trong đó, thịt các loại hơn 4.000 tấn (thịt heo khoảng 2.000 tấn); rau, củ quả các loại gần 900 tấn.

Hiện nay, người dân đã bắt đầu mua sắm Tết. Tại các siêu thị, trung tâm thương mại, sức mua tăng từ 10-20% (siêu thị Lotte Mart tăng 20% do lượng khách Hàn Quốc tăng mạnh, siêu thị Mega MM tăng 30%, Coopmart Đà Nẵng tăng 15%...).

Tại các chợ, sức mua các mặt hàng tươi sống, trái cây tăng từ 10-15%; quần áo, giày dép tăng từ 5-15% so với ngày thường (chợ Hàn tăng 10%, chợ Cồn tăng 15%, chợ Đống Đa 10%...); so với năm 2021 sức mua tại các chợ tăng khoảng 30-40%.

Theo bà Phương, để tăng cường công tác giám sát, nắm bắt tình hình cung cầu hàng hóa, giá cả thị trường và phối hợp theo dõi, ngăn chặn các hoạt động gây bất ổn thị trường Tết Nguyên đán 2023, Sở Công Thương Đà Nẵng đã thành lập các tổ để theo dõi tình hình thị trường hàng hóa thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán; đồng thời giám sát việc bán thịt heo bình ổn và đưa hàng về phục vụ nhân dân 2 xã miền núi: Hòa Bắc, Hòa Ninh (huyện Hòa Vang).

Để đảm bảo cung ứng việc hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Phó Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng Trần Phước Sơn đề nghị Cục Quản lý thị trường, Cục Hải quan, Công an thành phố chủ động quản lý, đấu tranh, chống các tội phạm thương mại, gian lận thương mại, tránh tình trạng lợi dụng đầu cơ, tích trữ hàng hóa trong tháng cao điểm, góp phần bình ổn giá.

Đặc biệt, Cục Quản lý thị trường chủ động kiểm tra, xử phạt nghiêm những trường hợp sai phạm trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả; Công an thành phố truy quét các trường hợp bảo kê hàng hóa; Cục Hải quan tăng cường chống buôn lậu qua đường biển, đường hàng không.

Ông Trần Phước Sơn cũng đề nghị Sở Công thương tiếp tục theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động giá nhiều trên địa bàn để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Các Ban HĐND thành phố tăng cường giám sát công tác quản lý thị trường, bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu và công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 theo địa phương mình quản lý.

Tin mới lên